Thuốc bảo vệ thực vật- Ai quản, quản ai?

02:03, 29/03/2015

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng của nông sản. 

[links(left)]

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo năng suất, chất lượng của nông sản.

Thế nhưng tình trạng quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc vẫn còn không ít bất cập, hạn chế khiến thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc ngoài danh mục, thậm chí thuốc cấm vẫn còn có “đất” tồn tại. Thuốc BVTV không đảm bảo chất lượng thì không những nông dân bị thiệt hại mà còn gây tác động xấu đến môi trường.

Kiểm tra là ra vi phạm

Mới đây, đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp- PTNT TP Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và bắt giữ một lô hàng thuốc BVTV cấm sử dụng (41 chai thuốc Endosulfan) tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (loại 100 g/chai). Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện, bắt giữ 400 gói (trọng lượng 10 g/gói) thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Thuốc BVTV là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thế nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục, thuốc cấm vẫn đang có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp.

Nông dân phun thuốc trừ sâu lên cả rau ngót.
Nông dân phun thuốc trừ sâu lên cả rau ngót.

Theo thống kê của Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp- PTNT), hiện nay cả nước có khoảng 230 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV, 129 cơ sở sản xuất, sang chai, đóng gói và 32.649 cửa hàng, đại lý buôn bán thuốc BVTV. Qua thanh- kiểm tra hàng năm, cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Cụ thể, trong năm 2014, qua công tác thanh- kiểm tra với 48 cơ sở sản xuất thuốc BVTV của cơ quan chức năng, đã phát hiện 9 cơ sở vi phạm (chiếm 18,8%). Các vi phạm chủ yếu như: sản xuất thuốc BVTV có nhãn không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sản xuất thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Kết quả thanh- kiểm tra 12.347 cơ sở buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV của cơ quan chức năng, phát hiện 1.704 cơ sở vi phạm quy định (chiếm 13,8%): không đủ điều kiện buôn bán, không có chứng chỉ hành nghề, buôn bán thuốc ngoài danh mục, thuốc vi phạm nhãn mác, thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng, bán thuốc cấm, thuốc giả mạo nhãn mác…

Ông Hoàng Trung- Phó cục trưởng Cục BVTV thẳng thắn nhận xét, thời gian qua, công tác quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV vẫn còn nhiều tồn tại chậm được khắc phục. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn, còn tình trạng cả nể, bao che cho người vi phạm. Bởi vậy, việc xử lý vi phạm chưa thực sự nghiêm minh và chế tài chưa đủ sức răn đe. Kết quả đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV cho thấy, các cơ sở xếp loại C (không đạt yêu cầu) chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đáng chú ý, thuốc BVTV nhập khẩu đang có xu hướng tăng về khối lượng và giá trị. Tuy nhiên theo Cục BVTV, hàng năm, khoảng 1% lô hàng thuốc BVTV nhập khẩu không đạt chất lượng.

Để thuốc giả, thuốc ngoài danh mục không còn “ đất” tồn tại

Ở một góc độ khác, nhiều địa phương cho rằng vẫn còn “lỗ hổng” trong quy định quản lý mặt hàng thuốc BVTV. Đơn cử như câu chuyện tiêu hủy thuốc BVTV nhập lậu ra sao; các đối tượng, lô hàng vi phạm được tạm giữ ở đâu; kinh phí để xét nghiệm, đánh giá kết quả chất lượng thuốc lấy từ nguồn nào... cũng đang là bài toán chưa có lời giải của rất nhiều địa phương. Một vấn đề nữa, theo ông Hoàng Hà- Đội trưởng Đội Thanh tra chuyên ngành số 2, Thanh tra Sở Nông nghiệp- PTNT Hà Nội, hiện nay quy định và chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV không nhãn mác còn thiếu chặt chẽ. Do đó, nhiều cơ sở đã “lách luật” bằng cách không sử dụng nhãn mác đối với mặt hàng thuốc BVTV ngoài danh mục hoặc thuốc BVTV cấm sản xuất, kinh doanh khiến cho công tác xử phạt gặp nhiều khó khăn.

Bao bì thuốc BVTV lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vứt ngoài cánh đồng.
Bao bì thuốc BVTV lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vứt ngoài cánh đồng.

Để giải quyết tình trạng này, ông Hoàng Trung cho biết, trong năm 2015, Cục BVTV sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác quản lý thuốc BVTV. Đồng thời, tiếp tục siết chặt công tác quản lý thuốc BVTV ở tất cả các khâu, đặc biệt là khâu khảo nghiệm. Cục BVTV cũng chỉ đạo tăng cường thanh- kiểm tra trong toàn ngành để quản lý chặt thuốc BVTV nhập lậu và thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường; cùng với đó sẽ rà soát danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam và đề xuất loại bỏ các chất độc hại, hiệu lực thấp ra khỏi danh mục.

TS Nguyễn Kim Vân- Hội Khoa học Kỹ thuật BVTV Việt Nam cũng đưa ra nhiều khuyến nghị để giảm thiểu tác động tiêu cực của thuốc BVTV lên sức khỏe con người như cần loại bỏ dần những thuốc BVTV độc hại, lạc hậu; tăng cường các loại thuốc tiên tiến; kiểm tra, rà soát lại những hoạt chất BVTV có độc hại cao, kém hiệu quả hoặc chậm phân hủy để loại bỏ dần khỏi danh mục thuốc BVTV, đặc biệt chú ý các hoạt chất đã bị cấm sử dụng ở một số nước như Mỹ, EU, Nhật Bản... Đặc biệt là cần có biện pháp quyết liệt ngăn chặn việc sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV bất hợp pháp. TS Nguyễn Kim Vân cũng nhấn mạnh việc cần khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh việc khuyến nông, sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam)...

Bài, ảnh: HÀ VĨNH THÁI 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh