Bức xúc chuyện thiếu máy móc mỗi khi lúa vào mùa thu hoạch rộ, giữa năm 2013, Chi bộ ấp 9 (xã Mỹ Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long) họp bàn việc tập hợp các chủ máy tại địa phương tham gia tổ dịch vụ sản xuất lúa do chi bộ ấp điều hành. Sau hơn một năm hoạt động, mô hình “lấy máy móc nông dân phục vụ nông dân” đã phát huy hiệu quả, thật sự hợp “ý Đảng lòng dân”.
Bức xúc chuyện thiếu máy móc mỗi khi lúa vào mùa thu hoạch rộ, giữa năm 2013, Chi bộ ấp 9 (xã Mỹ Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long) họp bàn việc tập hợp các chủ máy tại địa phương tham gia tổ dịch vụ sản xuất lúa do chi bộ ấp điều hành. Sau hơn một năm hoạt động, mô hình “lấy máy móc nông dân phục vụ nông dân” đã phát huy hiệu quả, thật sự hợp “ý Đảng lòng dân”.
Làm ăn bài bản
Câu chuyện “cố hữu” thiếu máy móc và cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ máy đã trở nên quen thuộc ở rất nhiều địa phương sản xuất lúa khi bước vào thu hoạch rộ. Và ở xã Mỹ Lộc, việc này càng trở nên bức bách khi vụ lúa đông xuân 2011, địa phương bắt tay vào sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở Tam Bình - Vĩnh Long. Ảnh: VINH HIỂN
Bí thư Chi bộ ấp 9 Nguyễn Văn Trọng cho biết, tham gia cánh đồng mẫu lớn phải gieo sạ tập trung nên từ khâu làm đất, bơm tát đến thu hoạch phải đồng loạt khiến bà con lo lắng việc thiếu máy móc.
Vì vậy, trên cơ sở tổ hợp tác sản xuất sẵn có, ông Trọng “hiến kế” với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Mỹ Lộc chủ động tập hợp các chủ máy tại địa phương lại để vận động tham gia vào tổ dịch vụ sản xuất lúa. Chi bộ ấp 9 sẽ điều hành mà ông Trọng là người chịu trách nhiệm chính từ việc tập hợp máy móc, huy động lao động, sắp lịch phân công việc…
Để bà con chấp nhận mô hình mới này, ông Trọng cùng Chi bộ ấp 9 tổ chức nhiều cuộc họp dân, thậm chí tới từng nhà để tuyên truyền về mục đích hoạt động của tổ. Hộ nào cần bón phân, xịt thuốc… chỉ cần gọi điện thoại sẽ có người tới tận nhà phục vụ ngay, giá cả cũng phải chăng.
“Phương châm làm dịch vụ trọn gói nhưng phải chu đáo, tận tình, chất lượng… được bà con hài lòng. Ban chủ nhiệm phân công nhiệm vụ cho từng thành viên cụ thể. Cử người làm thư ký, chịu trách nhiệm tiền bạc thu chi sổ sách rõ ràng và báo cáo sau khi mùa vụ kết thúc”- ông Trọng cho biết.
Ông Phạm Văn Năm (ấp 9, xã Mỹ Lộc) có 22 công ruộng cho biết, hiện từng khâu canh tác đã thuê tổ dịch vụ sản xuất làm thay. “Thú thật, hồi trước mỗi khi tới vụ sạ lúa tui phải mất cả tháng làm đất, be bờ, tháo nước, sạ bằng tay rất vất vả nhưng hiệu quả không cao do canh tác dạng thủ công. Từ khi có tổ dịch vụ họ mang lại nhiều tiện ích như làm nhanh, đồng loạt, chi phí thấp, năng suất và chất lượng cũng tăng”.
Anh Nguyễn Hòa Hiệp, Đội trưởng Đội thu hoạch lúa, cho biết: Đội hiện có 30 thành viên với 7 máy gặt đập liên hợp, đảm bảo thu hoạch cho cả cánh đồng lúa ở ấp 9 và một phần diện tích bên ngoài khi thu hoạch rộ.
Vợ anh Hiệp (chị Trần Thị Phước Hiền) cũng được ban điều hành phân công làm đội trưởng đội lúa. Nhiệm vụ của chị cùng một số nông dân khác sản xuất và cung ứng giống lúa xác nhận cho cánh đồng mẫu lớn. Đội cũng kiêm luôn việc cấy thuê, tỉa giặm lúa nếu nông dân có nhu cầu.
Mô hình cần nhân rộng
Ngay năm đầu tiên hoạt động doanh thu của tổ dịch vụ đạt khoảng 3 tỷ đồng; mô hình cho thấy rất hiệu quả, được các ngành chức năng ở tỉnh và Trung ương đánh giá cao.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho từng thành viên tham gia, sau khi kết thúc mùa vụ, một số đội như làm đất, thu hoạch sẽ lấy số tiền thu được trích lại cho ban điều hành tổ hợp tác mỗi công 4%, thành viên lái máy được chi trả từ 10% - 12%, còn lại chủ máy hưởng.
Các đội còn lại, tới vụ muốn thu hoặc chi khoản nào sẽ được thống nhất sau khi lấy ý kiến các thành viên.
Nhiều nhân công tham gia tổ hợp tác đã có thu nhập ổn định. Trung bình mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người, bình quân 20 - 30 triệu đồng/năm, được bao ăn. Thu nhập này chưa phải cao, nhưng với thanh niên ở nông thôn, cũng đảm bảo cho họ có cuộc sống ổn định, chí thú làm ăn.
Ông Trọng chia sẻ: “Thành công của tổ hợp tác do mô hình hợp với “ý Đảng lòng dân”. Chi bộ ấp đứng ra điều hành quản lý, người dân được tham gia góp ý, biểu quyết những vấn đề bức thiết như giá cả, thái độ phục vụ… của tổ hợp tác. Sau khi kết thúc mỗi vụ lúa, ban chủ nhiệm sẽ phối hợp với UBND xã, huyện tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc cho biết, mô hình được UBND xã, UBND huyện Tam Bình và Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long đồng tình, bởi không chỉ giải quyết được vấn đề thiếu máy móc mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông nhàn ở địa phương.
Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp hiện có 4 đội với 66 thành viên. Đội 1 có nhiệm vụ quản lý 6 máy (xới, trục) làm đất trước khi gieo sạ. Đội 2 thu hoạch lúa, với 7 máy gặt đập liên hợp. Đội 3 chuyên việc gieo sạ, bốc, vận chuyển lúa.
Đội 4 có nhiệm vụ ủ lúa giống, cấy, phun thuốc, phân, điều tiết nước, sấy và đóng bao. Ban chủ nhiệm cùng lãnh đạo địa phương đang có kế hoạch nâng tầm tổ hợp tác lên hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, hoạt động theo đúng quy trình và luật về kinh tế hợp tác, là cơ sở để nhân rộng mô hình sang nhiều địa phương khác.
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin