Phát triển nông nghiệp theo lời dạy của Bác Hồ

06:02, 03/02/2015

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn giải quyết tốt vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng”.


Nông nghiệp những năm qua luôn là “bệ đỡ” nền kinh tế.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn giải quyết tốt vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng”.

Thực hiện lời dạy đó, những năm qua Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn trong việc phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế- xã hội.

Đầu tư chiều sâu

Trong những chuyến xuôi ngược vùng châu thổ Cửu Long, vấn đề phát triển nông nghiệp luôn là sự trăn trở và thách thức hàng đầu. Thực hiện lời dạy của Bác “nông nghiệp phải là mặt trận hàng đầu”, sau ngày đất nước giải phóng, nhiều địa phương ở ĐBSCL ra sức cải tạo ruộng nương, phát triển nông nghiệp.

Những năm gần đây, nhiều chủ trương, chính sách thực sự là đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Chẳng hạn, Nghị quyết số 21-NQ/TW giai đoạn 2011- 2020 với mục tiêu “Xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững”.

Quyết định 124 của Chính phủ về phát triển tổng thể ngành nông nghiệp đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định 899 của Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Nghị quyết số 26-NQ/TW “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”…

Những quyết định trên nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Qua đó, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ấn tượng nhất là trong năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu nông- lâm- thủy sản đạt trên 18 tỷ USD, đưa nước ta thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông- lâm- thủy sản lớn trên thế giới.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch ngành năm 2015 mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định, nông nghiệp vẫn là ngành có tỷ lệ xuất siêu cao với tổng mức xuất siêu năm 2014 ước đạt 8,2 tỷ USD và được coi là ngoạn mục. Trong đó lĩnh vực thủy sản đã đạt mức xuất siêu kỷ lục với 5 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến chỉ chưa đầy 1 tỷ USD.

Tập trung hiện đại hóa nông nghiệp

Ngành nông nghiệp xác định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao chuỗi giá trị nông sản là một trong những xu hướng tất yếu hiện nay.

TP Hồ Chí Minh được xem là địa phương đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất bằng việc thành lập các khu nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Từ Minh Thiện- Phó Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao cho biết: Đã hoàn thiện 5 mô hình trình diễn (rau ăn lá, dưa lưới, hoa lan, ớt, cây ăn trái) ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Các mô hình này bước đầu chứng minh được hiệu quả kinh tế, đạt chất lượng VietGAP, GlobalGAP.

Ở Vĩnh Long, mô hình này đến nay vẫn được xem khá mới mẻ. Song, đây là lĩnh vực mà ngành quan tâm và xác định là hướng đi cần thiết trong tương lai. Chính vì thế, trong thu hút đầu tư Vĩnh Long ưu tiên công nghiệp chế biến từ nguyên liệu của ngành nông nghiệp với công nghệ phù hợp, hiện đại.

Trong năm 2015, Vĩnh Long có một số dự án công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp triển khai, như dự án nhà máy đóng hộp trái cây, rau, củ, quả tại TX Bình Minh; dự án Trại thực nghiệm thủy sản của Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) tại Mang Thít.

Bên cạnh, ngày 20/2/2014, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020.


Nhiều ruộng lúa kém hiệu quả được nông dân chuyển đổi sang trồng bắp.

Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, mục tiêu của đề án này nhằm xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng bền vững, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và an toàn dịch bệnh. Lấy nhu cầu thị trường làm định hướng sản xuất nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Giải pháp thực hiện đề án thời gian tới là ngành nông nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xây dựng các dự án và thực hiện theo đề án đã được duyệt, qua các dự án sẽ xây dựng các mô hình về sản xuất có hiệu quả nhất là ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như gắn sản xuất với tiêu thụ.

Vĩnh Long đang kêu gọi một số dự án đầu tư vào các khu công nghiệp phục vụ chế biến sản phẩm nông nghiệp như: nhà máy chế biến các sản phẩm khoai lang, nhà máy chế biến phụ phẩm- phế phẩm thủy sản, nhà máy sản xuất thiết bị cơ giới nông nghiệp…

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh