Với một địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường và xâm nhập mặn như Vũng Liêm, cây lác có một vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Hợp phong thổ, lác nguyên liệu ở Vũng Liêm trắng, đẹp và hút hàng.
Cây lác rất thích hợp với những vùng đất canh tác lúa và hoa màu kém hiệu quả do không chủ động được nguồn nước.
Vì vậy, với một địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường và xâm nhập mặn như Vũng Liêm, cây lác có một vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Huyện Vũng Liêm hiện có 4 làng nghề trồng lác và xe lõi lác ở các ấp: Phước Bình (xã Quới Thiện), Bình Thủy (xã Thanh Bình), Đại Hòa và Đại Nghĩa (xã Trung Thành Đông) với tổng diện tích gieo trồng lác hàng năm trên 1.200ha, cho sản lượng trên 12.000 tấn.
Đã hơn 20 năm qua, người dân Vũng Liêm đã gắn bó và sinh sống cùng cây lác. Thu nhập kinh tế từ 1 công đất lác hơn hẳn 1 công đất lúa. Lác dễ trồng, một lần trồng có thể thu hoạch được trong 5- 6 năm, cá biệt có diện tích tốt sẽ thu hoạch được gần 10 năm. Cứ 5 tháng thì thu hoạch một lần.
Một công đất lác trúng sẽ thu được đến 1.000kg lác khô. Hiện lác khô loại 1 được thương lái mua với giá 12.000 đ/kg. Sau 3 tháng chăm sóc với năng suất thu hoạch từ 800- 1.000kg lác/công, người trồng có lãi hơn 8 triệu đồng/công.
Nghề trồng lác không chỉ đem lại nguồn kinh tế ổn định cho người trồng mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương với thu nhập trung bình 60.000 đ/ngày.
Ngoài hiệu quả cải thiện thu nhập so với trồng lúa, nghề trồng lác ở Vũng Liêm cũng góp phần giải quyết một lượng lớn lao động nông nhàn ở nông thôn. Tuy dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng đến khi thu hoạch đòi hỏi rất nhiều nhân công.
Từ thực tế này mà những nơi tập trung diện tích trồng lác lớn người dân không lúc nào rảnh. Những hộ có đất trồng lác thì luân phiên đổi công để tiết giảm chi phí. Những hộ không có đất hoặc không trồng lác thì đi làm thuê, kiếm thêm thu nhập.
Tại các vùng trồng lác, không chỉ ở ngoài ruộng mà ngay trong nhà, bà con nông dân lúc nào cũng có công ăn việc làm. Từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, ở Vũng Liêm đã hình thành nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp từ cây lác.
Hiện nay toàn huyện có 4 làng nghề đang hoạt động gồm: nghề xe lõi lác ấp Phước Bình (xã Quới Thiện) nghề xe lõi và dệt chiếu ấp Bình Thủy (xã Thanh Bình) nghề trồng lác và xe lõi lác ấp Đại Hòa và Đại Nghĩa (xã Trung Thành Đông) giúp giải quyết gần 2.000 lao động cho địa phương.
Được xác định là cây chủ lực của địa phương, mấy năm gần đây, thị trường cho cây lác lạc quan hơn, người dân phấn khởi đầu tư phát triển kinh tế. Mặc dù giá đầu ra cho loại cây này khá bấp bênh, không ổn định nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho người dân.
Những sản phẩm được làm từ cây lác loại 1 (lác khô, cây trắng, nhỏ đều như nhau, chiều cao từ 1,8m trở lên) dùng để dệt chiếu, loại 2 (lác bị thấm nước mưa, cây bị đen, không đều nhau, chiều cao từ 1,7m đến dưới 1,8m) để xe lõi làm thảm và đan các vật dụng khác.
Chiếu là vật dụng quen thuộc đối với mỗi người dân từ người giàu cho đến người nghèo. Đặc biệt trong dịp tết, nhu cầu mua chiếu lại càng cao. Bởi họ nghĩ năm mới thì mọi thứ phải mới để mang lại may mắn và khởi đầu tốt đẹp cho gia đình.
Vì thế mà làng nghề xe lõi lác và dệt chiếu tại ấp Bình Thủy (xã Thanh Bình) đang hoạt động hết công suất để kịp đáp ứng nhu cầu cho người dân trong và ngoài huyện. Một thương lái ở làng chiếu Định Yên (Lấp Vò- Đồng Tháp) cho biết:
“Lác Vũng Liêm là lựa chọn hàng đầu của người dệt chiếu Định Yên, vì lác Vũng Liêm được lựa chọn kỹ, phơi vừa nắng, có độ dai, dệt chiếu sẽ bền và sử dụng được lâu. Sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng và bán được giá”.
Với những giá trị mang lại, các ngành chức năng và địa phương cần có thêm nhiều chương trình giúp phát triển diện tích trồng lác và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp từ cây lác. Nếu thành lập được các tổ hợp tác (hoặc hợp tác xã) để thu mua cây lác, tránh để cho thương lái ém giá, ép giá thì cây lác sẽ tiếp tục phát triển, đời sống của bà con trồng lác sẽ khá hơn.
Cây lác thuộc họ lác cói, cây một lá mầm, thân trông mảnh khảnh, yếu ớt, được dùng để làm các sản phẩm có tính chất thủ công mỹ nghệ như chiếu, đệm, giỏ, thảm,… và hiện nay cây lác khô còn được xuất khẩu sang nước ngoài. |
Bài, ảnh: OANH LÊ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin