Nông dân “hụt hơi” theo thị trường

07:01, 29/01/2015

Nhiều năm qua, vụ thu hoạch lúa Đông Xuân sớm ở vùng lúa chất lượng cao ở Trà Ôn thường rất được giá. Nhưng năm nay, khoảng 10.900ha trong đợt này đang thu hoạch rộ nhưng ở mức khá thấp so với mọi năm.


Thu hoạch lúa chất lượng cao tại xã Thiện Mỹ nhưng giá ở mức thấp.

Nhiều năm qua, vụ thu hoạch lúa Đông Xuân sớm ở vùng lúa chất lượng cao ở Trà Ôn thường rất được giá. Nhưng năm nay, khoảng 10.900ha trong đợt này đang thu hoạch rộ nhưng ở mức khá thấp so với mọi năm.

Lúa thơm như… lúa thường

2 tuần trước, ông Nguyễn Văn Hưng ở Ấp Mỹ Hòa (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) phấn khởi vì thương lái đến đặt cọc giá 5.100 đ/kg (thơm nhẹ OM 5451) và dằn cọc 200.000 đ/công. Nhưng giờ đây ông và nhiều người ở đây lại lo lắng vì thị trường giá lúa này chỉ còn 4.700- 4.900 đ/kg. Lúa thơm Jasmine cũng không khá hơn khi trước đó giá 5.400 đ/kg thì nay chỉ còn 5.000 đ/kg.

“Dù vụ này trúng mùa khoảng 1 tấn/công (công tầm lớn) nhưng không có tiền nhiều. Nếu với mức giá theo hợp đồng của tui (5.100 đ/kg) thì còn đỡ đỡ vì lời từ 1,7- 1,8 triệu đồng/công. Ai mà bây giờ mới bán thì lời “meo” lắm, gần bằng lúa thường”- ông Hưng so sánh.

Tại ấp Sóc Ruộng (xã Tân Mỹ), cô Năm Nhỏ và nhiều người đang bàn bạc giá cả với thương lái ở xã Xuân Hiệp. Cô cho biết: “Năm rồi lúa êm quá trời, làm lúa xong ăn tết lớn. Năm nay cũng đón đầu, nhưng bị hụt hơi, bị xộ vì giá lúa tự dưng xuống thấp!”

Anh Nguyễn Tấn Đạt cũng cùng chung tâm trạng: “Năm nay cò lúa bị gãy cánh. Tui và 3 hộ gom lại được 15 công lúa, định bán cho một thương lái ở Ba Càng (Tam Bình). Lúc đầu hợp đồng 5.300 đ/kg nhưng sau 1 tuần ảnh đòi bớt, bà con cũng chịu bớt 150 đ/kg. Nhưng tới cắt xong thì ảnh kêu chúng tôi cứ bán cho ai thì bán, ảnh không lấy cọc. Bà con ở đây đành chịu trận”.

Tại một số nơi của xã Nhơn Bình cũng đang vào vụ, năng suất trung bình đạt khoảng 7 tấn/ha. Theo ông Tám (ấp Nhơn Trí) giá lúa đặt cọc nửa tháng trước là 4.570 đ/kg (IR 50404), nhiều người chờ đợi giá tăng nên chưa bán hết. Nhưng nay giá thị trường có 4.300- 4.400 đ/kg, thậm chí lúa sập thì bán với giá 4.100 đ/kg.

Ông Tám trầm tư: “Mùa này năm ngoái bán IR 50404 giá 5.000 đ/kg thấy mắc ham. Năm nay xuống cái rụp, gần 10.000 đ/giạ”.

Thậm chí, theo tính toán của ông Hưng: “Năm rồi, tui làm 7 công lúa OM 5451 bán giá 5.700 đ/kg. Năm nay chỉ còn 4.700 đ/kg, tức là ít hơn tới 20.000 đ/giạ. Một công ít hơn khoảng một triệu đồng”. Tuy vậy, theo nhẩm tính của nông dân, trừ hết chi phí vẫn còn lời ít, khoảng 1,5- 1,8 triệu đồng/công.


Giá cả không cao, một số nông dân chưa muốn bán.

Cần “đầu ra” ổn định

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Trà Ôn, tổng diện tích sẽ thu hoạch trong đợt 1 (trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015) khoảng 7.000ha.

Tuần qua, nông dân xã Thiện Mỹ, Thuận Thới, Tân Mỹ đã thu hoạch được khoảng 1.000ha, dự kiến sẽ thu hoạch rộ trong vài ngày tới đây khi có thêm ở các xã Nhơn Bình, Trà Côn, Thới Hòa. Chỉ riêng 2 xã Hòa Bình, Xuân Hiệp sẽ thu hoạch vào đợt 2, tức cùng thời điểm với trà lúa chung của toàn tỉnh.

Ông Ôn Thanh Ngân- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Trà Ôn cho biết, diện tích lúa Đông Xuân đợt 1 năm nay trên 10.900ha, đạt trên 98% so kế hoạch, trong đó trà lúa đợt 1 (sạ từ 10- 25/9 âl) diện tích tăng cao hơn mọi năm.

Diện tích lúa thơm Jasmine cũng được nông dân ưa chuộng chọn lựa nhiều hơn. Nhiều năm qua, hễ vào thu hoạch lúa Đông Xuân sớm thì thường là giá cả ổn định ở mức khá cao. Nhưng đáng tiếc là năm nay giá cả không được cao. Cận thu hoạch mới thấy vài thương lái đến.

Chị Vĩnh (ở xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) đang thu mua lúa tại xã Tân Mỹ cho biết: “Thương lái đâu ai muốn bỏ cọc, mà chủ yếu là chính sách của Nhà nước. Tụi tui thu mua đem qua cân ở Tiền Giang, chứ ở các công ty lương thực trong tỉnh vẫn chưa chịu thu mua”.

Ông Ôn Thanh Ngân cho rằng, xã Xuân Hiệp là điểm cánh đồng mẫu lớn của tỉnh, nhưng vẫn chưa ký kết được hợp đồng đầu ra cho nông dân, nói chi đến cánh đồng mẫu lớn ở 3 xã của huyện. Thương lái thì thích mua ở cánh đồng mẫu lớn vì chất lượng cao, nhưng chưa kích thích nông dân vì mua bằng giá với bên ngoài.

“Việc thực hiện theo chuỗi sản xuất lúa như cách làm của xã Thiện Mỹ cần được đẩy mạnh. Nếu thực hiện thì giảm bớt chi phí đầu vào, để chia sẻ lợi nhuận chút đỉnh cho bà con. Có đầu ra ổn định thì nông dân tự làm theo quy trình, yên tâm sản xuất dù giá cả thị trường có “nhảy múa” như thế nào”- ông Ôn Thanh Ngân nhận định.

Theo Phó Trưởng Ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ ông Đỗ Thành Thức, vùng lúa thơm Jasmine vừa có thêm được Công ty ADC đặt vấn đề thực hiện việc liên kết với nông dân. Hiện vẫn còn đang băn khoăn một số điều kiện về phân thuốc,… nhưng sớm có thống nhất về việc thực hiện liên kết chuỗi sản xuất.

Trước đó, việc liên kết giữa Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long và Hội Nông dân xã Thiện Mỹ đã được thực hiện 2 năm qua. Theo đó, đã thành lập một chuỗi sản xuất lúa Jasmine với 140ha vụ Đông Xuân. Nông dân sẽ được hỗ trợ kỹ thuật từ Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, đến thu hoạch sẽ bán cho Công ty Lương thực- Thực phẩm Vĩnh Long. Vì vậy giá thu mua đã ký hợp đồng 5.300- 5.400 đ/kg.

Bài, ảnh: TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh