Hơn 20 năm qua, công tác khuyến nông đã bám sát nhu cầu sản xuất địa phương, hình thành các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm đặc thù của từng giai đoạn. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu lớn của ngành nông nghiệp tỉnh.
Khoai lang tím Nhật là một trong những giống được chọn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
Hơn 20 năm qua, công tác khuyến nông đã bám sát nhu cầu sản xuất địa phương, hình thành các chương trình, dự án khuyến nông trọng điểm đặc thù của từng giai đoạn. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chiến lược, mục tiêu lớn của ngành nông nghiệp tỉnh.
Chủ động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh) đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Qua đó, hình thành các vùng chuyên canh, luân canh cây trồng, vật nuôi ngày càng tăng dần về năng suất, sản lượng. 22 năm qua, trung tâm đã thực hiện trên 5.200 cuộc tập huấn kỹ thuật, giúp nông dân tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, đã thực hiện trên 1.700 hội thảo nhằm hỗ trợ cho các mô hình trình diễn kỹ thuật, thông qua các mô hình hiệu quả, tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ nhằm tạo điều kiện cho nông dân trực tiếp tham gia sản xuất một cách có hệ thống…
Theo đó, nông dân đã dần thay đổi tập quán sản xuất cũ, chuyển sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất có hiệu quả, đặc biệt trên lĩnh vực cây trồng, vật nuôi.
Bên cạnh, mở rộng dần các mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao (mô hình VAC, xử lý chất thải trong chăn nuôi, chương trình giống lúa…), góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh, nhất là chương trình khuyến nông tập trung vào vùng sâu, vùng xa làm cho bộ mặt kinh tế- xã hội vùng nông thôn ngày càng đổi mới.
Những kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt được bà con nông dân áp dụng trực tiếp vào mô hình cụ thể. Do vậy, đã nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Tham gia mô hình nuôi cá lóc thương phẩm trong vèo, chú Lương Hữu Hạng (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi cá tra. Song, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, tôi phải “treo ao”.
Sau khi tham gia mô hình nuôi cá lóc trong vèo, gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn. Với sự hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn và được hướng dẫn tập huấn kỹ thuật, sau 6 tháng, tôi thu hoạch được 1,5 tấn. Với giá 35.000 đ/kg, tôi còn lời 9 triệu đồng. Tôi thấy mô hình này dễ thực hiện, dễ chăm sóc, quản lý, tiết kiệm chi phí phân thuốc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.
Với mô hình chăn nuôi vịt chuyên trứng an toàn sinh học, chú Nguyễn Văn Út (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) chia sẻ: “Lúc trước, gia đình tôi nuôi vịt chạy đồng song gần đây dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nên ngày càng khó khăn và nhiều rủi ro.
Sau khi được vận động và hướng dẫn về lợi ích, kỹ thuật của mô hình tôi đã mạnh dạn tham gia trình diễn chăn nuôi vịt chuyên trứng an toàn sinh học. Tôi đã được trạm khuyến nông tập huấn kỹ thuật về làm chuồng trại, quy trình chăm sóc, tiêm phòng, cách phòng và trị một số bệnh, kỹ thuật làm và sử dụng đệm lót sinh thái. Ước tính với 390 con vịt mái, gia đình tôi sẽ lượm khoảng 90.000 trứng/năm, sẽ thu được 180 triệu đồng”.
Thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu
Hiệu quả của các mô hình khuyến nông đã khẳng định được tầm quan trọng của việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật không những góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi mà còn giúp người dân chuyển đổi tư duy trong sản xuất.
Chú Nguyễn Văn Út nói thêm: Nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật mới chăn vịt đẻ an toàn sinh học, như có đệm lót sinh thái Balasa, chích ngừa đầy đủ, nên đỡ tốn công, tốn phí, khỏe hơn so với vịt chạy đồng, lại an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nếu như trước đây nuôi vịt chạy đồng vịt thường chết khoảng 20% thì hiện tại đã giảm đáng kể. Mô hình này rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa phương. Tận dụng được nguồn thức ăn trong vùng, giảm được mùi hôi, giảm công chăm sóc, hạn chế bệnh.
Tham gia mô hình áp dụng “3 giảm, 3 tăng” và kỹ thuật Sri trong sản xuất lúa giống, chú Lê Quang Thảo (xã Xuân Hiệp) cho biết: Mô hình đã giúp nông dân xóa tình trạng đốt rơm, bón thừa phân đạm như trước.
Không chỉ giúp giảm chi phí lao động, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón mà còn tăng thu nhập cho bà con. Riêng ruộng của tôi đã đạt năng suất cao hơn 0,35 tấn/ha, lời hơn 9 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.
Theo ông Trương Vĩnh Yên- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn cho việc nhân rộng mô hình.
Nguyên nhân là việc liên kết tiêu thụ nông sản hàng hóa chưa chặt chẽ; sản xuất nông nghiệp trong tỉnh chủ yếu là kinh tế hộ, quy mô sản xuất nhỏ gặp khó trong khâu cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh, thiếu lực lượng lao động trẻ cho nông nghiệp…
Định hướng đến năm 2020, sẽ tiếp tục hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, luân canh cây trồng, vật nuôi, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ sinh học… để kịp thời tổ chức chuyển giao, ứng dụng vào mô hình trình diễn giúp nông dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế dịch hại trên cây trồng; chọn đối tượng phù hợp với điều kiện địa phương, vùng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu thị trường…
Từ năm 1992- 2000, công tác khuyến nông được thực hiện theo chương trình trọng tâm như: chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ chuyển giao giống lúa mùa đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, đề án khuyến nông của tỉnh. Từ 2001- 2014, hoạt động khuyến nông thực hiện theo dự án; hàng năm hoặc giai đoạn hình thành các dự án đáp ứng mục tiêu kế hoạch phát triển nông nghiệp của ngành và nhu cầu thực tế sản xuất tại địa phương. Một số chương trình trọng tâm được tập trung đầu tư khởi sắc như: chương trình giống vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; đầu tư hỗ trợ phát triển cây trồng vật nuôi theo hướng GAP, VietGAP, GlobalGAP; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; thủy sản; sản xuất nấm rơm; khuyến nông đô thị |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN- NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin