ĐBSCL: Trái cây đặc sản vào vụ tết

02:01, 15/01/2015

Những ngày này nông dân các tỉnh ĐBSCL đang tập trung chăm sóc vườn cây đặc sản để kịp phục vụ thị trường Tết Ất Mùi 2015 sắp tới. Nhiều nhà vườn đang nỗ lực “o bế” trái cây để đạt chất lượng cao nhất...

Những ngày này nông dân các tỉnh ĐBSCL đang tập trung chăm sóc vườn cây đặc sản để kịp phục vụ thị trường Tết Ất Mùi 2015 sắp tới. Nhiều nhà vườn đang nỗ lực “o bế” trái cây để đạt chất lượng cao nhất...

Tập trung “o” hàng đẹp

Quýt hồng Lai Vung là trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp nhờ trái to, màu sắc đẹp và chín ngay dịp tết nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng dành để chưng cúng, biếu tặng mỗi khi xuân về. Đi dọc các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành… chúng tôi chứng kiến nhiều vườn quýt sai oằn đang ngã màu hồng, được nông dân “o bế” cẩn thận để cung ứng cho thị trường tết trong những ngày tới.

Ông Lưu Văn Tín, ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung hớn hở: “Gần đây thương lái từ TPHCM, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ… kéo về Lai Vung săn lùng quýt hồng ráo riết. Nếu như tháng rồi giá quýt hồng 20.000 - 22.000 đồng/kg thì nay tăng vọt 26.000 - 28.000 đồng/kg, đây là mức giá rất có lợi cho nhà vườn”.
 
Gia đình ông Tín canh tác 6,5 công quýt hồng đặc sản. Vụ tết này năng suất cả vườn ước đạt hơn 60 tấn, với giá trên thì nguồn thu không dưới 1,4 - 1,5 tỷ đồng. Cùng với ông Tín, nhiều nhà vườn khác ở huyện Lai Vung cũng kỳ vọng vụ quýt hồng “trúng giá” để đón tết sung túc.

Quýt hồng Lai Vung đang hút hàng dịp tết.

Tại Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng… nhiều vườn bưởi Năm Roi và bưởi da xanh cũng nhộn nhịp vào vụ tết. Ông Đặng Văn Nám, chủ 15 công bưởi da xanh đặc sản ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), mừng ra mặt: “Mới thời điểm này đã có các chủ vựa ở TPHCM xuống đặt cọc mua bưởi da xanh loại 1 với giá 55.000 đồng/kg. Thấy được giá nên tui vừa đồng ý bán vườn bưởi ước khoảng 15 tấn, được hơn 800 triệu đồng. Số tiền khá lớn đối với người dân nông thôn trồng trái cây đặc sản bán tết như gia đình tôi”.

Riêng bưởi Năm Roi, hiện thời thương lái đang mua với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg (loại 1), cao rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Nâng chất, gắn thị trường…

Có thể nói, thị trường trái cây đặc sản ở ĐBSCL bắt đầu sôi động và theo ghi nhận bước đầu thì giá cả tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Theo UBND thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), hàng loạt vườn bưởi Năm Roi năm nay giảm năng suất trầm trọng, bởi tỷ lệ ra bông và đậu trái thấp.

Dù nhà vườn nơi đây rất có kinh nghiệm trồng bưởi nhiều năm, nhưng thời tiết không thuận đành chịu; có vườn phải thu hoạch quá sớm hoặc quá muộn đợi tới sau tết. Tuy nhiên, cái được lớn nhất là giá cả đang cao và hút hàng, nên nhiều người vẫn vui.

Ông Đặng Văn Lòng, nhà vườn xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) nhìn nhận, bài học “được mùa, rớt giá” lặp đi lặp lại nhiều năm qua đã khiến nhà vườn vô cùng khốn đốn. Đã đến lúc phải thay đổi quan điểm sản xuất từ số lượng sang chất lượng.
 
“Nếu số lượng nhiều, giá thấp, khó tiêu thụ thì nhà vườn bị lỗ là khó tránh khỏi. Trong khi, giảm số lượng nhưng nâng chất lượng sẽ hút hàng, giá cao, dễ bán và lợi nhuận thu về nhiều hơn. Đây là vấn đề cần suy tính trong thời buổi trồng cây đặc sản theo kinh tế thị trường” - ông Lòng phân tích.

Theo ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, dù xác định quýt hồng là đặc sản của địa phương nhưng chủ trương của huyện không tăng diện tích tràn lan, mà chỉ ổn định sản lượng mỗi năm khoảng 35.000 - 40.000 tấn. Mục tiêu của huyện là đầu tư kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời gắn kết vào các hợp tác xã, tổ hợp tác… để cân đối cung - cầu một cách hợp lý.

Thực tế cho thấy, khi quýt hồng Lai Vung đạt tiêu chuẩn VietGAP và được công nhận nhãn hiệu tập thể thì thị trường tiêu thụ mở rộng, giá cả tăng mạnh; đảm bảo cho nhà vườn lợi nhuận cao. Chuyện trồng quýt hồng thu về tiền tỷ ở xứ Lai Vung bây giờ không còn khó…

Theo SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh