“Dạm ngõ” nông nghiệp công nghệ cao

06:01, 06/01/2015

Có dịp tham quan Khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) TP Hồ Chí Minh (AHTP) và trang trại của Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm), tại Bình Dương, chúng tôi mới thật sự hình dung ra thế nào là nông nghiệp CNC.

Có dịp tham quan Khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) TP Hồ Chí Minh (AHTP) và trang trại của Công ty CP Nông nghiệp U&I (Unifarm), tại Bình Dương, chúng tôi mới thật sự hình dung ra thế nào là nông nghiệp CNC.


Dưa trong nhà lưới của Unifarm.

Tiếp thị nông nghiệp

AHTP được đầu tư xây dựng năm 2004 với diện tích 88ha và đi vào hoạt động từ năm 2010. Đây là khu nông nghiệp CNC đầu tiên của cả nước chủ yếu cung cấp hạt giống chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao các mô hình sản xuất rau an toàn cho nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp ngành nông nghiệp.

Theo Ban quản lý AHTP, đến nay đã thu hút được 14 dự án đầu tư với số vốn 190 tỷ đồng. Định hướng đến năm 2020, AHTP sẽ phát triển thành khu nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả bền vững.

Sắp tới, AHTP sẽ tập trung xây dựng dự án Khu nông nghiệp CNC ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ, diện tích 89,74ha, dự kiến hoạt động năm 2017.
 
Bên cạnh, đầu tư 1 khu chuyên ngành chăn nuôi gia cầm tại huyện Bình Chánh (180ha). Tiếp theo, AHTP sẽ mở rộng quy mô trồng trọt tại khu trung tâm chính ở huyện Củ Chi khoảng 200ha, nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực trồng trọt.

Không chỉ là những dự án đầu tư, mục tiêu nâng cao chất lượng ngành nông nghiệp trong tương lai của AHTP, điều khiến chúng tôi ấn tượng còn là cách “tiếp thị” nông nghiệp CNC ở đây.

Bà Trần Thị Kim Hằng- Phó Giám đốc Trung tâm Khai thác hạ tầng, Ban quản lý Khu AHTP, chia sẻ câu chuyện hàng năm có rất nhiều đoàn học sinh, nông dân, khách nước ngoài tham quan… làm nông nghiệp!
 
“Mỗi năm chúng tôi đón khoảng 15.000 người tham quan học tập, trong đó có một số lớp huấn luyện cho nông dân; các tour dành cho doanh nghiệp của Anh, Hà Lan, Mỹ… nhưng chủ yếu là sinh viên- học sinh các trường từ TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai… chiếm 80%.
 
Nhiều người tới vì hiếu kỳ là chính, tò mò coi nông nghiệp CNC… là sao, nhưng bất ngờ vì môi trường cảnh quan đẹp quá. Hơn nữa, làm nông nghiệp cũng sạch sẽ, chứ đâu còn “con trâu đi trước cái cày đi sau!”

Từ câu chuyện đó, bà Kim Hằng bảo rằng: “Chúng tôi muốn hướng tới, nhất là giúp các em học sinh có cái nhìn khác về nông nghiệp, về tầm quan trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế. Đời sống con người nâng lên, chất lượng sống ngày càng cao, đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải sạch, an toàn và phải làm để đáp ứng nhu cầu đó.
 
Và để góp phần đưa nền nông nghiệp phát triển thành nông nghiệp CNC phải có tri thức, làm nông nghiệp cũng phải học giỏi các lĩnh vực: kinh tế, kỹ thuật, marketing, khoa học công nghệ… Trước nay nhiều người vẫn có tư duy chọn làm nông nghiệp vì không còn con đường nào khác”.

Điều này chúng tôi được kiểm chứng tại Unifarm, khi người trực tiếp thuyết minh trang trại nông nghiệp CNC- ông Phạm Quốc Liêm- Tổng Giám đốc Unifarm, được biết đến là người am hiểu tốt về tình hình nông nghiệp thế giới, đã học hỏi rất nhiều từ thực tế tại nhiều nước nông nghiệp phát triển như: Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Philippines. Và nông nghiệp CNC các nước được ứng dụng tại Unifarm.

Chẳng hạn, dưa lưới được trồng theo công nghệ Israel , thành công với 3 trái/dây mà trọng lượng vẫn đảm bảo. Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp CNC, ông Mai Hữu Tín- Chủ tịch HĐQT Unifarm, đã không giấu giếm khi tiết lộ mức đầu tư nông nghiệp CNC không dưới 5 tỷ/ha, nhưng bảo rằng doanh thu rất cao, như mô hình trong nhà lưới có thể đạt doanh thu 600 triệu đồng/ha, chuối 500 triệu đồng/ha và lợi nhuận hơn phân nửa số đó.

Cửa đầu tư nông nghiệp CNC đã mở

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, cả nước hiện có 29 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, bên cạnh những khu đầu tư có hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá cao, một số vẫn còn hạn chế. Những hạn chế trong phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam vẫn là khó khăn về vốn, về điều kiện đất đai manh mún, nhỏ lẻ.


Tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp CNC AHTP.

Thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng hạn, Nghị định 210 của Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp- nông thôn, được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đầu tư…

Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp cũng được quan tâm đặc biệt với Quyết định 124 của Chính phủ về phát triển tổng thể ngành nông nghiệp đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định 899 của Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đối với từng lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1397 phê duyệt Quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2012- 2020 và định hướng đến năm 2050; Quyết định 2033 quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra đến năm 2020.
 
Từ những chính sách đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết rất khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến nông sản ở nông thôn. Đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Qua đó, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh cao cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long cho rằng, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp, nhưng nông nghiệp CNC đến nay vẫn còn khá mới mẻ. Dù vậy, nông nghiệp CNC là vấn đề mà ngành sản xuất nông nghiệp phải quan tâm và trong tương lai bắt buộc phải theo hướng đó.

Nông nghiệp CNC hiện đại cũng chính là định hướng lâu dài của Vĩnh Long. Chính vì thế, trong thu hút đầu tư Vĩnh Long ưu tiên công nghiệp chế biến từ nguyên liệu của ngành nông nghiệp với công nghệ phù hợp, hiện đại.

Hiện Vĩnh Long có một số dự án công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp triển khai trong năm 2015, như dự án nhà máy đóng hộp trái cây, rau, củ, quả tại TX Bình Minh; dự án Trại thực nghiệm thủy sản của Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) tại Mang Thít. Bên cạnh, một số dự án đang kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp: nhà máy sản xuất thiết bị cơ giới nông nghiệp, nhà máy chế biến các sản phẩm khoai lang, nhà máy chế biến phụ phẩm- phế phẩm thủy sản, nhà máy sản xuất vắc xin cho động vật- thủy sản.

Bài, ảnh: LÝ AN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh