Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, sản lượng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 25,2 triệu tấn, tăng 708.000 tấn so năm 2013, chiếm 56% sản lượng lúa cả nước. Các tỉnh đạt sản lượng lúa cao nhất vùng là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp với 11,7 triệu tấn.
Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, sản lượng lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 25,2 triệu tấn, tăng 708.000 tấn so năm 2013, chiếm 56% sản lượng lúa cả nước. Các tỉnh đạt sản lượng lúa cao nhất vùng là Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp với 11,7 triệu tấn.
Thu hoạch lúa. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết, đạt được kết quả trên nhờ các tỉnh đã đưa diện tích trồng lúa lên gần 4,3 triệu lượt ha, trong đó vụ Đông Xuân và Hè Thu gieo sạ 3,3 triệu ha, vụ Thu Đông và vụ mùa gieo sạ 1 triệu ha. Các tỉnh đã sử dụng giống mới, kháng sâu bệnh mạnh, thích nghi với từng vùng sinh thái, cho năng suất cao, chất lượng gạo ổn định.
Bên cạnh đó, các tỉnh cũng nâng cấp hệ thống thủy lợi trục và thủy lợi nội đồng bảo đảm đủ nước tưới cho các vụ lúa trong năm. Đồng thời sắp xếp thời vụ sản xuất hợp lý, xuống giống đồng loạt, tránh rầy và bố trí thời gian xuống giống một vụ lúa không kéo dài hơn 60 ngày để không làm ảnh hưởng đến vụ lúa kế tiếp, hạn chế sâu rầy lây lan.
Đặc biệt, do tình hình hạn, mặn xâm nhập sâu trong vụ Hè Thu, các tỉnh chuyển vụ lúa Xuân Hè vào vụ Hè Thu chính vụ và giãn cách thời gian giữa hai vụ 3 tuần nhằm cách ly sâu bệnh.
Đáng chú ý, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng mở rộng diện tích vùng lúa hàng hóa chất lượng cao nhằm làm phong phú thêm lúa chất lượng cao của nước ta trên thị trường thế giới với các giống lúa đặc sản chất lượng cao, lúa thơm, lúa có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng chuyên biệt, lúa giàu protein, lúa dành riêng cho đối tác nước ngoài thu mua, lúa làm thực phẩm chế biến cao cấp đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Các tỉnh nằm trong vùng bị nhiễm mặn có biện pháp đề phòng nước mặn xâm nhập sâu nên lúa Hè Thu không bị lép hạt giai đoạn trổ bông.
Ngoài ra, các tỉnh cũng tăng cường sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận trên cả 2 hệ thống chính quy và nông hộ; tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật viên, trang bị thêm thiết bị kiểm nghiệm cho các trung tâm giống cấp tỉnh để thực hiện tốt công tác quản lý giống trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, thanh tra các đơn vị sản xuất và kinh doanh giống cả trong giai đoạn sản xuất, chế biến, lưu thông; hỗ trợ giống gốc (siêu nguyên chủng, nguyên chủng); cho vay ưu đãi, tập huấn chu đáo để những hộ nhân giống nắm vững kỹ thuật sản xuất giống lúa xác nhận đạt chuẩn cung ứng cho người trồng./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin