Sản phẩm xà lách xoong đạt VietGAP hiện chỉ bán được một số siêu thị ở Vĩnh Long, Cần Thơ với chỉ vài chục ký, nhưng điều này cũng tạo được niềm tin lớn cho nhiều người trồng ở xã Thuận An (TX Bình Minh) sau hàng chục năm gắn bó cây trồng này. Hiện, hơn 30 hộ dân trồng xà lách xoong theo VietGAP tiếp tục duy trì sản xuất, với mục tiêu tăng sản lượng cung ứng cho siêu thị
Sản phẩm xà lách xoong đạt VietGAP hiện chỉ bán được một số siêu thị ở Vĩnh Long, Cần Thơ với chỉ vài chục ký, nhưng điều này cũng tạo được niềm tin lớn cho nhiều người trồng ở xã Thuận An (TX Bình Minh) sau hàng chục năm gắn bó cây trồng này. Hiện, hơn 30 hộ dân trồng xà lách xoong theo VietGAP tiếp tục duy trì sản xuất, với mục tiêu tăng sản lượng cung ứng cho siêu thị trong thời gian tới.
Sản xuất xà lách xoong hướng VietGAP được nhiều nông dân quan tâm.
Làm GAP không khó!
Hiện TX Bình Minh hiện có trên 120ha trồng xà lách xoong tập trung nhiều ở xã Thuận An và xã Đông Bình. Được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long, cuối năm 2013, hơn 30 hộ trồng xà lách xoong ở xã Thuận An được cấp chứng nhận VietGAP trên diện tích 5ha.
Ông Võ Hoàng Rôn ở xã Thuận An- là một trong những hộ đầu tiên áp dụng trồng 4 công xà lách xoong theo VietGAP, cho biết hiện nhiều bà con vẫn duy trì hướng sản xuất này, bởi “sản xuất theo GAP không quá khó nhưng năng suất thường cao hơn so sản xuất thường”.
Mỗi năm, loại rau này cho thu hoạch từ 6- 7 đợt, trừ chi phí, người trồng lời 4 triệu đồng/công/đợt. Tuy nhiên, cũng theo ông Rôn, để sản phẩm xà lách xoong được người tiêu dùng lựa chọn, bắt buộc người sản xuất phải sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh, phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”, các tiêu chuẩn nguồn nước, bảo quản sản phẩm, cách ly theo đúng quy định,…
Trong khi đó, theo ông Trần Minh Hiếu- Giám đốc Hợp tác xã Cải xà lách xoong an toàn Thuận An, ngoài việc áp dụng các tiêu chí trồng hướng GAP, để xà lách xoong có năng suất cao người trồng cần xây dựng hệ thống tưới phun, mái che bằng lưới để điều chỉnh nhiệt độ.
Trồng đòi hỏi kỹ thuật, liếp tưới phải cao hơn 1 tấc so với mặt liếp để giữ nước. Sử dụng hệ thống béc phun nước bằng ống và mô tưa. Sau từ 30- 45 phút phải tưới nước 1 lần, trừ thời điểm trời mưa. Loại cải này cần độ ẩm nhưng lại không chịu được nước ngập.
Năm 2013, Phòng Kinh tế TX Bình Minh đã hỗ trợ nhiều nông dân trồng xà lách xoong đầu tư hệ thống tưới phun. Điều này, làm giảm đáng kể chi phí và công tưới cho bà con.
Đầu tư nâng cao chất lượng
Tuy nhiên, theo nhiều nông dân trồng xà lách xoong nơi đây, nhiều năm qua, chủ yếu “bán tự do” cho thương lái, giá cả thương lượng chứ chưa có hợp đồng cố định. Trước tình hình này, đầu năm 2013, tổ hợp tác được chuyển thành Hợp tác xã Cải xà lách xoong an toàn Thuận An ở ấp Thuận Phú A, xã Thuận An với 31 xã viên, diện tích 8ha. Đến năm 2014, 5ha trồng đầu tiên được chứng nhận VietGAP.
Việc quy hoạch lại vùng trồng và áp dụng công nghệ rau sạch cũng khiến cho giá trị loại rau nổi tiếng ở Thuận An được nâng cao. Từ việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà Hợp tác xã Cải xà lách xoong an toàn Thuận An có đầu ra ổn định và khắp các tỉnh vùng ĐBSCL. Theo ông Trần Minh Hiếu, đến nay, khi chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm xà lách xoong được đảm bảo đầu ra.
Sản phẩm được cung cấp cho thị trường ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh. Giá xà lách xoong VietGAP cao hơn 3.000- 4.000 đ/kg so với trồng thông thường. Rau trồng theo quy trình sạch cũng có thể phù hợp để xuất khẩu. Để tăng năng suất, chất lượng, UBND tỉnh quyết định xây dựng dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu rau, củ, quả theo VietGAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012- 2015”.
Ông Lê Văn Biên- Phó Phòng Kinh tế TX Bình Minh cho biết, hợp tác xã đang xây dựng kho sơ chế sản phẩm bằng máy xử lý khí ozone để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao, hướng vào các siêu thị lớn. Thị xã cũng đang khuyến khích người trồng mở rộng sản xuất hướng VietGAP để tạo đầu ra, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Với hơn 120ha trồng xà lách xoong tập trung nhiều ở xã Thuận An và xã Đông Bình, đây được đánh giá là vùng trồng lớn nhất ĐBSCL. Mỗi ngày, nơi đây cung ứng hơn 500kg xà lách xoong ra thị trường, tiêu thụ khắp các tỉnh- thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.
|
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin