Sản phẩm làm ra không đủ bán, giá cao, nông dân có lời lớn, đó chính là hướng đến của mô hình sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) mà ngành nông nghiệp Vĩnh Long thực hiện trong hơn 1 năm qua cho nhiều nông sản chủ lực của tỉnh.
Sản phẩm làm ra không đủ bán, giá cao, nông dân có lời lớn, đó chính là hướng đến của mô hình sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) mà ngành nông nghiệp Vĩnh Long thực hiện trong hơn 1 năm qua cho nhiều nông sản chủ lực của tỉnh.
Xoài ngon, đẹp dự thi trái ngon an toàn. Ảnh: Trần Phước
Từ bưởi Năm Roi, cam sành, lúa gạo cho tới chôm chôm, mận, xoài… danh sách nông sản đạt chuẩn theo mô hình trên đang ngày một dài ra để đáp ứng tốt hơn đơn đặt hàng trong và ngoài nước.
Nâng chất lượng
Tháng 3/2014 vừa qua thật ý nghĩa đối với hơn 30 hộ trồng chôm chôm ở Bình Hòa Phước (Long Hồ) khi được Công ty Control Union Việt Nam trao chứng nhận GlobalGAP trên hơn 17ha.
Tại buổi lễ trao giấy chứng nhận, ông Cao Văn Ri- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX)chôm chôm Bình Hòa Phước cho biết, được công nhận GlobalGAP đã làm nức lòng nhà vườn sau nhiều năm dốc công thực hiện. Bởi từ đây, trái chôm chôm đủ điều kiện xuất sang nhiều thị trường khó tính ở Châu Âu, Hoa Kỳ.
Cũng theo ông, HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước thành lập năm 2009 với 50 xã viên. Do chưa có thị trường, sản phẩm thiếu chất lượng nên thường xuyên chịu cảnh “thừa hàng dội chợ”. Năm 2012, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, HTX bắt tay sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn sạch.
Đáng mừng hơn, tại buổi lễ có nhiều cơ sở thu mua trái cây ở Bến Tre, Tiền Giang đến đặt hàng, giá cao hơn thị trường.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu- Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách- Bến Tre) cho biết: “Trước đây, khi thu mua chôm chôm của từng nhà vườn riêng lẻ để xuất khẩu, công ty phải lựa rất cực về chất lượng trái, nhưng giờ thì yên tâm.” Công ty đang có kế hoạch đầu tư mở rộng thêm vùng chôm chôm có chất lượng sang nhiều nơi khác. Đồng thời, cũng phát triển thêm những thị trường xuất khẩu sang Châu Âu, Trung Đông để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Cũng trong tháng 3 vừa qua, 3 cơ sở nuôi cá tra xuất khẩu đầu tiên của Vĩnh Long được trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ASC. Đó là các trang trại của các Công ty CP Thủy sản Cổ Chiên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Năm Vàng, Công ty CP Nam Sông Hậu ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn với tổng diện tích thả nuôi trên 36,7ha.
Đây là kết quả bước đầu của dự án “Đầu tư hỗ trợ xây dựng vùng nuôi cá tra an toàn ứng dụng theo quy trình thực hành nuôi cá tra tốt toàn cầu- GlobalGAP/ASC giai đoạn 2011- 2015”.
Hiện toàn tỉnh cũng có 2 cơ sở sản xuất giống được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích 6,3ha, trong đó 3,5ha thuộc Trại giống Thủy sản Cồn Giông (Trung tâm Giống) và 2,8ha thuộc Trung tâm Giống và Kỹ thuật (Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ). Đây được xem giấy thông hành cho các doanh nghiệp thâm nhập vào các thị trường lớn.
Định hướng lâu dài
Sau trái chôm chôm và cá tra, 2 nông sản thế mạnh của Vĩnh Long là bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (TX Bình Minh) và cam sành Tam Bình cũng được ngành nông nghiệp đầu tư tái chứng nhận GlobalGAP.
Ngành nông nghiệp đang xúc tiến cấp chứng nhận cho một số cơ sở đạt chuẩn GlobalGAP trên thủy sản. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Ông Trần Văn Tây- Chủ nhiệm HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cho biết, đơn vị này đang mở rộng thêm 30ha bưởi đạt chuẩn GlobalGAP. HTX vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức tập huấn về ghi chép sổ tay, kỹ thuật xịt thuốc, bón phân... cho nông dân trồng bưởi.
Ông cũng cho biết, sau khi được tái chứng nhận đến nay, có thời điểm không đủ sản lượng bưởi cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang Châu Âu.
Ông Trần Minh Hiếu- Giám đốc HTX Cải xà lách xoong an toàn Thuận An (TX Bình Minh) cho rằng, sản xuất nông sản “sạch” là cách tốt nhất để giúp nông dân thoát khỏi cảnh không biết nông sản làm ra sẽ bán cho ai, giá cả thế nào. Và chỉ có làm theo cách này mới giúp nông sản của tỉnh vươn ra thị trường thế giới nhiều hơn, giá trị được nâng lên cao hơn.
Và điều quan trọng là khi sản xuất sạch thì môi trường nước, đất, không khí và sức khỏe người nông dân không bị gây hại bởi thuốc hóa học.
Từ kết quả mang lại, từ nay đến năm 2015, UBND tỉnh đầu tư hơn 700 tỷ đồng triển khai dự án xây dựng nguồn nguyên liệu cho rau củ quả theo hướng VietGAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa.
Mục tiêu của dự án là xây dựng các mô hình kiểu mẫu từ 5- 10ha đạt chứng nhận VietGAP tại các vùng nguyên liệu và hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hướng tới liên kết bền vững.
Hiện toàn tỉnh có hơn 13 cơ sở, vùng sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tập trung ở các vùng cây ăn trái, cơ sở rau màu và thủy sản. Hiện ngành nông nghiệp đang xúc tiến tiếp tục cấp chứng nhận cho một số cơ sở đạt chuẩn GlobalGAP trên cây ăn trái, lúa và cơ sở chăn nuôi. Theo đánh giá, phần lớn các mô hình đạt chứng nhận đã mang lại hiệu quả, giảm được chi phí sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin