Lượng phân bón thất thoát mỗi năm gây lãng phí trên 40.000 tỷ đồng

08:11, 16/11/2014

Nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 10 triệu tấn các loại. Trong số đó, Urea khoảng 2 triệu tấn, DAP khoảng 900.000 tấn, SA 850.000 tấn, Kali 950.000 tấn, phân Lân trên 1,8 triệu tấn, phân NPK khoảng 3,8 triệu tấn, ngoài ra còn có nhu cầu khoảng 400.000–500.000 tấn phân bón các loại là vi sinh, phân bón lá.

Nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 10 triệu tấn các loại. Trong số đó, Urea khoảng 2 triệu tấn, DAP khoảng 900.000 tấn, SA 850.000 tấn, Kali 950.000 tấn, phân Lân trên 1,8 triệu tấn, phân NPK khoảng 3,8 triệu tấn, ngoài ra còn có nhu cầu khoảng 400.000–500.000 tấn phân bón các loại là vi sinh, phân bón lá.

Tuy nhiên, theo thông tin thực tế thì hiệu suất sử dụng phân bón hiện nay mới chỉ đạt 40-45% với phân đạm, 25-30% với phân lân và khoảng 55-60% với phân kali.


Vận chuyển phân lân đi tiêu thụ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Như vậy, nếu ước tính hiệu suất sử dụng các loại phân bón trung bình khoảng 45-50%, có nghĩa lượng phân bón bị thất thoát ra môi trường hoặc bị cố định trong đất, cây trồng không sử dụng được chiếm 50-55% (tương đương trên 5 triệu tấn) thì mỗi năm ngành nông nghiệp đã lãng phí khoảng 40-44 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra lượng phân bón thất thoát, cây trồng không sử dụng được còn gây ra suy thoái đất, nước, chất lượng nông sản, hiệu quả sản xuất và là nguồn phát thải thải khí nhà kính vào khí quyển.

Những thông tin này vừa được cung cấp tại Hội nghị phân bón và hóa chất trong canh tác nông nghiệp, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày hôm nay (14/11), tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sỹ Vũ Thắng, đại diện Trung tâm khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia thuộc Cục Trồng trọt cho biết, phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới nói chung, góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực hiện nay đã trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản (về gạo, cà phê, hồ tiêu, chè...).

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực trên thì việc lạm dụng phân bón để tăng năng suất cây trồng cũng như việc sử dụng phân bón không đúng cách đang tác động xấu đến chất lượng môi trường đất, nước, chất lượng nông sản, giảm hiệu quả sử dụng phân bón, làm tăng phát thải khí nhà kính nguyên nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tiến sỹ Vũ Thắng cũng nhấn mạnh rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sử dụng phân bón thấp, trong đó có các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của các yếu tố điều kiện tự nhiên như khí hậu, đất đai, địa hình và các nguyên nhân chủ quan liên quan đến kiến thức và trình độ canh tác của người nông dân, công nghệ sản xuất phân bón của các đơn vị sản xuất, công tác nghiên cứu, đào tạo, tuyên truyền và quản lý của nhà nước về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng nêu rõ, phân bón là mặt hàng thuộc lĩnh vực “nóng” được đề cập đến trong thời gian qua do còn nhiều bất cập trong quản lý và sử dụng. Trong khi đó, phân bón và hóa chất là yếu tố đầu vào chiếm khoản chi phí lớn nhất trong trồng trọt của nông dân hiện nay.

Tuy nhiên, nếu việc sử dụng phân bón không hợp lý sẽ gây lãng phí và ảnh hưởng đến chất lượng của các mặt hàng nông sản.

Theo Phó Cục trưởng Trần Xuân Định, ước tính chi phí cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 50% giá thành sản xuất lúa của nông dân hiện nay và trung bình sử dụng phân bón quyết định 50% tổng sản lượng cây trồng tăng lên hàng năm.

“Do đó, để đảm bảo chất lượng sản phẩm cây trồng, mang lại năng suất cao thì ngoài việc sử dụng loại phân bón đảm bảo chất lượng, còn rất cần những kiến thức khoa học trong sử dụng phân bón sao cho hợp lý, tiết kiệm, đảm bảo năng suất, bảo vệ môi trường, mang lại sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới trong hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp,” Phó Cục trưởng Trần Xuân Định nhấn mạnh.

Mặt khác, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đề xuất, nhà nước cần có những chính sách đầu tư xây dựng hệ thống các phòng kiểm nghiệm, các tổ chức chứng nhận đảm bảo chất lượng, để đáp ứng được công tác quản lý nhà nước về phân bón; đầu tư có trọng điểm một số phòng kiểm nghiệm chuẩn làm chức năng trọng tài hay giám sát chất lượng của toàn bộ hệ thống.

Cùng với đó, các bộ ngành liên quan cần có sự phối hợp tăng cường siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh. Thông báo công khai, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng khi phát hiện các cơ sở, sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng./.

Kết quả kiểm tra giám sát chất lượng phân bón trên thị trường của Cục Trồng trọt năm 2013 tại 76 cửa hàng kinh doanh trên địa bàn 6 tỉnh (3 tỉnh ở miền Bắc là Hưng yên, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và 3 tỉnh ở miền Nam là Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang) với tổng số mẫu phân bón đoàn kiểm tra lấy phân tích là 223 mẫu trong đó đã phát hiện tới 44,4% mẫu (99 mẫu) có chỉ tiêu chất lượng không đạt so với đăng ký trên nhãn mác, bao bì (tỷ lệ vi phạm này ở nhóm phân bón lá 55%, phân bón rễ 41,5%).

Đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện 68,4% cơ sở kinh doanh có sản phẩm phân bón vi phạm nhãn mác hoặc chỉ tiêu chất lượng so với công bố trên nhãn mác (3 tỉnh miền Bắc 67,3% và 3 tỉnh miền Nam 70,4%).

Theo Vietnam+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh