Khoai mỡ hiệu quả

03:11, 25/11/2014

Nông dân trồng khoai mỡ ở tỉnh Vĩnh Long thu về lợi nhuận bình quân khoảng 50 triệu đ/ha sau 8 - 19 tháng trồng.

Nông dân trồng khoai mỡ ở tỉnh Vĩnh Long thu về lợi nhuận bình quân khoảng 50 triệu đ/ha sau 8 - 19 tháng trồng.


Thu hoạch khoai mỡ

Đến ấp Long Hòa 2, xã Long Mỹ huyện Mang Thít, ông Nguyễn Văn Đức cho biết: Gia đình ông chọn và trồng khoai mỡ nhiều năm nay do đây là cây trồng quen thuộc của địa phương, nhiều người trồng, thương lái đã biết đến và dễ tiêu thụ. Quan trọng là nhẹ công chăm sóc, có lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa gấp nhiều lần.

Giống khoai mỡ được bà con ở đây chọn trồng chủ yếu là giống khoai Mộng Linh trắng và khoai Muống tím (tên gọi của người dân địa phương). Hiện thương lái đến tận nơi mua với giá 7.500 đ/kg đối với khoai Mộng Linh trắng và 4.800 đ/kg đối với khoai Muống tím, giá khoai trắng cao hơn do thương lái mua về làm bột xuất khẩu.

Ông Đức cho biết thêm, năm nay ông và con trai trồng 13 công khoai mỡ, với năng suất đạt bình quân 2,5 tấn/công, sau khi trừ chi phí qua các khâu làm đất, lên giồng, bón phân khoảng 8 triệu đồng, như vậy lợi nhuận thu được từ 4 - 6 triệu đồng/công (tính bình quân giữa khoai tím và khoai trắng).

Ông Ngô Viết Sơn, cán bộ nông nghiệp xã Long Mỹ cho biết, toàn xã đã chuyển đổi được 26 ha đất trồng khoai mỡ. Tập trung chủ yếu ở ấp Long Hòa 1 và Long Hòa 2. Dự kiến năm 2015, xã Long Mỹ sẽ thực hiện kế hoạch xây dựng cánh đồng mẫu khoai mỡ với diện tích 30 ha ở 2 ấp Long Hòa 1 và Long Hòa 2.

Để mô hình trồng khoai mỡ đạt hiệu quả và năng suất cao, bà con cần chú ý:

Làm đất: Đất cày bừa kỹ, lên luống rộng 0, 8 - 1,0 m, cao 30 - 35 cm, rãnh giữa các luống rộng 35 - 40 cm. Trên luống trồng từng hốc theo 2 hàng dọc cách nhau 60 - 80 cm, hốc cách nhau 30 - 40 cắt (mật độ 30.000 - 40.000 hốc/ha). Có thể tận dụng đất quanh vườn nhà, đào hốc để trồng.

Trồng củ giống: Sau khi thu hoạch 1 - 2 tuần, chọn củ tốt không sâu bệnh để trồng. Cắt củ thành từng miếng dài rộng 5 - 7 cm chấm mặt cắt vào tro bếp, để nơi khô ráo cho khô vết cắt rồi đem trồng thẳng xuống hốc.

Có thể ủ cho củ nảy mầm để trồng. Cắt củ lấy nửa trên, chấm mặt cắt vào tro bếp để khô vết cắt. Đặt củ lên rơm rạ, bao tải hoặc trấu thành từng lớp, phía trên mỗi lớp củ rải tro bếp trộn phân lân. Trên cùng phủ rơm kín, che mát và thường xuyên tưới vừa đủ ẩm. Sau 2 - 3 tuần thì củ nhú mầm có thể đem trồng.

Khi trồng cắt củ thành từng miếng, mỗi miếng có 1 - 2 mắt. Sau khi cắt miếng cũng phải chấm mặt cắt vào tro bếp. Đặt củ giống phía mắt mầm hướng lên trên rồi phủ lớp đất bột mỏng. Củ đặt sâu 7 - 8 cm. Sau khi trồng phủ rơm rạ kín mặt tường rồi tưới ẩm ngay.

Bón phân lót: Vôi bột 50 - 100 kg + phân chuồng hoai 1,0 - 1,5 tấn + 50 - 75 kg super lân. Tất cả trộn đều bón vào hốc trước khi trồng. Rải phân, phủ lớp đất mỏng rồi đặt miếng củ trồng, không để củ giống tiếp xúc trực tiếp với phân.

Bón phân thúc: Thường bón thúc 3 lần:

- Lần 1 sau khi cây mọc 20 - 30 ngày, 5 - 6 kg urê + 7 - 10 kg super lân + 5 - 6 kg KCl.

- Lần 2 sau khi cây mọc 50 - 60 ngày: 10 - 12 kg urê + 5 - 6 kg KCI.

- Lần 3 khi cây được 80 - 90 ngày: 5 - 6 kg urê + 10 - 12 kg KCI. Phân bón thúc hòa loãng nước tưới quanh gốc.

Cần chú ý khoai mỡ cũng như các cây có củ khác cần nhiều lân và kali để có năng suất cao, phẩm chất tốt .

Khoai mỡ là cây thân leo nên cần làm giàn, giàn làm bằng tre trúc, tre gai, cắm hình chữ A, cao 1,0 - 1,2 m.

Xới đất, vun gốc trừ cỏ: Kết hợp những lần bón thúc thì xới đất, vun gốc và trừ cỏ. Chú ý tránh làm tổn thương rễ và củ.

Khoai mỡ không cần tưới nước nhiều nhưng khi đất khô quá cũng cần tưới. Trời mưa lớn cần khơi thoát nước nhanh.

Thu hoạch: Thường sau khi trồng 8 - 10 tháng thì được thu hoạch. Khi trên cây có khoảng 2/3 số lá phía gốc đã vàng úa là đã đến lúc thu hoạch. Thu hoạch ngày nắng ráo, dùng cuốc hoặc cày xả hai bên luống rồi nhổ củ, tránh làm củ bị xây xát. Để củ chỗ dư ánh sáng 1 - 2 ngày rồi bảo quản. Bảo quản trên sàn hoặc nền đất khô ráo, thoáng mát.

Theo NNVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh