Cơ giới hóa nông nghiệp ở Trà Vinh

07:11, 16/11/2014

Thất thoát sau thu hoạch ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của nông dân trồng lúa. Theo khảo sát của ngành chức năng, tỷ lệ thất thoát ở các khâu trong và sau thu hoạch của người trồng lúa Trà Vinh hàng năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Thất thoát sau thu hoạch ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của nông dân trồng lúa. Theo khảo sát của ngành chức năng, tỷ lệ thất thoát ở các khâu trong và sau thu hoạch của người trồng lúa Trà Vinh hàng năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng.


Máy gặt đập liên hợp giải phóng sức lao động cho nông dân và còn giúp giảm thất thoát lúa khi thu hoạch.

Để giải bài toán thất thoát trong sản xuất lúa, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, những năm qua Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh đã thực hiện dự án cơ giới hóa nông nghiệp.

Thành tựu nổi bật nhất của sản xuất lúa ở Trà Vinh trong những năm qua là vượt chỉ tiêu hơn một triệu tấn lúa/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu, mỗi năm cung ứng 800.000 tấn lúa hàng hóa trên thị trường.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của ngành nông nghiệp Trà Vinh, tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch của nông dân trồng lúa rất cao.

Ðó là, thất thoát do thu hoạch, phơi sấy, tồn trữ không đạt yêu cầu là 10,8%, tương đương 140.000 tấn. Nếu tính giá bình quân 3 triệu đồng/tấn, mỗi năm nông dân Trà Vinh mất 420 tỷ đồng.

Việc chậm chuyển đổi cơ giới hóa, thiếu kho bảo quản sau thu hoạch khiến 90% số người dân bán lúa tại ruộng sau khi thu hoạch cũng làm thất thoát hàng ngàn tấn. Như vậy, nếu tính thất thoát trong thu hoạch sản xuất lúa ở tất cả các khâu thì hàng năm nông dân Trà Vinh mất hàng ngàn tỷ đồng.

Theo phân tích của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết, sinh thái và phương pháp xử lý sau thu hoạch của người sản xuất lúa. Trong đó, các công đoạn gây thất thoát chủ yếu là: gặt, gom lúa chiếm 8,68%/năm/3 vụ; đập, tuốt lúa chiếm 6,73%; làm khô lúa chiếm 5,63%; tồn trữ chiếm 4,6%; vận chuyển chiếm 1,2%; xay xát chiếm 6,3%...

Cụ thể, vụ Đông Xuân hàng năm tuy thuận lợi về thời tiết, nông dân dễ phơi và trữ lúa nhưng lại thất thoát lớn từ các công đoạn thu hoạch vì hầu hết là thủ công. Còn vụ Hè Thu thường trùng với thời điểm mùa mưa bão và lũ, việc thu hoạch và phơi bất lợi, thất thoát khi thu hoạch cao, chưa kể nhiều nơi việc phơi sấy bảo quản không tốt khiến phẩm chất hạt gạo hàng hóa kém, nông dân bán không được giá.

Đó là chưa nói đến tình hình hiện nay rất nhiều lao động nông thôn tìm việc ở thành thị, nên vào thời điểm thu hoạch xảy ra tình trạng thiếu lao động, giá nhân công có khi tăng lên 1,5- 2 lần, đã làm tăng chi phí chung cho sản xuất, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa.

Với thực trạng trên cho thấy, việc đưa nhanh cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất lúa đồng bộ ở các khâu là nhu cầu cấp thiết. Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư quốc gia về dự án hỗ trợ máy gặt đập liên hợp cho nông dân trong tỉnh, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh đã triển khai dự án hỗ trợ đầu tư máy gặt đập liên hợp cho nông dân.

Qua đó, đã hỗ trợ đầu tư 134 máy gặt đập liên hợp cho nông dân. Nâng tổng số hiện nay toàn tỉnh có hơn 420 máy gặt đập liên hợp, giải quyết được từ 80- 90% diện tích gieo trồng cả năm của tỉnh.

Sau đó, thực hiện dự án hỗ trợ máy sấy lúa vùng ĐBSCL giai đoạn 2013- 2015 do Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư quốc gia hỗ trợ, tỉnh Trà Vinh hỗ trợ 2 máy sấy lúa cho hộ nông dân ở xã Phong Phú (Cầu Kè) và xã Song Lộc (Châu Thành).

Mỗi máy sấy lúa có công suất từ 28- 30 tấn/mẻ, thời gian sấy từ 7- 8 giờ, đảm bảo làm giảm độ ẩm hạt lúa đến mức an toàn để bảo quản và xuất khẩu. Tổng số vốn đầu tư là 220 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 75 triệu đồng.

Trong năm 2015, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hỗ trợ máy sấy lúa cho vùng trọng điểm lúa của tỉnh.

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư quốc gia, tỉnh Trà Vinh đã triển khai mô hình máy cấy lúa cho nông dân. Với giá gần 85 triệu đồng/máy, các hộ nông dân góp vốn đối ứng và sẽ được hỗ trợ không hoàn lại 40 triệu đồng/máy khi tham gia dự án.

Hiệu quả sản xuất của máy cấy mang lại giúp chi phí lao động thấp hơn nhiều so với cấy lúa thông thường. Đối chứng với cấy bằng tay, máy cấy mật độ đều, mạ bén rễ, xanh nhanh, giúp nông dân đẩy nhanh tiến độ thời vụ, giải phóng sức lao động thủ công.

Từ dự án cơ giới hóa nông nghiệp mà Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh đã triển khai thực hiện, bước đầu hiệu quả kinh tế và xã hội mang lại rất đáng phấn khởi, đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân công lao động, giảm nặng nhọc cho nông dân, giảm thất thoát trong sản xuất lúa, giảm giá thành, nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng sức cạnh tranh hàng hóa hướng tới mục tiêu xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

 Bài, ảnh: Nguyễn Tân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh