Cần xử lý rác thải trong bảo vệ thực vật đúng cách

01:11, 04/11/2014

Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp theo đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhà nông. Song, bên cạnh đó, nông dân cũng cần có ý thức hơn trong việc xử lý rác thải.

Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp theo đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhà nông. Song, bên cạnh đó, nông dân cũng cần có ý thức hơn trong việc xử lý rác thải.

Rác thải thuốc BVTV- nguy cơ độc hại cao


Người dân dần có ý thức trong việc xử lý rác thải thuốc BVTV.

Việc dùng thuốc BVTV không khoa học, không tuân thủ theo các quy tắc trong cách sử dụng có thể gây độc cho bản thân người phun thuốc, môi trường xung quanh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và cây trồng, nông sản bị nhiễm độc không tiêu thụ được.

Đồng thời, tác hại từ rác thải thuốc BVTV đến môi trường là không hề nhỏ. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng: “Vỏ chai đựng thuốc BVTV cũng chỉ một loại rác thải thông thường, nên vứt bỏ cũng được”.

Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc BVTV đều có tính độc cao, có khả năng tác động đến môi trường, sức khỏe cộng đồng. Một số loại thuốc trừ sâu có khả năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí gây ngất xỉu cho người trực tiếp phun thuốc, nhất là trong trường hợp không có các biện pháp phòng tránh tốt.

Do thói quen, sau khi sử dụng thuốc BVTV, nông dân thường vứt bao bì, chai, lọ chứa thuốc ngay trên đồng ruộng hoặc bỏ xuống ao, sông, rạch mà không thu gom, tiêu hủy hợp lý. Lượng thuốc BVTV còn tồn đọng lại trong chai, bao bì là nguyên nhân làm ô nhiễm nguồn nước, gây nên nhiều hệ quả môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và con người.

Đồng thời, gây độc cho những sinh vật có ích như: ong mật, cá, gia súc, những côn trùng ký sinh hoặc ăn thịt sâu hại. Không chỉ vậy, với những loại thuốc có vỏ đựng là chai, lọ thủy tinh, nhôm thì rất nguy hiểm cho người đi làm ruộng vì khi bị giẫm đạp sẽ mang tính sát thương, nhiễm trùng rất cao.

Ông Trần Công Thiện- Giám đốc kinh doanh Tổ chức Droplife cho biết: “Với mong muốn nâng cao nhận thức của bà con nông dân và các bên có liên quan về việc thực hiện tốt các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV, góp phần mang lại lợi ích về sức khỏe, kinh tế và hướng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, “Ngày sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả” đã thực hiện thành công được 2 năm và sẽ tiếp tục thực hiện trong những năm tới”.

Nông dân cần ý thức “tự bảo vệ mình”

Tiết kiệm, sử dụng đúng thuốc BVTV góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Chú Nguyễn Văn Anh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Ngãi (TP Vĩnh Long) cho biết: Trước đây, tình trạng vứt bỏ vỏ thuốc ngoài đồng ruộng hay lạm dụng phân thuốc trên cây trồng còn xảy ra nhưng gần đây người dân đã biết hạn chế dùng thuốc BVTV, biết bỏ rác thải dạng này vào hố rác chôn, biết sử dụng thuốc có nguồn gốc, nhãn mác đàng hoàng...

Anh Hồ Ngọc Trung (Long An- Long Hồ) chia sẻ: “Lúc đầu tôi chưa biết sử dụng phân thuốc, liều lượng và bảo quản đúng cách nhưng dần tôi đã biết cách bảo quản thuốc an toàn, không phun thuốc lúc trời nắng, tiêu hủy vỏ chai, bao bì đúng cách”.

Bên cạnh đó, nhiều nông dân còn nhận ra lợi ích trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân có nhận thức về sử dụng thuốc BVTV trên cây lúa sao cho tiết kiệm, hiệu quả; cách thu gom, xử lý rác thải bao bì phân bón, thuốc BVTV, bảo vệ môi trường nông nghiệp và cảnh quan nông thôn mới. Qua đó ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, tạo ra sản phẩm nông sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân vẫn chưa nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, nhiều người đi phun thuốc ở các cánh đồng nằm xa, vẫn chưa tự giác mang rác ra bỏ đúng nơi quy định, gây ô nhiễm đến môi trường. Do đó, cần phải luôn duy trì việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Đừng để rác thải trở thành mối đe dọa đến chất lượng cuộc sống và an toàn sức khỏe của cộng đồng.

Ngày hội sử dụng thuốc an toàn hiệu quả thu hút sự tham gia của hơn 2.000 nông dân trên 6 tỉnh thành vùng ĐBSCL là: Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng.


Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh