Ủ phân hữu cơ bằng phụ phẩm khí sinh học

03:10, 24/10/2014

Nguồn phụ phẩm khí sinh học (KSH) từ hầm ủ biogas rất dồi dào dưỡng chất, khi bón sẽ tăng độ phì nhiêu cho đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Hiện nay, nông dân ở một số địa phương trong tỉnh, đã biết sử dụng nguồn dinh dưỡng này trong sản xuất nông nghiệp.

Nguồn phụ phẩm khí sinh học (KSH) từ hầm ủ biogas rất dồi dào dưỡng chất, khi bón sẽ tăng độ phì nhiêu cho đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Hiện nay, nông dân ở một số địa phương trong tỉnh, đã biết sử dụng nguồn dinh dưỡng này trong sản xuất nông nghiệp.

Chất cặn bã KSH kết hợp với chế phẩm Trichoderma có thể được ủ thành phân hữu cơ. Sau quá trình ủ khoảng 6 tháng, phân này mang bón cho cây trồng sẽ giúp tăng năng suất và còn có tác dụng cải tạo đất.

Chính vì hiểu được những tác dụng của phân hữu cơ mà từ cuối năm 2013, anh Phạm Văn Trung, ở ấp Trường Phước, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A đã bắt đầu tận dụng phụ phẩm KSH ủ thành phân hữu cơ bón cho 200 gốc bưởi nhà mình.
 
Anh Trung cho biết: “Hiệu quả của nó tuy không nhanh như phân hóa học, nhưng sau khi bón vài tháng tôi thấy đất vườn có cải thiện hơn. Có phân hữu cơ, cây lá xanh mướt, đất tơi xốp, bộ rễ bung khỏe, cây cho trái tròn, nặng ký”.

Đến nay, anh Trung đã bón được 2 đợt phân cho cây bưởi, tiết kiệm chi phí mua phân hóa học khoảng 25% so với những năm trước. Không chỉ vậy, với cách làm này, anh đã tận dụng triệt để nguồn cặn bã, không thải ra môi trường vừa gây hoang phí và ảnh hưởng đến cộng đồng.

Anh Trung tận dụng phế phẩm KSH ủ phân hữu cơ bón cho vườn bưởi.

Mới đây, thạc sĩ Nguyễn Văn Măng, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cũng vừa nghiên cứu thành công đề tài “Mô hình sử dụng nước xả và bã cặn khí sinh học bón cho cây khóm Queen”. Đề tài đã mở ra tiềm năng mới nhằm cải tạo vùng đất phèn trong tỉnh. Theo anh Măng, phụ phẩm KSH là một loại phân hữu cơ, giàu dinh dưỡng và sạch. Không những có đặc tính của phân hữu cơ truyền thống, mà còn có nhiều ưu điểm khác do kết quả của quá trình phân hủy kỵ khí tạo nên, giúp cây dễ hấp thu dinh dưỡng.

Chính vì vậy, việc khai thác và sử dụng phụ phẩm KSH có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sử dụng phân bón hóa học, tránh lãng phí nguồn dinh dưỡng vừa rẻ tiền mà rất tốt này. Nắm bắt được điều đó, anh Măng đã xây dựng mô hình “Nghiên cứu và sử dụng nước xả và bã cặn khí sinh học cho sản xuất khóm theo VietGAP tại Hậu Giang” cho đề tài nghiên cứu của mình. Mô hình được thực hiện từ giữa tháng 8-2013 trên quy mô hơn 400m2 tại 2 hộ trồng khóm của xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh.

Tại đây, chủ nhiệm đề tài đã bố trí 3 nghiệm thức: sử dụng phụ phẩm KSH + 50% lượng phân đạm so với mức bón bình thường của người dân (NT1), nghiệm thức bón 100% phân hóa học (NT2), nghiệm thức bón 100% phụ phẩm KSH (NT3), với 3 lần lặp lại.

Qua 1 vụ trồng khóm cho thấy, mô hình ở NT1 có tác động tích cực làm cho đất tơi xốp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho cây khóm phát triển. Bón phụ phẩm KSH làm cho cân đối các chất dinh dưỡng và phân giải từ từ, giúp cây hấp thụ được nhiều và đầy đủ dinh dưỡng hơn, cây khỏe mạnh và ít sâu bệnh hơn so với đối chứng.

Hơn nữa, ở NT1 đã giúp nông dân giảm 50% phân đạm so với quy trình thông thường. Qua hạch toán kinh tế, lợi nhuận gần tương đương với NT2. Trọng lượng và năng suất trái khóm bằng hoặc cao hơn (2,4%) so với nghiệm thức đối chứng bón 100% phân hóa học.

Ngoài ra, hàm lượng các kim loại nặng trong đất đều dưới ngưỡng cho phép. Vào thời điểm thu hoạch, trái khóm không bị nhiễm kim loại nặng (theo kết quả gửi mẫu thử nghiệm tại Phòng Thí nghiệm chuyên sâu, Trường Đại học Cần Thơ).

Điều này cho thấy, khi canh tác, nếu có sự kết hợp với phân hữu cơ vừa giảm chi phí và vẫn giữ được năng suất, chất lượng cho nông sản.

Ông Trang Tân Cương, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, một trong những hộ tham gia mô hình, cho biết: “Trước đây, tôi chỉ sử dụng khí gas là chính, còn phụ phẩm như bã cặn, nước xả thải thì chưa biết làm gì. Nhờ có mô hình triển khai, gia đình tôi đã tận dụng được nguồn phụ phẩm để dùng cho sản xuất, trước mắt là đã giảm được một phần chi phí sản xuất khóm”.

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, nhận xét: Ngành đánh giá cao đề tài về hiệu quả ở góc độ bảo vệ môi trường, giải quyết được vấn đề nan giải là chất thải trong chăn nuôi. Từ đây, bước đầu sẽ tạo cho nông dân có thói quen sử dụng phân hữu cơ, hạn chế tình trạng lạm dụng các loại phân bón hóa học gây ô nhiễm, bạc màu đất canh tác.

Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp, nếu tính đến hiệu quả lâu dài, an toàn cho người tiêu dùng, thì việc áp dụng quy trình chăm sóc và sử dụng phụ phẩm KSH là rất thiết thực. Bởi, mô hình còn đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân khi tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, bệnh cho cây, giúp người dân canh tác theo hướng bền vững.

Theo Báo Hậu Giang Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh