Vĩnh Long có diện tích trồng nhãn lớn thứ 2 ở ĐBSCL. Loại cây trồng đặc sản từng làm nên “vương quốc nhãn” 4 xã cù lao huyện Long Hồ, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Thế nhưng, do dịch bệnh chổi rồng hoành hành, cộng thêm giá thấp, thiếu vốn đầu tư chăm sóc, nhiều nông dân nản chí, đốn nhãn bán củi, chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.
Vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu phòng trị bệnh chổi rồng.
Vĩnh Long có diện tích trồng nhãn lớn thứ 2 ở ĐBSCL. Loại cây trồng đặc sản từng làm nên “vương quốc nhãn” 4 xã cù lao huyện Long Hồ, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Thế nhưng, do dịch bệnh chổi rồng hoành hành, cộng thêm giá thấp, thiếu vốn đầu tư chăm sóc, nhiều nông dân nản chí, đốn nhãn bán củi, chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.
Đốn nhãn, trồng gì?
Qua cù lao An Bình (Long Hồ) thời điểm này, nhìn những vườn nhãn gắn bó với nông dân hơn nửa thế kỷ qua, nay bị đốn làm củi mà chạnh lòng. Ông Nguyễn Tấn Nguyên- người trồng nhãn ở xã An Bình có hơn 1ha nhãn trên 10 năm tuổi buộc phải đốn để bán củi sau thời gian “chữa đủ cách mà không hết”.
“Từ lúc nhãn ra lá non, ra hoa đã bị nhiễm bệnh rồi xoắn lại như cây chổi và không thể có trái. Tui sử dụng thuốc cũng không xong nên giờ phải cưa ngang bán củi được đồng nào hay đồng đó, rồi mới tính tiếp”- vừa đốn nhãn ông Nguyên nói trong tiếng máy cưa inh ỏi- “Để nhãn, tốn tiền mua thuốc điều trị bệnh chổi rồng. Giờ đốn bán củi rồi không biết mai mốt sẽ trồng lại cây gì?”.
Đó cũng là tình cảnh chung của người dân “vương quốc nhãn” một thời. Theo ông Nguyễn Văn Tấn- Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phú (Long Hồ), đến nay toàn xã đã có 223ha trồng nhãn phải phá trắng vì bị nhiễm bệnh chổi rồng và thay thế bằng đủ loại cây như: chôm chôm, chanh, ổi, chuối…
Là một xã có diện tích trồng nhãn chiếm đa số với hơn 1.104/1.118ha đất trồng cây ăn trái, thì việc phải phá trắng vườn nhãn và hầu hết diện tích nhãn bị ảnh hưởng do nhiễm bệnh chổi rồng là thất thoát nguồn thu nhập lớn cho kinh tế vườn của nông dân.
Nhiều vườn chuyên nhãn giờ chuyển qua “vườn tạp” với đủ loại cây trái, rau màu khác nhau, nông dân đang cố gắng trồng cây khác để cải thiện thu nhập gia đình.
Tại nhiều vườn nhãn đã đốn, chúng tôi đếm được đủ thứ cây trái: dừa, cam, chanh, thanh long chen lẫn các loại rau màu: bắp, đu đủ, ớt, cà tím… vừa trồng mới. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn loay hoay tìm kiếm loại cây trồng phù hợp để thay thế nhãn đang bị chổi rồng tấn công nhưng chưa có giải pháp phòng trị hiệu quả.
Vào những mùa nhãn trước đây, trên “vương quốc nhãn” nhộn nhịp bởi những đàn ong theo người nuôi ong từ các tỉnh miền Đông “đổ bộ” xuống vườn nhãn. Hình ảnh hàng chục, hàng trăm thùng ong đặt dưới những tán nhãn xanh um, chồi bông đâm tua tủa- như là dấu hiệu của một mùa nhãn thuận lợi, trái oằn cây.
Đàn ong vừa ăn mật bông nhãn vừa thụ phấn giúp vườn cây sai trái, còn đem về lợi nhuận cao cho người nuôi ong. Bây giờ đã thành chuyện của ngày hôm qua! Vắng những đàn ong, người dân “chạy” đủ cách chữa bệnh cho vườn nhãn gia đình mình.
Chú Hai Phước (ấp Phú Mỹ, xã Đồng Phú), khó thể quên: “Nhãn của tui trước ra bông ngon lắm. Bị bệnh, tới mùa bông nó nở gù gù lên. Có cây không ra trái nào. Thuốc đổ bao nhiêu cũng không hết”. Rồi nghe ai chỉ cách nào trị cách nấy, thậm chí xịt nước rửa chén nhưng vô hiệu.
ThS. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long cho biết, từ năm 2007, bệnh chổi rồng bắt đầu xảy ra rải rác trên cây nhãn sau đó lây lan ngày càng nhiều, gây hại hầu hết diện tích trồng nhãn tiêu da bò. Năm 2010, toàn tỉnh có 9.840ha, trong đó 9.650ha nhãn đang cho trái, năng suất 10,5 tấn/ha, sản lượng 100.545 tấn.
Thế nhưng chỉ 3 năm sau khi bệnh chổi rồng càn quét, dịch chổi rồng chưa được phòng trị hiệu quả mà đang có dấu hiệu lây lan trở lại và đã có hơn 1.334ha nhãn bị đốn bỏ để chuyển sang trồng cây khác. Địa phương có diện tích nhãn bị đốn nhiều nhất là Long Hồ, Vũng Liêm và TP Vĩnh Long. Đặc biệt từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh chổi rồng lây lan qua vườn chôm chôm.
Theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích bị nhiễm chổi rồng trên cây chôm chôm hiện nay là 18ha. Bước đầu ghi nhận giống chôm chôm Java nhiễm nặng nhất, kế đến chôm chôm Thái, chôm chôm đường có tỷ lệ nhiễm ít hơn. Bước ghi nhận xuất hiện bệnh ở giai đoạn ra hoa và đậu trái, giai đoạn ra đọt tỷ lệ bệnh ít hơn.
Toàn tỉnh hiện có 1.452ha trồng chôm chôm ở các huyện Long Hồ, Trà Ôn, Vũng Liêm. |
Chưa có cách phòng trị bệnh hiệu quả
Thời gian qua, Vĩnh Long đã đầu tư 55,3 tỷ đồng để hỗ trợ thuốc, hướng dẫn nông dân phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn, nhưng kết quả mang lại chưa như mong muốn.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, từ đầu năm 2013, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, người dân chủ động tham gia nên có khoảng 70% diện tích nhãn đã hồi phục cho trái vụ thuận. Nhiều vườn năng suất đạt khá tốt, từ 8- 10 tấn/ha, nhất là các xã Phú Thành, Lục Sĩ (Trà Ôn), Bình Ninh, Ngãi Tứ (Tam Bình), Tân Quới Trung (Vũng Liêm),…
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2013 đến nay, phần lớn nông dân cho nhãn ra hoa trái vụ đã bị tái nhiễm bệnh trở lại. Việc chống dịch chổi rồng trên nhãn cũng gặp không ít khó khăn.
Theo bà Phan Bùi Thị Hữu Thúy- cán bộ kỹ thuật Trạm Bảo vệ thực vật Long Hồ, hiện nay ngành chức năng chưa quản lý được dịch bệnh chổi rồng do quy trình quản lý, phòng trị bệnh này quá khó; chưa xác định cụ thể được tác nhân gây bệnh, phải áp dụng quy trình phòng trị tổng hợp.
Ngoài ra, quy trình này lại cần phải được cụ thể hóa cho từng địa phương. Việc dập dịch thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa BCĐ phòng chống dịch với chính quyền địa phương nên chưa thực hiện đồng loạt.
Tình trạng thiếu lao động, chi phí thuê mướn nhân công cao cũng là nguyên nhân làm giảm hiệu quả quy trình phòng trị. Trung bình, giá thành 1kg nhãn từ 8.000- 10.000đ, trong khi giá bán lại thất thường nên nhà vườn cũng không mặn mà với việc cắt tỉa cành, phun xịt thuốc diệt nhện lông nhung và chăm sóc cơi đọt.
Nhiều cán bộ nông nghiệp còn dẫn chứng một số nơi nông dân không cắt tỉa cành và phun xịt chưa đúng quy trình mà ngành bảo vệ thực vật đã khuyến cáo, cũng là lý do khiến việc phòng trị bệnh chổi rồng chưa mang lại kết quả cao.
Ngày 3/10/2014, tại xã An Phước (Mang Thít), Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long phối hợp với Hội Nông dân, Hội Làm vườn, Bộ môn Bảo vệ thực vật (Đại học Cần Thơ) sẽ tổng kết mô hình khắc phục bệnh chổi rồng hại nhãn thời gian qua. Đồng thời, ngành chuyên môn sẽ rà soát và chọn lọc các mô hình thực hiện tốt làm điểm để tiếp tục nhân rộng việc chuyển giao quy trình kỹ thuật, đưa ra hướng phòng trị hiệu quả hơn trong thời gian tới. |
Kỳ sau: Giải pháp nào cho vườn nhãn chổi rồng?
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin