Quản lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn- cần nhanh chóng xác định nguyên nhân

07:10, 07/10/2014

Đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho thấy tuy diện tích nhiễm chổi rồng không tăng nhưng lại tăng diện tích nhiễm nặng. Điều lo ngại hơn là bệnh chổi rồng “lây” sang chôm chôm ở Vĩnh Long, Bến Tre. Dù vậy, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được tác nhân thật sự gây bệnh chổi rồng, dẫn đến việc điều trị thiếu hiệu quả, lúng túng…

Quản lý dịch chổi rồng ở ĐBSCL thời gian qua chưa thật sự hiệu quả. Đó là nhận định chung được đưa ra tại hội nghị quản lý bệnh chổi rồng hại nhãn và chôm chôm do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức vừa qua tại Vĩnh Long.

Đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho thấy tuy diện tích nhiễm chổi rồng không tăng nhưng lại tăng diện tích nhiễm nặng. Điều lo ngại hơn là bệnh chổi rồng “lây” sang chôm chôm ở Vĩnh Long, Bến Tre. Dù vậy, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được tác nhân thật sự gây bệnh chổi rồng, dẫn đến việc điều trị thiếu hiệu quả, lúng túng…

K 1:Nhãn chổi rồng bùng phát trở lại

Hiện nay ở các tỉnh có vùng trồng nhãn đã báo động bệnh chổi rồng tái bùng phát và đang lan sang vườn chôm chôm.


Đã có nhiều nỗ lực của ngành nông nghiệp nhằm cứu vườn nhãn nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Lịch sử bệnh chổi rồng

Theo Cục BVTV, bệnh chổi rồng trên nhãn xuất hiện rải rác tại các tỉnh- thành ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ từ năm 2001, sau đó lây lan nhanh và gây hại trên diện rộng.

Từ tháng 9/2011- 3/2013, ĐBSCL có 7 tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và Hậu Giang đã công bố dịch trên tổng diện tích trồng nhãn hơn 32.657ha.

Sau khi áp dụng điều trị theo phác đồ, đến tháng 3/2013 đã có hơn 24.200ha vườn cây nhiễm bệnh được cắt tỉa cành, phun thuốc trên 25.200ha; ghi nhận có hơn 19.130ha vườn phục hồi, đạt hiệu quả khả quan trên 81%. Một số mô hình chống dịch đánh giá rất thành công ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang và Trà Vinh.

Tuy nhiên, việc phòng trị không tới nơi tới chốn đã khiến bệnh chổi rồng tái phát. Hơn nữa, do giá nhãn rẻ trong khi chi phí phòng trị cao nên không ít nông dân bỏ phế khiến nhãn nhiễm chổi rồng tái phát và mức độ nhiễm nặng càng dễ dàng.


Từ tháng 5/2013- 9/2014, tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh vẫn còn hơn 15.000/32.000ha nhãn trồng nhiễm chổi rồng. Trong đó, bệnh chổi rồng lây nhiễm nặng nề nhất chiếm hơn 85% diện tích, Đồng Tháp chiếm trên 74%, các tỉnh còn lại dưới 35%.

Tại Vĩnh Long, từ tháng 10/2013 đến nay, phần lớn nông dân cho nhãn ra hoa trái vụ đã bị tái nhiễm bệnh trở lại. Theo số liệu của Chi cục BVTV tỉnh, đến ngày 15/8/2014, diện tích nhiễm bệnh 7.581ha, trong đó nhiễm bệnh nặng trên 2.261ha. Mặt khác, đã có hơn 1.334ha nhãn bị đốn bỏ để chuyển sang cây trồng khác (như chôm chôm, nhãn Edor, cam, bưởi, sầu riêng…).

Nghiên cứu của Viện Cây ăn quả Miền Nam cho thấy, bệnh chổi rồng nhiễm và gây hại nặng nhất trên giống nhãn tiêu da bò (giống trồng phổ biến nhất). Các giống nhãn Edor hay Thạch Kiệt cũng vậy, nhưng tỷ lệ nhiễm thấp hơn.

Một số nơi nông dân ghép nhãn Edor lên gốc nhãn tiêu da bò cho kết quả tốt, nhưng nhiều vườn ở Cai Lậy (Tiền Giang) bệnh thể hiện khá nhiều trên giống nhãn này. Trong khi giống nhãn long ít nhiễm hơn, đặc biệt giống nhãn xuồng cơm vàng gần như kháng nhiễm bệnh này.

Khi bệnh chổi rồng trên nhãn vẫn diễn biến phức tạp thì vào tháng 4/2014- theo Cục BVTV- chổi rồng đã “lây” sang các vườn chôm chôm ở Vĩnh Long, Bến Tre. Những vườn chôm chôm kế cận vườn nhãn bị bệnh chổi rồng nặng có số cây bị nhiễm bệnh nhiều (5-10%).
 
Mức độ nhiễm chổi rồng của giống chôm chôm Thái, Java nhiều hơn chôm chôm đường. Chi cục BVTV Vĩnh Long khảo sát diện tích nhiễm bệnh chổi rồng trên cây chôm chôm hiện nay là 18ha, tại các xã Đồng Phú, Bình Hòa Phước, An Bình (Long Hồ).

Chưa xác định nguyên nhân gây bệnh

Theo TS. Nguyễn Văn Hòa- Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, trong 2 năm 2012- 2013, Nhà nước đã chi một khoản tiền rất lớn để hỗ trợ người dân dập dịch chổi rồng, nhưng hiệu quả vẫn còn khiêm tốn.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT nhiều tỉnh- thành có diện tích trồng nhãn, việc phòng trị bệnh chổi rồng thời gian qua kém hiệu quả, làm cho đời sống người trồng nhãn gặp nhiều khó khăn. Và cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do khó thực hiện đúng và đầy đủ quy trình phòng trị bệnh chổi rồng.

Đến nay, theo TS. Nguyễn Văn Hòa, chưa xác định rõ nguyên nhân chính và “cơ chế” lây truyền gây bệnh. Vì vậy, viện sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình phòng chống dịch khả thi phổ biến trên diện rộng, hạn chế dần bệnh cây.


Giống nhãn long và nhãn xuồng cơm vàng được ghi nhận ít bị nhiễm bệnh chổi rồng.

TS. Hồ Văn Chiến- Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho rằng, chổi rồng là loại bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan mạnh và khó phòng trừ. Trên thế giới, đa số ý kiến cho rằng nhện lông nhung có vai trò chính trong lan truyền bệnh, tấn công trên bông và trên chồi lá non. Tùy theo mức độ, vườn bị nhiễm bệnh giảm năng suất từ 10- 90%, thậm chí có vườn thất thu hoàn toàn.

Qua nghiên cứu của các nhà chuyên môn, tác nhân chính làm cho bệnh chổi rồng phát sinh và phát triển mạnh trên cây nhãn là do một loài vi khuẩn sống ký sinh trên cây. Chúng lây truyền bệnh chủ yếu qua vết thương của côn trùng chích hút.

Đối tượng nhện lông nhung được khẳng định có liên quan rất mật thiết với dịch bệnh này. Theo các nhà khoa học, để phòng ngừa nhện lông nhung đạt hiệu quả tốt thì vào các thời điểm cây nhãn ra chồi non và ra hoa, nên phun thuốc trừ nhện vì nhện lông nhung thường chỉ tập trung ở những bộ phận này.

Trong khi đó, đến nay ngành nông nghiệp cũng chưa có quy trình phòng trị thật sự hiệu quả để khuyến cáo, hướng dẫn nông dân. Mặt khác, theo Ths. Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, do cây to, cao nên mỗi ngày chỉ cắt tỉa được 1- 2 cây, tốn rất nhiều công, khó thực hiện trong một ngày nên chồi non không ra đồng loạt.

 Quy trình xịt thuốc lúc chồi non, nụ hoa mới nhú ra khoảng 1cm, đây cũng là vấn đề khó vì rất ít có vườn nào cây ra chồi non đồng loạt và ngay trong cùng một cây cũng vậy. Mỗi chu kỳ cho trái có 2- 3 đợt chồi non, xịt thuốc phòng trị 5- 6 lần nên khó đảm bảo đầy đủ, đúng lúc.

Quy trình phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn chưa thật sự hoàn chỉnh, cần bổ sung, điều chỉnh (như việc bón phân nâng sức phát triển của cây, phương pháp cắt tỉa cành và thời điểm phun thuốc...).

TS. Hồ Văn Chiến cho rằng, nhãn trồng nhỏ lẻ, phân tán còn khá lớn, nhưng là cây trồng phụ, trồng xung quanh nhà để lấy bóng mát nên nông dân chưa quan tâm phòng trị bệnh. Thêm vào đó, việc xử lý ra hoa rải vụ để tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, cũng đã tạo điều kiện cho bệnh lưu tồn và lây lan từ vụ này sang vụ khác.

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá nhãn thường dao động và ở mức thấp, có khi chỉ bằng giá thành sản xuất nên không khuyến khích được nông dân đầu tư chăm sóc, phòng trị bệnh đúng cách.

 

Theo Cục BVTV, trong 3 năm trở lại đây, khi dịch bệnh chổi rồng lan mạnh, nguồn ngân sách từ Trung ương và địa phương đã chi khoảng 173 tỷ đồng phòng trị. Trong đó, Tiền Giang chi hơn 43 tỷ đồng hỗ trợ nhà vườn nhưng diện tích nhãn bị nhiễm bệnh vẫn cao. Vĩnh Long chi hơn 55 tỷ đồng hỗ trợ 40.000 hộ dập dịch nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả.

Kỳ sau: Đốn đặc sản… bán củi

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh