Nuôi lươn cho hiệu quả tốt

01:09, 05/09/2014

Nông dân Lê Văn Lớn (ấp Vĩnh Đông) đã ứng dụng thành công mô hình này, sau khi trừ các khoản chi phí, thu lợi nhuận trên 130 triệu đồng/năm. Đây là một trong những thành viên tiêu biểu của Tổ hợp tác nuôi lươn ở xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên), góp phần tạo công ăn việc làm đối với bà con định cư khu vực ven kênh Trà Sư.

Nông dân Lê Văn Lớn (ấp Vĩnh Đông) đã ứng dụng thành công mô hình này, sau khi trừ các khoản chi phí, thu lợi nhuận trên 130 triệu đồng/năm. Đây là một trong những thành viên tiêu biểu của Tổ hợp tác nuôi lươn ở xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên), góp phần tạo công ăn việc làm đối với bà con định cư khu vực ven kênh Trà Sư.

Thông qua việc tìm hiểu các mô hình nuôi lươn của bạn nhà nông gần xa, vừa xem đài và đọc báo, vừa tiếp cận tài liệu và thực hành tại các lớp huấn luyện khuyến nông, nông dân Lê Văn Lớn quyết định đầu tư mô hình cho gia đình, bởi nghề nuôi lươn có khó khăn nhất định, nhưng áp dụng đúng kỹ thuật sẽ có thu nhập rất ổn định.

Nhận thức được vậy, ông kiên trì, chịu khó học hỏi từng chút. Với mặt bằng 150m2, ông tiến hành xây dựng 6 bồn nuôi lươn, bằng cách xây tường lên cao khoảng 8– 9 tấc, thiết kế đơn giản trên khoảnh sân trống thành hình chữ nhật để có thể thay nước thuận tiện.

Dưới đáy bồn, ông phủ một lớp bùn khoảng 1 tấc, giữa bồn còn tạo các ụ đất lớn (hay còn gọi là cù lao) hoặc cho các bó rơm, cỏ mục… vào làm nơi cho lươn trú ngụ và dễ dàng kiếm ăn.

Để có bóng mát trên mặt nước bồn, ông Lớn còn thả lục bình, rau muống, các loại cây bắp và mía đã qua thu hoạch. Mỗi bồn đều chừa lại một khoảng trống, tạo bến thả thức ăn cho lươn. Ngoài ra, còn bố trí một vài bóng đèn để thu hút côn trùng vào ban đêm, tăng thêm nguồn thức ăn phụ. “Khâu chọn giống là rất quan trọng” – ông nói.

Do vậy, lươn phải chọn kích cỡ đồng đều, giống khỏe mạnh, không trầy xước. Với mật độ trung bình, ông thả khoảng 1.000 con/bồn, qua xử nước muối nồng độ từ 3 – 5‰ trong vòng 5 – 7 phút để đề phòng dịch bệnh ở lươn. “Ban đầu, tôi thả lươn giống vào một bồn ương.

Sau một tháng, bắt đầu tuyển chọn những con lươn khỏe mạnh, rồi thả đều vào 6 bồn nuôi đại trà. Cứ 30 ngày, tôi chọn những con nhỏ tách riêng, như vậy lươn thịt mới đều cỡ, tỉ lệ hao hụt thấp. Thị trường rất ưa chuộng và hiệu quả kinh tế cao” – ông chia sẻ.

Chăm sóc lươn nuôi trong bồn.

Nguồn thức ăn chính cho lươn là thức ăn viên công nghiệp để đảm bảo độ đạm cao và còn có thêm cá tạp, cua, ốc bươu vàng… pha trộn. Với kinh nghiệm của mình, cứ đầu tư khoảng 3,5kg thức ăn, ông Lớn sẽ thu hoạch được 1kg lươn thương phẩm.

Đảm bảo môi trường nước trong bồn lươn, định kỳ 3 – 4 ngày, ông tiến hành thay nước một lần. Lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, ông cũng sử dụng các biện pháp che mát cho bồn, dùng bèo tây thả trên mặt nước khoảng 20 – 25% diện tích bồn.

Khi trời mưa nhiều, ông cho rút bớt nước đề phòng tràn bồn và thất thoát lươn, cũng như thường xuyên theo dõi để loại bỏ lươn bị bệnh hoặc chết làm ô nhiễm môi trường nước bồn nuôi. “Việc phòng ngừa dịch bệnh cho lươn, tôi cũng thực hiện kịp thời theo đúng quy trình kỹ thuật đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn” – ông Lớn cho hay.

Với việc tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật nuôi lươn, sau gần 6 tháng chăm sóc, nông dân Lê Văn Lớn thu hoạch được trên 3.000kg lươn thương phẩm, bán giá từ 95.000 – 100.000 đồng/kg. Ông nhẩm tính, mỗi năm xuất bồn bán 2 đợt, sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, còn lợi nhuận trên 130 triệu đồng/năm.

Ông rất ưng ý: “Thuận lợi của mô hình này là linh hoạt về thời gian và lấy công lao động làm lời”. Chẳng hạn, như một vụ lươn kéo dài trung bình gần 6 tháng, nhưng thời gian dành để chăm sóc cho bồn nuôi rất ít, chỉ khoảng 45 – 60 phút/ngày.

Vả lại, nguồn thức ăn cho lươn khá đa dạng và dễ tìm kiếm, ông có thể tự thu gom ốc bươu vàng và các loại cá tạp, nhất là mùa nước nổi hiện nay.

Nguồn thức ăn cho lươn dồi dào và giá cũng thấp. “Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, vừa thiết thực cho gia đình tôi và các thành viên của Tổ hợp tác nuôi lươn ấp Vĩnh Đông” – ông Lê Văn Lớn khẳng định.

Box: “Tổ hợp tác nuôi lươn ở ấp Vĩnh Đông (xã Vĩnh Trung) là 1 trong 13 mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu và được xét chọn “Tập thể giỏi” phong trào “Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi” huyện Tịnh Biên 2 năm 2013-2014” – ông Lê Văn Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tịnh Biên, cho biết.

Theo An Giang Online

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh