“Nâng chất” sản phẩm thế mạnh địa phương

09:09, 23/09/2014

Mới đây, nhân chuyến làm việc tại Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát có chuyến thăm mô hình chuyển đổi cây trồng ở huyện Tam Bình và có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.


Vĩnh Long đang tích cực khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả.

Mới đây, nhân chuyến làm việc tại Vĩnh Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát có chuyến thăm mô hình chuyển đổi cây trồng ở huyện Tam Bình và có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh.

Chuyển đổi hiệu quả

Tại Ấp 8, xã Hòa Lộc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT- Cao Đức Phát trực tiếp đến thăm mô hình trồng dưa hấu của nông dân Nguyễn Văn Hận và tìm hiểu về kỹ thuật trồng, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình chuyển đổi.

Anh Hận cho biết, đang áp dụng mô hình 1 lúa 2 màu, và đây là vụ thứ 2 anh trồng dưa hấu trên nền lúa diện tích 5 công. Trung bình mỗi công dưa hấu đạt năng suất 3,1- 3,2 tấn, với giá bán từ 4.000- 4.200 đ/kg, trừ chi phí sau mỗi vụ còn lời từ 4- 5 triệu đồng, cao 2 lần so trồng lúa.

“Thị trường dưa hấu gần đây khá thuận lợi, thương lái đến tận ruộng thu mua. Thấy tôi trồng hiệu quả nên nhiều ruộng lân cận áp dụng trồng theo cũng cho hiệu quả hơn”- anh Hận cho biết thêm.

Ông Phan Thành Cảnh- Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn xã có hơn 50ha chuyển đổi sang trồng hoa màu. Riêng vụ Thu Đông này có khoảng 5ha được chuyển đổi sang trồng dưa hấu.
 
“Từ hiệu quả bước đầu, địa phương đang phối hợp ngành chuyên môn tập huấn, định hướng sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trồng bắp, đậu nành kết hợp tìm đầu ra cho nông dân”- ông Phan Thành Cảnh cho biết thêm.

Tại xã Loan Mỹ, sau khi đến tham quan thực tế tại một vườn nhãn sau thời gian phòng trị nhãn chổi rồng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu cơ quan chuyên môn thực hiện việc cắt, tỉa cành; báo cáo sơ bộ những khó khăn trong công tác dập dịch thời gian qua. Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam xác định rõ tác nhân chính, triệu chứng và quy trình phòng trị bệnh hiệu quả, giảm các chi phí cho nông dân.

Báo cáo với Bộ trưởng Cao Đức Phát về thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ông Phan Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực.

Diện tích 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu giảm hơn 120.000ha, hay 3.391ha so năm 2013. Tỉnh đang thực hiện cánh đồng mẫu diện tích hơn 8.500ha, đạt chứng nhận VietGAP 70ha. Diện tích màu cả năm đạt 45.100ha, tăng hơn 7.000ha so cùng kỳ.

Đàn heo và đàn gia cầm đều tăng so kế hoạch tái cơ cấu. Thủy sản đang được đầu tư đa dạng hóa sản phẩm. Một số dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào chọn lọc giống đậu nành; quản lý sâu, bệnh gây hại trên cây trồng, vật nuôi được đầu tư thực hiện.

Đầu tư sản phẩm thế mạnh

Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long cho biết, bước đầu tỉnh đã xác định được nông sản thế mạnh, tập trung đầu tư như: khoai lang Bình Tân, bưởi Năm Roi, cải xà lách xoong Bình Minh, cam sành Tam Bình, nuôi trồng gia súc, gia cầm và thủy sản ở Mang Thít và Vũng Liêm…

Trong đó, nhiều mô hình trồng màu thay lúa trên cùng đơn vị diện tích đều đạt hiệu quả cao. Cụ thể, dưa hấu thu lời 50- 70 triệu đồng/ha, bắp nếp thu lãi từ 24- 31 triệu đồng/ha; xà lách xoong ở Bình Minh lời từ 150- 200 triệu đồng/ha/năm; nếu giá khoai lang dao động từ 470.000- 600.000 đ/tạ thì lời 15- 17 triệu đồng/công.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT- Cao Đức Phát thăm mô hình trồng màu tại huyện Tam Bình.

Ông Phạm Văn Dư- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Vĩnh Long có “thiên thời, địa lợi” phát triển nông nghiệp với rất nhiều nông sản thế mạnh. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương là công tác giống và việc đầu tư phát triển nhiều sản phẩm còn dàn trải nên không phát huy thế mạnh.

“Tới đây, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với địa phương xác định lại, đưa giống mới có chất lượng vào sản xuất, đặc biệt ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng cây trồng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”- ông Phạm Văn Dư khẳng định.

Trước khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch bệnh trên vườn cây ăn trái phòng trị đạt chưa cao, đặc biệt thường xuyên chịu ảnh hưởng ngập lụt, ông Phan Nhựt Ái đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ xây dựng đê bao cho vùng sản xuất lúa chuyên canh; xem xét hỗ trợ giống cây trồng trong quá trình chuyển đổi; tích cực nghiên cứu tác nhân gây ra bệnh chổi rồng trên nhãn, sâu đục củ khoai lang, sâu đục trái bưởi,…

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà còn là mục tiêu lâu dài, tăng thu nhập cho người dân.

Vì vậy, Bộ trưởng chỉ đạo: Thời gian tới, Vĩnh Long cần chọn một số sản phẩm chủ lực phát triển theo chiều sâu, xem cây lúa là thế mạnh nhưng cần đầu tư phát triển hướng nâng cao chất lượng, có thể tìm những giống cây trồng đạt hiệu quả thu nhập từ 200- 500 triệu đồng/ha để giúp nông dân chuyển đổi.
 
Bên cạnh, phối hợp các viện, trường nâng cao chất lượng giống, quản lý dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đặc biệt tăng cường công tác phối hợp phòng trị nhãn chổi rồng triệt để, không để tái phát như thời gian qua.

Bộ trưởng Cao Đức Phát:


Tỉnh đã xây dựng BCĐ xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến huyện, xã, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt trong điều kiện còn khó khăn tỉnh đã dành hơn 2.000 tỷ đồng cho chương trình là một nỗ lực cao. Thành tích đạt mức bình quân 10,5 tiêu chí/xã là đạt cao hơn mức bình quân của cả nước.

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh