Thiên tai, dịch bệnh, mất giá... là những khó khăn trong phát triển ngành chăn nuôi. Vì vậy, với đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long đang tập trung tái thiết lại ngành này, hướng nông dân làm ăn bài bản.
Thiên tai, dịch bệnh, mất giá... là những khó khăn trong phát triển ngành chăn nuôi. Vì vậy, với đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long đang tập trung tái thiết lại ngành này, hướng nông dân làm ăn bài bản.
Chăn nuôi quy mô lớn cần nhiều vốn liếng nên cần được hỗ trợ.
Triển khai nhiều dự án
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến tháng 4/2014 toàn tỉnh có hơn 346.000 con heo, tăng 25,8% hay 71.000 con so cùng kỳ và đạt 106,7% so kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp. Đàn bò có 55.000 con, giảm 2,6%.
Đàn gia súc gia cầm phát triển với trên 3 triệu con gà, tăng 24,7%, đàn vịt trên 2 triệu con, tăng 23,5%. Trong 6 tháng đầu năm, đáng phấn khởi là giá heo hơi tăng 21% so cùng kỳ, dịch bệnh được kiểm soát tốt, giá tiêu thụ sản phẩm xu hướng tăng.
Để tái thiết ngành chăn nuôi hướng nâng cao chất lượng, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tập trung thực hiện nhiều mô hình như: chăn nuôi vịt chuyên trứng an toàn sinh học giai đoạn 2014- 2015 đã được UBND tỉnh phê duyệt, thực hiện quy mô 6.400 con/16 điểm cho 2 xã Tân Long và Xuân Hiệp;
nuôi heo đệm lót sinh học theo hướng VietGAP, kết quả mô hình phân giải mùi hôi thối, đảm bảo môi trường. Mô hình nuôi gà đệm lót, sau khi trừ hết chi phí giống, thức ăn, thú y… người nuôi thu lợi từ 35.000- 50.000 đ/con. Mô hình này đang thu hút nhiều nông dân tham gia.
Riêng nuôi trồng thủy sản, nhằm tránh thừa hàng dội chợ, ngành nông nghiệp khuyến khích đa dạng các đối tượng và mô hình nuôi thủy sản, khuyến khích người dân nuôi cá mương vườn, ao hồ, vì có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giá cả ổn định, tiêu thụ thuận lợi.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 2.000ha được chuyển đổi nuôi các loại cá như: trê, bống tượng, rô phi, tai tượng,... bước đầu cho hiệu quả cao.
Phát huy thế mạnh
Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2014- 2020, tùy từng địa phương có thể đầu tư phát huy cây, con thế mạnh. Trong chăn nuôi, Vũng Liêm, Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn, TX Bình Minh là những địa phương có thế mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Ba- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm cho biết, lợi thế địa phương là chăn nuôi bò.
Toàn huyện hiện có hơn 23.000 con, chiếm tỷ lệ 42,5% tổng đàn bò trong tỉnh, tỷ lệ bò lai sind đạt 87%. Với hơn 500ha trồng cỏ, chưa kể tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm thức ăn, bò là vật nuôi rất phù hợp với người nghèo cho hiệu quả kinh tế cao.
Thực tế, trồng 1 công cỏ có thể nuôi từ 3- 4 con bò, so sánh 1 công ruộng thời điểm này lời khoảng 2 triệu đồng/vụ. Trong khi 1 năm trồng cỏ nuôi 4 con bò bảo đảm lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.
Theo quy hoạch phát triển đàn bò giai đoạn 2014- 2016, bên cạnh một số dự án nâng cao chất lượng bò giống, Vũng Liêm phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh đầu tư nâng cao giống bò thịt.
Vũng Liêm đang phát huy thế mạnh chăn nuôi bò.
Nhằm đa dạng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, Vũng Liêm còn khuyến khích phát triển hàng chục mô hình nuôi thủy sản như nuôi lươn, cá chình, cá lóc…
Mục tiêu chung của Vũng Liêm, phấn đấu nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đến năm 2016 đạt 25%. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 32 triệu đồng/người/năm.
Giải quyết việc làm cho một số lao động nhàn rỗi, tận dụng triệt để những phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm nguồn thức ăn cho bò.
Tại huyện Mang Thít, mô hình “Hỗ trợ chăn nuôi gà thả vườn trên đệm lót sinh thái” của Trạm Khuyến nông huyện thực hiện quy mô 3.000 con giống gà ta thả vườn, ứng dụng công nghệ đệm lót bằng chế phẩm sinh học. Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả, trừ hết chi phí, hao hụt con giống,… mô hình đã cho mức lợi nhuận trên 140 triệu đồng chỉ sau 3,5 tháng nuôi.
TX Bình Minh cũng đang chú trọng phát triển mô hình chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ. Toàn huyện có hơn 52 mô hình, chủ yếu là nuôi heo, bò, gà thả vườn; nuôi cá trong ao, mương vườn.
Trong đó có 42 mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Các mô hình chủ yếu lấy công làm lời, tận dụng phế phẩm làm thức ăn nhằm giảm chi phí chăn nuôi, ít rủi ro nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm gần đây người nông dân bắt đầu quan tâm đến khoa học kỹ thuật, gắn kết với các chuyên gia để cho ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đạt lợi nhuận cao.
Đây là lợi thế tái thiết ngành chăn nuôi hướng bền vững. Tuy nhiên, đầu tư theo quy trình kỹ thuật, đặc biệt những mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại đòi hỏi nguồn vốn cao nên rất cần sự hỗ trợ.
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin