Sản xuất lúa Ma Lâm 202- bài toán chưa lời giải

07:08, 30/08/2014

Nếu lý do “giá thấp bù sản lượng” mà giống IR50404 tồn tại hơn 10 năm qua bất chấp khuyến cáo, thì lúa Ma Lâm 202 (ML202) càng có lý để nông dân chọn sản xuất, bởi “vừa được mùa vừa được giá”. Tuy nhiên, một khi đưa vào sản xuất đại trà, mối lo của giống lúa này là gì? Chúng tôi đã có dịp tìm hiểu.


Ngành chức năng khuyến cáo, thận trọng mở rộng diện tích lúa ML202 vì đầu ra vẫn còn phụ thuộc. (ảnh minh họa).

Nếu lý do “giá thấp bù sản lượng” mà giống IR50404 tồn tại hơn 10 năm qua bất chấp khuyến cáo, thì lúa Ma Lâm 202 (ML202) càng có lý để nông dân chọn sản xuất, bởi “vừa được mùa vừa được giá”. Tuy nhiên, một khi đưa vào sản xuất đại trà, mối lo của giống lúa này là gì? Chúng tôi đã có dịp tìm hiểu.

Phát triển “nóng”

ML202 được nhiều nông dân gọi là “lúa gà” do phẩm chất thấp, tiêu thụ nội địa. Trước đây được gieo sạ nhiều ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ... và những năm gần đây được nhiều nông dân ở ĐBSCL, nhất là Bến Tre và Trà Vinh đem về gieo trồng. Ở Vĩnh Long, giống lúa này phát triển nhiều ở Mang Thít và gần đây là ở Trà Ôn.

Ông Lê Ngọc Minh- Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) cho biết, sau khi được một số bè bạn “cùng làm giống” ở Mang Thít và tỉnh Trà Vinh giới thiệu, vụ Đông Xuân vừa qua, hơn 30 công ruộng ông bắt tay gieo sạ giống ML202.

Sau thu hoạch, năng suất ước bình quân đạt hơn 7,5 tấn/ha, giá bán khá ổn định ở mức trên 5.000 đ/kg. “Dễ chăm sóc, phù hợp thổ nhưỡng nên năng suất và giá cả lúa ML202 có thể tương đương, thậm chí cao hơn nhiều giống lúa khác nên bà con ở đây ai cũng mê.”- Ông Lê Ngọc Minh cho hay.

Tại huyện Mang Thít, ông Trương Tấn Được- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Mang Thít cho biết, theo cơ cấu giống lúa chất lượng thấp, mỗi vụ chỉ khoảng 10%, nhưng hiện giống ML202 gieo sạ đến hơn 30% diện tích trong tổng số hơn 6.500ha xuống giống. Các xã có diện tích xuống giống ML202 nhiều là Mỹ An, Long Mỹ, Hòa Tịnh, Chánh Hội…

Cũng theo ông Trương Tấn Được, sở dĩ lúa này tăng do có năng suất và mua bán hiện khá thuận lợi. Thương lái từ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và ở địa phương thu mua toàn bộ sau khi thu hoạch. “Giống này xuất phát từ các tỉnh miền Trung, tôi được biết, vụ lúa vừa qua nông dân Vĩnh Long nhập về hàng trăm tấn giống, rải khắp các huyện để gieo sạ.

Việc này rất đáng lo ngại, vì dù năng suất cao nhưng hiện giống lúa chỉ tiêu thụ nội địa và phụ thuộc vào thương lái”- ông Trương Tấn Được đặt vấn đề.

Trong khi đó, theo ông Võ Văn Mừng- cán bộ nông nghiệp xã Mỹ An, ML202 có mặt tại địa phương từ năm 2007. Trong tổng số trên 500ha, thì hiện có đến hơn 95% gieo sạ giống lúa này. Vụ Đông Xuân có nơi năng suất đạt 10 tấn/ha, thấp cũng 7,5- 8 tấn/ha.

Lo thị trường, dịch bệnh

Qua tìm hiểu, sau thu hoạch thương lái từ nhiều tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Bình Dương đến thu mua toàn bộ chủ yếu nuôi gà, vịt. Nhưng gần đây “họ cho biết lúa còn xuất khẩu”. Ông Võ Văn Mừng còn cho biết, “do phần lớn nông dân địa phương hiện chỉ sản xuất giống lúa này nên ai gieo sạ lúa hạt dài rất khó bán vì thương lái không mua”.

Ông Lê Ngọc Minh thông tin có người bạn làm giống cho biết, vừa có một công ty ở Nhật Bản sang Trà Vinh đầu tư vùng trồng và bao tiêu lúa này. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, số lượng công ty này mua không nhiều, trong khi nhiều năm qua Trà Vinh được xem là “xứ sở” của giống ML202 nên không thể “ngó” tới thị trường ở Vĩnh Long.


Ông Lê Ngọc Minh giới thiệu giống ML202.

Nhiều nông dân ở Mang Thít còn cho biết, những vụ gần đây giống ML202 xuất hiện rầy nâu và một số bệnh khác. Nguyên nhân, được nhận định do thoái hóa giống vì sử dụng giống từ vụ trước để sản xuất cho vụ lúa tiếp theo.

Ông Trương Tấn Được cho rằng, không nên mở rộng diện tích giống này, “vì đầu ra chưa đảm bảo, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Giống này có thể làm bánh, làm bột nhưng nhu cầu cũng không cao”.

Câu chuyện “không nên gieo sạ tràn lan” giống lúa cấp thấp ML202 khá giống lúa IR50404 trước đó. Song, dẫu rằng đầu ra lúa chất lượng thấp ML202 vẫn là “canh bạc”, nhưng trong điều kiện lúa chất lượng cao vẫn chưa chứng minh được tính bền vững, thì trước mắt, nói như ông Lê Ngọc Minh “đó được xem là giải pháp sau nhiều năm giá lúa bèo bọt”. Và, khả năng nông dân gieo sạ và tiếp tục gieo sạ giống lúa này là điều khó tránh khỏi.

Về lâu dài, ML202 vẫn là bài toán chưa lời giải!

Khi được hỏi giá lúa gạo xuống thấp là do nông dân trồng quá nhiều lúa cấp thấp, trong khi thị trường tiêu thụ đã bị co hẹp, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng: Đừng đổ lỗi cho lúa cấp thấp, bởi hiện nhu cầu thị trường lúa gạo thế giới khoảng 30 triệu tấn/năm thì lúa thơm chỉ chiếm dưới 10%, nghĩa là chỉ khoảng chừng 2- 3 triệu tấn. Cho đến nay, các thị trường chính của Việt Nam vẫn là Philippines, Indonesia và các nước Châu Phi- và họ chủ yếu ăn gạo cấp thấp. 

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh