Một trong những mục tiêu của Đề án “tái cơ cấu ngành thủy lợi” là phát triển một nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo hướng hiện đại: Đẩy mạnh trên diện rộng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực như càphê, hồ tiêu, chè, cây điều, cây mía, cây ăn quả, rau, hoa… Đặc biệt, trọng tâm là áp dụng cho khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên
Vườn rau được trang bị hệ thống tưới nước tự động ở Quảng Ngãi. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Một trong những mục tiêu của Đề án “tái cơ cấu ngành thủy lợi” là phát triển một nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo hướng hiện đại: Đẩy mạnh trên diện rộng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực như càphê, hồ tiêu, chè, cây điều, cây mía, cây ăn quả, rau, hoa… Đặc biệt, trọng tâm là áp dụng cho khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung và miền núi phía Bắc.
Theo đó, đề án “nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi hiện có” đã đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 sẽ có khoảng 500.000 ha cây trồng cạn chủ lực được tưới theo hướng hiện đại với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Đó là một trong những nội dung chính được đề cập tại Hội nghị triển khai ứng dụng công nghệ phục vụ tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày hôm nay (15/8), tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Thị Kim Cúc, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế thuộc Tổng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hiện nay việc áp dụng tưới tiết kiệm còn rất hạn chế do thông tin về tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao nhận thức cho người nông dân còn thiếu và yếu.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư, nhất là đầu tư ban đầu, đối với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn cao so với thu nhập của người nông dân và đòi hỏi có một kiến thức, trình độ nhất định khi sử dụng, trong khi động lực của người sản xuất chưa đủ lớn (chưa thấy hết được lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế của việc áp dụng công nghệ này so với phương pháp tưới truyền thống) nên chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.
Theo bà Lê Thị Kim Cúc, kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực có lợi thế và có thị trường như càphê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam đã cho thấy rằng, áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50% (thậm chí có thể tăng gần 170% đối với mô hình Trung tâm mía đường Bến Cát-Bình Dương) và tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước kết hợp với bón phân còn có thể làm giảm đáng kể lượng phân bón cho cây trồng, vì vậy giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường do phân bón gây ra.
Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội so với tưới truyền thống, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp nước ta vẫn còn rất hạn chế. Theo thống kê sơ bộ tính đến thời điểm hiện tại, diện tích cây trồng được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cả nước mới đạt được con số rất nhỏ chỉ khoảng 28.447 ha; trong đó, tưới nhỏ giọt 21.207 ha và tưới phun mưa cục bộ 7.240 ha.
Thống kê năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, diện tích gieo trồng của một số loại cây chủ lực như sau: Càphê 635.000 ha, chè 128.200 ha, hồ tiêu 67.900 ha, điều 310.000 ha, mía 309.400 ha và cây ăn quả (cam, quýt, xoài, chuối) 281.700 ha.
Đến năm 2020, dự kiến tổng diện tích cây trồng cạn chủ lực, có thị trường như cà phê, chè, hồ tiêu, mía, cây ăn quả… sẽ lên đến khoảng 2.705.000 ha.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin