Mô hình cánh đồng mẫu lớn: Niềm tin của nông dân

02:08, 11/08/2014

Tăng năng suất, tăng lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất - đó là tính ưu việt của mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Nhờ áp dụng mô hình này mà nhiều hộ nông dân có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giàu.

Tăng năng suất, tăng lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất - đó là tính ưu việt của mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML). Nhờ áp dụng mô hình này mà nhiều hộ nông dân có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giàu.

Mô hình CĐML đạt hiệu quả cao

Năm 2013, Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng 2 mô hình CĐML ở xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai) và xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) với diện tích gần 440ha, có hơn 300 nông dân tham gia. Khi tham gia mô hình CĐML, nông dân được hỗ trợ lúa giống, phân bón, vật tư nông nghiệp và máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Ngoài ra, nông dân còn được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo quy trình sản xuất mới.

Qua 2 vụ lúa thu đông 2013 và đông xuân 2013 - 2014, mô hình CĐML đạt nhiều kết quả đáng mừng. Theo tính toán của bà con, các chi phí sản xuất theo mô hình CĐML đều giảm so với sản xuất theo phương pháp truyền thống.

Cụ thể là chi phí sản xuất của ruộng ngoài mô hình là hơn 23,92 triệu đồng/ha, còn chi phí của ruộng áp dụng mô hình CĐML là 21,71 triệu đồng/ha, giảm 2.208.000 đồng/ha. Theo đó, lợi nhuận so với đầu tư là 3,05 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh (xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Trước đây, tôi sản xuất theo phương pháp truyền thống, thu hoạch 30 - 35 giạ/công. Còn từ khi sản xuất lúa theo mô hình CĐML thì đạt 45 - 60 giạ/công. Với 3ha, vụ lúa đông xuân vừa qua, tôi lãi gần 25 triệu đồng. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình tôi được cải thiện hơn”.

Nông dân tham quan mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: M.Đ

Sản xuất lúa theo mô hình CĐML không chỉ tăng năng suất, giảm giá thành mà còn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, tạo được thương hiệu lúa gạo Bạc Liêu. Theo thống kê, số lần sử dụng thuốc trừ sâu, rầy nâu và một số bệnh khác khi sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống sẽ nhiều hơn gấp 2 - 3 lần so với ruộng sản xuất theo mô hình CĐML. Từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ kéo theo đầu ra của sản phẩm dễ dàng, giá sản phẩm được nâng lên, tăng thu nhập cho người nông dân.

Nông dân tiếp tục đầu tư cho mô hình CĐML

Mô hình CĐML đã tạo niềm tin cho nông dân ở các vùng sản xuất lúa như Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai, Vĩnh Lợi… Từ đó, nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất lúa theo mô hình CĐML.

Ông Huỳnh Văn Đãnh (xã Vĩnh Hưng) bày tỏ: “Mô hình CĐML giúp nông dân khá lên bởi hiệu quả mà nó mang lại cao hơn so với sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống. Sau vụ lúa này, mặc dù không còn được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng tôi vẫn sản xuất lúa theo đúng quy trình kỹ thuật trong mô hình CĐML”.

Tuy nhiên, theo ngành chức năng, để duy trì mô hình CĐML và tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nhất thiết phải thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để quản lý hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của nông dân.

Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ địa phương trong việc hình thành các mô hình, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy nông nội đồng, tạo điều kiện tốt cho nông dân trong quá trình sản xuất…

Bà Hồng Kim Thư, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng: “Ở huyện Giá Rai và Vĩnh Lợi, qua 2 vụ lúa sản xuất theo mô hình CĐML, năng suất và lợi nhuận đều tăng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn gặp nhiều khó khăn như: hệ thống thủy nông nội đồng chưa hoàn chỉnh, mặt bằng đồng ruộng chưa được đồng đều…”.

Việc xây dựng thành công mô hình CĐML sẽ góp phần cho ngành Nông nghiệp Bạc Liêu phát triển theo hướng bền vững. Vì vậy, ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận mô hình sản xuất mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng và sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Theo Báo Bạc Liêu Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh