Mang Thít là một trong những địa phương có nhiều nông dân sản xuất giỏi, nhiều hộ chăn nuôi quy mô như những trang trại. Điểm đặc biệt, họ là những người không chịu thua trước những khó khăn mà luôn tìm tòi, học hỏi, chuyển đổi mô hình thích hợp, mạnh dạn ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Út- chồng của bà Kim Đào (áo sậm) giới thiệu với phóng viên mô hình trồng nấm linh chi.
Mang Thít là một trong những địa phương có nhiều nông dân sản xuất giỏi, nhiều hộ chăn nuôi quy mô như những trang trại. Điểm đặc biệt, họ là những người không chịu thua trước những khó khăn mà luôn tìm tòi, học hỏi, chuyển đổi mô hình thích hợp, mạnh dạn ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất.
Trong đó, có cả những người từng là chủ lò gạch, gốm; họ đã phủ màu xanh lên những lò gạch bỏ hoang, hoặc lấp đầy nó bằng những chuồng trại chăn nuôi mới.
Tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Thít, tính từ đầu năm đến nay, đã triển khai 43 cuộc tập huấn với trên 1.200 lượt người tham dự. Các cuộc tập huấn tập trung vào các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và phòng trừ sâu, dịch bệnh,…
Cũng từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình, dự án như: bưởi da xanh tại xã Long Mỹ, Mỹ An, Mỹ Phước, An Phước, Chánh An; dự án “Mở rộng một số mô hình khuyến nông có hiệu quả trong tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2013- 2015” tại Mỹ Phước; thực hiện các mô hình kỹ thuật cao như “Nuôi vịt trên đệm lót sinh học”, khí sinh học, chương trình gieo tinh bò nhân tạo,…
Việc thành lập và củng cố các tổ hợp tác kinh tế, hợp tác xã được duy trì cũng góp phần hình thành các mô hình sản xuất hay, cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt có một số mô hình sử dụng công nghệ, kỹ thuật cao để sản xuất như: mô hình trồng thanh long ruột đỏ, trồng nấm linh chi,…
Theo Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT- Nguyễn Tấn Lợi, các mô hình sản xuất do huyện hoặc tỉnh triển khai đến nay đều thực hiện rất tốt.
Trong đó có nhiều mô hình, dự án do tỉnh đầu tư như: nuôi gà, heo trên đệm lót sinh học, nuôi vịt an toàn sinh học,... hứa hẹn sẽ đạt hiệu quả cao.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Lợi, ngoài các mô hình, dự án do Nhà nước đầu tư, trên địa bàn huyện cũng có nhiều mô hình do nông dân tự mày mò, nghiên cứu áp dụng vào sản xuất. Hiện một số mô hình cũng cho kết quả rất tốt, một số cũng trong giai đoạn đánh giá hiệu quả, nếu tốt sẽ có kế hoạch nhân rộng…
Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú Đặng Ngọc Thảo cho biết, hiện xã có một số hộ dân thực hiện mô hình trồng nấm linh chi cho giá trị kinh tế khá. “Thời gian đầu, xã cũng có phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trồng nấm linh chi. Toàn xã hiện có 13 hộ trồng nấm với hàng chục ngàn phôi. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt, người sản xuất phải nắm rõ quy trình, kỹ thuật trồng…”
Công nghệ với sản xuất
Chúng tôi tìm đến nhà bà Kim Đào (xã Nhơn Phú) với mô hình trồng nấm linh chi. Đây là một trong số những hộ dân mạnh dạn đầu tư với 14.000 phôi nấm linh chi, trị giá 140 triệu đồng. Bà cho biết, tận dụng trại gạch cũ nên gia đình quyết định đầu tư trồng thử.
Thời gian đầu đã cho kết quả kinh tế khá. Theo bà Kim Đào, trồng nấm linh chi cần kỹ thuật chăm sóc cao để tai nấm đạt tiêu chuẩn.
Hiện mỗi ký nấm khô khoảng từ 500.000- 550.000đ, bào tử nấm trị giá 3 triệu đồng/kg, sau khi trừ chi phí đợt đầu sẽ lấy lại vốn. Mỗi phôi nấm như vậy sẽ cho từ 3- 4 đợt nên hiệu quả sẽ nằm ở các đợt sau… Riêng phôi nấm khi “xài” hết có thể tận dụng để trồng nấm rơm.
Không chỉ mạnh dạn đầu tư trại, phôi nấm, nhiều hộ gia đình ở xã Nhơn Phú quyết tâm học tập kỹ thuật, kinh nghiệm để đạt hiệu quả.
Theo ông Đặng Ngọc Thảo, số hộ phát sinh trồng nấm sau tự tìm nguồn cung phôi, đầu ra cho sản phẩm. Người dân đã dần thay đổi cách thức sản xuất, thay vì thụ động như trước thì giờ luôn chủ động để sản xuất có hiệu quả cao nhất.
Anh Phạm Hoàng Minh (42 tuổi, ấp Tân Mỹ A, xã Chánh An) là điển hình của nông dân hiện đại, mạnh dạn ứng dụng công nghệ khoa học, nhạy bén nắm bắt thị trường.
Đập vào mắt chúng tôi trước hết là chuồng bò “VIP”, mà cao điểm lên đến 14 con nái trị giá trên 60 triệu đồng/con; nhưng đây chỉ là kinh tế… phụ.
Cái chính là vườn thanh long 10.000m2 của anh Minh được thiết kế tưới tiêu, bón phân theo công nghệ tự động. Anh có thể ngồi tiếp khách trong nhà, bấm remote điều khiển cho máy bơm tưới nước theo từng ô vườn định sẵn. Nhưng câu chuyện làm ăn của anh Minh bên vườn thanh long, làm chúng tôi càng nể phục hơn.
14 năm đeo theo cây chanh tàu và đã… thành danh ở xứ Mang Thít với biệt hiệu “Minh chanh”. Đến mùa thứ 15, anh đốn sạch vườn chanh, đồng loạt chuyển qua thanh long.
Anh Minh với mô hình trồng thanh long ứng dụng công nghệ tưới nước tự động.
Chưa đầy 2 năm làm quen với loại cây này, giờ đây anh phải luôn có trong tay 20 thợ để đi… chuyển giao công nghệ trồng thanh long cho khắp vùng ĐBSCL. Ngay thời điểm này, đội quân của anh đang đổ cọc 80 công đất và chuyển giao giống cho một HTX bên tận Tiền Giang.
Xong mối này, anh Minh lại kéo quân xuống Hậu Giang, gầy dựng 45ha thanh long cho một doanh nghiệp dưới đó. Anh Minh xứng đáng là đại diện cho lớp nông dân mới, đột phá trong tư duy, đột phá trong cách nghĩ, cách làm, mà câu chuyện còn dài của anh sẽ được chúng tôi nhắc lại trong một dịp khác.
Những câu chuyện làm ăn ở Mang Thít cho chúng ta thấy rằng, trước những hoàn cảnh khó khăn về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nhiều nông dân đã biết chủ động đối phó bằng nhiều cách khác nhau.
Trước hết, họ là những nông dân “trí thức”, tự mày mò, học hỏi, nắm bắt kỹ thuật mới, nhạy bén và đón đầu thị trường bằng những giống cây trồng mới. Nhưng cũng phải khẳng định rằng, sự thành công bước đầu có đóng góp rất lớn của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít cùng những cán bộ chuyên trách hết lòng, hết sức với nông dân.
Cũng từ đầu năm, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều mô hình, dự án như: bưởi da xanh tại xã Long Mỹ, Mỹ An, Mỹ Phước, An Phước, Chánh An; dự án “Mở rộng một số mô hình khuyến nông có hiệu quả trong tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2013- 2015” tại Mỹ Phước; thực hiện các mô hình kỹ thuật cao như “Nuôi vịt trên đệm lót sinh học”, khí sinh học, chương trình gieo tinh bò nhân tạo,… |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY- NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin