Bình Tân: “Thiên thời, địa lợi” trong tái cơ cấu nông nghiệp

01:08, 19/08/2014

Sau khi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh được ban hành, không ít địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Nhưng đối với ngành nông nghiệp huyện Bình Tân, việc cơ cấu cây trồng vật nuôi, cũng như việc lựa chọn loại cây, con thích hợp phát triển cho từng vùng được thực hiện khá rõ nét từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, cơ giới hóa trong sản xuất, công nghệ sau

Sau khi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh được ban hành, không ít địa phương gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Nhưng đối với ngành nông nghiệp huyện Bình Tân, việc cơ cấu cây trồng vật nuôi, cũng như việc lựa chọn loại cây, con thích hợp phát triển cho từng vùng được thực hiện khá rõ nét từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, cơ giới hóa trong sản xuất, công nghệ sau thu hoạch là những khó khăn của địa phương đang rất cần quan tâm đầu tư thời gian tới.


Nông dân Bình Tân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ bằng trồng rau màu trên đất lúa.

Thuận lợi chuyển đổi

Bình Tân nằm hướng Tây Bắc đối diện Khu công nghiệp Trà Nóc và Trung tâm TP Cần Thơ thuận lợi giao thương. Với khí hậu ôn hòa và dọc theo sông Hậu, Bình Tân còn có nguồn nước ngọt quanh năm thuận tiện sản xuất nông nghiệp, phát triển nhất là cây màu, cây lúa và nuôi thủy sản hướng công nghiệp chuyên canh.

Ngoài thế mạnh cây khoai lang, Bình Tân đang đẩy mạnh chuyển dịch cây mè, rau màu, nuôi trồng thủy sản. Trong đề án tái cơ cấu của tỉnh, mục tiêu chung là tăng giá trị cây trồng vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích, cơ cấu lại mùa vụ, giảm diện tích đất lúa,…

Bình Tân đang đi đúng hướng với việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thời gian qua mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình nuôi cá tra theo hướng công nghiệp chuyên canh ven sông Hậu doanh thu hơn 5 tỷ đồng/ha/năm; mô hình luân canh 2 lúa 1 màu, 2 màu 1 lúa, doanh thu 200- 400 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi cá lóc trong vèo, nuôi lươn trong bể, nuôi dê, nuôi thỏ… tăng giá trị thu nhập khoảng 180 triệu đồng/ha/năm.

Ở nhiều địa phương cũng hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản tập trung như xã Nguyễn Văn Thảnh, Tân Hưng chuyên lúa; Thành Đông chuyên khoai lang; Tân An Thạnh sản xuất mè; Tân Bình sản xuất rau cải,…

Giảm diện tích lúa, chuyển đổi cây trồng là mục tiêu quan trọng được huyện quan tâm. Đến cuối năm 2013, diện tích trồng 3 vụ lúa trong năm của huyện chỉ còn 3.500ha, chiếm 36,45% diện tích trồng cây hàng năm.

Cơ giới hóa trong sản xuất những năm gần đây được đầu tư, góp phần đáng kể vào sản xuất. Nếu năm 2008 thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp không quá 25% diện tích gieo sạ mỗi vụ thì đến năm 2013 chiếm 97%; sấy lúa từ 10% mỗi vụ đến năm 2013 tăng lên 25%.

Xác định thủy lợi là khâu then chốt trong sản xuất, từ năm 2008- 2013, Nhà nước đầu tư gần 200 tỷ đồng để thực hiện nạo vét nâng cấp nhiều công trình thủy lợi phục vụ chuyển dịch sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, trên 95% diện tích cây hàng năm khép kín thủy lợi, đảm bảo đầy đủ lượng nước tưới tiêu. Toàn huyện có 5 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 2 hợp tác xã sản xuất rau an toàn đảm bảo khá tốt tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Xác định thế mạnh đầu tư

Mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của Bình Tân là xây dựng nông nghiệp hướng tăng trưởng bền vững, hiệu quả, lấy nhu cầu thị trường làm định hướng sản xuất,…

Mục tiêu cụ thể là giai đoạn 2014- 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2%/năm. Trong đó, thủy sản tăng 1%. Phấn đấu đưa giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản lên 160 triệu đồng/ha/năm vào năm 2014 và tăng lên 200 triệu đồng vào năm 2015, đảm bảo nông dân có lãi 30%.

Giai đoạn 2016- 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2%/năm, thủy sản tăng 3- 5%, giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản lên từ 290- 300 triệu đồng/ha/năm và lợi nhuận hơn 30%.

Đột phá nhất của Bình Tân trong thời gian qua là khâu thủy lợi được đầu tư khá bài bản, mà theo Thạc sĩ Võ Văn Theo “có thể trồng lúa và hoa màu đều được”.

“Thủy lợi cho cây lúa là tưới tràn, trong khi cây màu phải sử dụng hệ thống tưới phun. Vì vậy, muốn chuyển đổi trồng màu trước tiên phải đầu tư hệ thống thủy lợi. Điều này từ nhiều năm qua Bình Tân đã chủ động làm, đến nay cơ bản hoàn thiện. Đây là ưu thế của Bình Tân trong tái cơ cấu so các huyện còn lại.”- Thạc sĩ Võ Văn Theo khẳng định.

Trên cơ sở đề án, Bình Tân cũng đã xác định giải pháp cho từng loại cây trồng, vật nuôi. Theo đó, sẽ giảm diện tích sản xuất lúa, mỗi năm dao động từ 10.000- 11.000ha, giảm từ 1.000- 2.000ha ở các xã Nguyễn Văn Thảnh, Tân Hưng và Mỹ Thuận; đồng thời tăng diện tích trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày, mở rộng cánh đồng mẫu khoai lang hướng tới xây dựng thương hiệu.

Chăn nuôi khuyến khích phát triển hướng tập trung, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn. Ở lĩnh vực thủy sản, sẽ phát triển nuôi các xã ven sông Hậu mỗi năm từ 140- 150ha, khuyến khích nông dân tận dụng ao, mương vườn nuôi nhiều loại thủy sản khác.

Trên tổng thể, nói như Thạc sĩ Võ Văn Theo, “Bình Tân có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả so các huyện còn lại”. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương là khâu cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch nên rất cần quan tâm đầu tư thời gian tới.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Bình Tân sẽ đầu tư khoảng 36 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi. Ngân sách đầu tư được trích từ nguồn vốn xây dựng cơ bản và sự nghiệp thủy lợi. Đồng thời kêu gọi nhân dân cùng đầu tư, góp đất xây dựng các công trình thủy lợi hàng năm ước từ 5- 8 tỷ đồng.


Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh