Mối lo về an toàn lao động trong nông nghiệp

03:07, 01/07/2014

Việc sử dụng các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng điện và máy móc thiết bị nông nghiệp,... chưa được nông dân quan tâm dẫn đến những nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong quá trình trực tiếp sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng LĐ.

Việc sử dụng các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, sử dụng điện và máy móc thiết bị nông nghiệp,... chưa được nông dân quan tâm dẫn đến những nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong quá trình trực tiếp sản xuất, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng LĐ.

Nông dân phải tự bảo vệ mình bằng cách trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân như: ủng, găng tay, khẩu trang… Ảnh: KHÁNH DUY

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, đa phần LĐ trong ngành nông nghiệp và các ngành nghề nông thôn thiếu kiến thức, kỹ năng sử dụng máy móc và hóa chất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật).

Như khi phun thuốc trừ sâu, nông dân chỉ trang bị khẩu trang, áo nilon thậm chí không dùng đến. Phần lớn nông dân sử dụng các loại máy nông nghiệp một cách thụ động, "học lỏm" nên dễ dẫn đến xảy ra tai nạn. Đồng thời, một số thói quen bất cẩn, gây nguy hiểm như nông dân đang pha chế thuốc trừ sâu rồi nghỉ tay hút thuốc; dùng tay lau mồ hôi trên mặt hay ăn uống trong quá trình pha thuốc dẫn đến ngộ độc thuốc.

Anh N.V.L. (Trà Ôn) cho biết, có lần anh suýt ngất xỉu khi xịt thuốc trừ sâu cho 5 công ruộng của mình. "Tranh thủ đứng gió, tui ra xịt sớm, có lẽ sáng chủ quan không ăn sáng và không đeo khẩu trang nên tui xịt một lát đã thấy đầu bị choáng, mệt. Tui nghỉ sức khỏe mình có vấn đề nhưng mấy cán bộ nông nghiệp nói tui phải bịt bọc bảo hộ LĐ khi ra ruộng để tránh bị ngộ độc thuốc".

Đặc biệt, những bao bì thuốc qua sử dụng vẫn không được thu gom, tiêu hủy đúng cách. Nông dân sau khi sử dụng thường vứt luôn bao bì, chai lọ ngoài đồng ruộng, không ý thức thu gom rác thải nông nghiệp gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Vỏ chai bị bể, sắc nhọn hay những bao bì thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng xong vẫn còn dư lượng thuốc, gây độc hại, ảnh hưởng đến nguồn nước, ngấm vào trong đất gây ô nhiễm, nguy hại đến môi trường sống và nguy cơ xảy ra tai nạn LĐ là điều hiển nhiên.

Do nhận thức hạn chế và chạy theo lợi nhuận, một số nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không tuân thủ theo hướng dẫn, thời gian cách ly, thời điểm phun sao cho phù hợp, an toàn cũng rất ít được quan tâm thực hiện đúng. Về lâu dài, chính nông dân phải đối mặt với những ảnh hưởng về sức khỏe do sử dụng các loại hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc nông nghiệp và sử dụng điện thiếu an toàn.

Thiết nghĩ, không chỉ xây dựng bể chứa chất thải nông nghiệp ở các cánh đồng mẫu lớn mà địa phương hay người dân cần xây nhiều bể trên đồng ruộng, bởi đó là biện pháp vừa làm giảm nguy cơ xảy ra tai nạn, vừa nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường ATVSLĐ trong nông nghiệp.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn LĐ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long chỉ đạo mở các lớp tập huấn để trang bị kiến thức về ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp và sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật để bà con có thể tự bảo vệ mình. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh- Liêu Cẩm Hiền nhấn mạnh: Để đảm bảo ATLĐ, ngoài việc tăng cường thanh, kiểm tra của ngành chức năng, mỗi người dân, tiểu thương cần trang bị đầy đủ các kiến thức về kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tự bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.

Thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), so với các ngành khác, LĐ trong nông nghiệp là một trong số những đối tượng có nguy cơ mắc tai nạn LĐ cao nhất và đang ở mức báo động, chỉ đứng sau ngành xây dựng, hóa chất và khai thác mỏ.

Cứ 100.000 LĐ trong khu vực nông nghiệp, thì có gần 800 người bị tai nạn LĐ khi sử dụng điện và 850 người bị tai nạn LĐ trong sử dụng máy nông nghiệp. Cũng theo điều tra về hiện trạng lưu thông và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật của Viện Bảo vệ thực vật cho thấy, hơn 70% số hộ nông dân mua thuốc ở thị trường tự do; 94% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn và chỉ có 19,3% có hiểu biết về độc hại của các loại thuốc sử dụng.


SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh