Cây ca cao: vì sao nông dân chưa "mặn"?

07:07, 24/07/2014

Trồng xen ca cao trong vườn dừa giúp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ một phần từ dự án phát triển ca cao của tỉnh, nhưng hiện nay cây ca cao vẫn chưa thật sự hấp dẫn nông dân. Vì sao?

Trồng xen ca cao trong vườn dừa giúp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ một phần từ dự án phát triển ca cao của tỉnh, nhưng hiện nay cây ca cao vẫn chưa thật sự hấp dẫn nông dân. Vì sao?


Ông Lương Văn Ri (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) bên cây ca cao có nhiều trái chín nhưng vẫn không hái bán.

Dẫn chúng tôi ra khu vườn rộng gần 1ha trồng dừa, nhãn, măng cụt, ca cao… ông Lương Văn Ri ở ấp Phú Tân (xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) cho biết: Ca cao là loại cây chiếm số lượng nhiều thứ 2 trong vườn (sau dừa) với hơn 300 cây.

Trong đó, có hơn 100 cây đang cho trái và hơn 200 cây mới trồng. Chỉ tay vào những cây ca cao lá xanh mượt, trái sai, nhiều trái chuyển màu sậm, úng nhưng vẫn còn lủng lẳng trên cành, ông Ri nói: “Bán không được bao nhiêu tiền mà tốn công quá. Trái nó không ra đồng loạt.

Một tháng chở bán khoảng 2 lần, một lần vài chục ký lô, giá chỉ vài ngàn đồng/kg. Tổng cộng hết chắc được 3 triệu đồng/năm, chưa tính tiền đi lại. Trong khi đó, nhãn, bưởi chỉ có vài cây nhưng cho thu nhập cao hơn. Bởi vậy, mấy người quen mới cho tui 200 cây con, nghe họ nói “không ham trồng nữa”.

Tuy nhiên không vì vậy mà ông đốn bỏ, vì “cây này dễ trồng, nắng thì phát triển tốt, mà khi bị dừa che cũng sống được, không cần chăm sóc, phân thuốc vẫn cho trái bình thường”.

Cán bộ nông nghiệp xã Trung Nghĩa Phạm Văn Trai cho biết, xã hiện có khoảng 26.000 cây ca cao. Những năm gần đây, nông dân không thiết tha trồng và chăm sóc loại cây này do phải tự chở đến điểm bán, trong khi giá thấp nên nhiều người nản. Theo đó, từ năm 2009- 2011, huyện giao phát triển 10 ha/năm; năm 2012 phát triển 5ha. Riêng 6 tháng năm 2014, xã mới phát triển được 2ha.

Việc mở rộng diện tích ca cao những năm gần đây có xu hướng giảm, do nhiều nông dân bớt mặn mà với loại cây này.

Anh Nguyễn Phúc Luông- chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm cho biết, huyện có gần 9.500ha vườn cây ăn trái (chiếm 40,5% đất nông nghiệp), với các loại cây chủ lực như: xoài, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, dừa, ca cao…

Trong đó, có khoảng 3.000ha dừa, với khoảng hơn 1.000ha ca cao trồng xen dưới tán dừa. Vũng Liêm thực hiện dự án trồng xen ca cao trong vườn dừa từ năm 2006. Từ năm 2008- 2011, diện tích ca cao của huyện liên tục được mở rộng: từ 100- 230 ha/năm. Tuy nhiên, năm 2012, 2013, chỉ tăng 50 ha/năm- không đạt kế hoạch. Riêng 6 tháng năm 2014, số lượng cây giống các hộ đăng ký trồng cũng mới đạt gần 42% kế hoạch.

Anh Luông cho biết thêm, theo dự án ca cao của tỉnh, nông dân trồng ca cao được hỗ trợ 30% chi phí cây giống. Mỗi hecta dừa, trồng xen được khoảng 400 cây ca cao. Chi phí bỏ ra khá thấp, kỹ thuật trồng cũng khá dễ dàng. Nếu chăm sóc tốt, mỗi cây ca cao có thể cho vài chục trái.

Trái ca cao được Công ty CP thương mại sản xuất Thảo Li- đóng trên địa bàn huyện Vũng Liêm thu mua. Tuy nhiên, giá bán ca cao những năm trước khá thấp: chỉ khoảng 2.000- 3.000 đ/kg, trong khi nông dân phải chở đến tận công ty hoặc một số điểm thu mua do công ty mở ở các xã.

Một số người còn cho biết, tại các điểm thu mua, giá còn bị “bóp” lại thêm 300- 500 đ/kg. Trong khi mỗi lần bán có thể chỉ vài ba ký, vài chục ký (do trồng số lượng ít) thì vừa tốn vừa lỗ tiền xăng nên… nản.

Theo các cán bộ nông nghiệp, chi phí bỏ ra để trồng ca cao rất ít, ít bón phân, chăm sóc. Chừng 2 năm thì có thể cho trái. Chăm sóc tốt sẽ cho ra trái sai và đồng loạt. Chừng 4- 5 năm thì cho trái ổn định. Từ đầu năm đến nay, giá ca cao tăng, khoảng 4.500- 4.700 đ/kg.
 
Với mức giá này, trồng xen ca cao trong vườn dừa có thể giúp tăng lợi nhuận khoảng 12- 15 triệu/ha/năm. Tuy nhiên, người dân vẫn không mặn mà. Một số người dân ở các xã Hiếu Nghĩa, Hiếu Thành… đang chạy theo các cây khác như cam sành, bưởi…

Dù vậy, vẫn có một số xã có nông dân trồng hiệu quả như Hiếu Nhơn, Trung Hiệp… Do đó, với dự án này, huyện sẽ tiếp tục đầu tư quy hoạch thành vùng. Đồng thời, sẽ cho làm điểm mô hình trồng hiệu quả. Hiện trừ xã Thanh Bình, Quới Thiện, các xã còn lại đều có trồng ca cao.

Thực tế cho thấy lợi nhuận được gia tăng trên một đơn vị diện tích mà cây ca cao mang lại phù hợp với các địa phương. Tuy nhiên, theo người dân việc tổ chức thu mua không thuận lợi kéo dài cùng sự bấp bênh về giá cả trong thời gian qua đã khiến loại cây dễ trồng này ở mức tiềm năng mà vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.

Dự án phát triển cây ca cao giai đoạn 2011- 2015 tập trung phát triển ở các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít và TX Bình Minh. Tổng kinh phí thực hiện hơn 12 tỷ đồng gồm hỗ trợ 30% chi phí mua cây giống chất lượng cao, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trồng cây ca cao, đồng thời theo dõi, giám sát kết quả thực hiện dự án.

Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT HIỀN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh