Biến đổi khí hậu thách thức ngành nông nghiệp

01:07, 22/07/2014

Theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên- Môi trường, nếu nước biển dâng thêm 1m thì 1/3 diện tích vùng ĐBSCL có thể bị ngập chìm, nước mặn xâm nhập sâu khoảng 100km, vào tới Cần Thơ. Và đáng lo hơn, nếu tình trạng này xảy ra, khi đó có tới 90% diện tích (3,5/3,9 triệu hecta) lúa ở ĐBSCL bị ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên- Môi trường, nếu nước biển dâng thêm 1m thì 1/3 diện tích vùng ĐBSCL có thể bị ngập chìm, nước mặn xâm nhập sâu khoảng 100km, vào tới Cần Thơ. Và đáng lo hơn, nếu tình trạng này xảy ra, khi đó có tới 90% diện tích (3,5/3,9 triệu hecta) lúa ở ĐBSCL bị ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường. Ảnh: Tư liệu

Lo ngại sản xuất

Những năm gần đây, khí hậu ĐBSCL có nhiều diễn biến khác thường, mùa nắng kéo dài với nhiệt độ cao, mùa mưa ngắn hơn nhưng diễn biến về lượng mưa khá phức tạp, gây lũ lụt thất thường, làm thiệt hại nhiều đến đời sống và sự an toàn của người dân.

Trước đây, việc ngập mặn chỉ xảy ra ở các tỉnh ven biển, nhưng những năm gần đây nước mặn đã xâm nhập vào sâu các tỉnh- thành nội địa như: TP Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.

Tại Bến Tre, ranh mặn 4‰ vào sâu 34- 38km trên sông Hàm Luông, Cửa Đại và Cổ Chiên. Ranh mặn 1‰ trên các sông chính đã lấn sâu vào đất liền 44- 50km. Còn ở tỉnh Hậu Giang tuy ở xa biển nhưng hàng năm nước mặn theo sông Cái Lớn và kinh xáng Xà No xâm nhập vào nhiều địa phương ở TP Vị Thanh, huyện Long Mỹ...

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh này, xâm nhập mặn trên địa bàn thường kéo dài suốt những tháng mùa khô, hàng năm có từ 12.000- 14.000ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Tỉnh đang triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống xâm nhập mặn như đắp cống đập thời vụ, giữ nước trên đồng phục vụ sản xuất.

Trong khi đó, từ năm 2008 đến nay, tình trạng khô hạn liên tục diễn ra cục bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, năm 2011 đã trực tiếp ảnh hưởng đến năng suất của 680ha lúa ở huyện Vũng Liêm. Mặn xâm nhập sâu trong nội đồng, độ mặn cao nhất thường vào cuối tháng 3, giữa tháng 4 và kéo dài đến cuối tháng 5.

Để ứng phó, tỉnh đã ban hành các kế hoạch và chương trình hành động; đề xuất với Trung ương nhiều dự án ưu tiên như: Dự án đê bao sông Măng Thít; Dự án quy hoạch chống ngập cho TP Vĩnh Long…

Theo dự báo của Bộ Tài nguyên- Môi trường, ước tính đến năm 2050, mực nước biển sẽ gia tăng thêm 33cm và đến năm 2100 sẽ tăng thêm 1m. Với nguy cơ này, Việt Nam sẽ chịu tổn thất mỗi năm khoảng 17 tỷ USD và ĐBSCL sẽ có khoảng 2 triệu hecta đất nằm dưới mực nước biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng.

Còn theo đánh giá tác động BĐKH của Viện Môi trường nông nghiệp, nếu không giải pháp thích ứng phù hợp như giải pháp về giống, biện pháp canh tác cũng như giải pháp công trình thì năng suất lúa từ năm 2020- 2050 giảm từ 0,033- 0,403 tấn/ha, ở cả vụ Đông Xuân và Hè Thu. Trong đó, năm 2030 tiềm năng sản xuất lúa có thể giảm 2,03 triệu tấn và đến 2050 có thể giảm đến 3,6 triệu tấn.

Nông nghiệp thích ứng BĐKH

Ngành nông nghiệp sẽ làm gì trong bối cảnh BĐKH diễn biến ngày phức tạp? Có rất nhiều hội thảo từ Trung ương đến các địa phương được tổ chức thời gian qua xoay quanh chủ đề này. Trong đó, mô hình “nông nghiệp xanh” được nhiều địa phương lựa chọn thực hiện, bởi bước đầu có thể “sống chung” với BĐKH.

Theo giải thích của PGS.TS Lê Văn Hòa, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Đại học Cần Thơ), nông nghiệp xanh, sạch là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như GlobalGAP, VietGAP. Khi nông dân áp dụng các tiêu chuẩn này sẽ đảm bảo an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, ít tác động đến môi trường, góp phần làm chậm lại quá trình BĐKH.

Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương trong vùng đã triển khai nhiều mô hình này như: “ruộng lúa bờ hoa”, “3 giảm, 3 tăng”, “cánh đồng mẫu lớn”, mô hình sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi heo… mang lại hiệu quả thiết thực.

Ở Vĩnh Long, từ những năm 2010, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo và triển khai sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP trên nhiều loại nông sản chủ lực như: cam, bưởi, chôm chôm,… Đến nay, tỉnh đã công nhận được hơn 13 cơ sở, vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và hơn 9 cơ sở đạt chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, vướng mắc của Vĩnh Long cũng như nhiều tỉnh- thành ở ĐBSCL là khó nhân rộng do mô hình đòi hỏi vốn đầu tư cao, trong khi nông dân gặp khó trong tiếp cận vốn vay ngân hàng. Mặt khác, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn còn lỏng lẻo; không gắn kết được lợi ích và trách nhiệm các bên tham gia…

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không chỉ nâng cao chất lượng nông sản, mà nói như PGS.TS Lê Văn Hòa “là hướng đi tất yếu để ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cao, tạo cơ hội để nông sản vươn ra toàn cầu”.

Vì vậy, những khó khăn thực tế này cần được giải quyết rốt ráo mới có thể tạo ra “cách mạng xanh” cho ngành nông nghiệp. Và để giải quyết hiệu quả, nhất thiết phải có sự nhập cuộc tích cực của các bộ, ngành, doanh nghiệp và nông dân.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh- Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), sản xuất nông nghiệp xanh hướng đến giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong canh tác lúa, giảm khí thải nhà kính là thực thi chính sách kép, mà cụ thể là việc áp dụng mô hình “1 phải, 6 giảm” sẽ giảm chi phí sản xuất trung bình từ 5- 10% nhờ cắt giảm được 40- 50% giống, giảm từ 15- 30% lượng phân, giảm 20- 40% lượng nước tưới, tăng năng suất từ 5- 10%, lợi nhuận mang lại cho nông dân cao hơn khoảng 10% và các lợi ích cho môi trường như giảm lượng khí thải, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, môi trường.


NGUYỄN HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh