Tái cơ cấu nông nghiệp từ thế mạnh: chăn nuôi bò

01:06, 18/06/2014

Đến nay tổng đàn bò trong huyện Vũng Liêm được 23.428 con, chiếm tỷ lệ 42,5% tổng đàn bò trong tỉnh, tỷ lệ bò lai sind đạt 87%. Qua đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho nông dân và tăng tỷ lệ trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đến nay tổng đàn bò trong huyện Vũng Liêm được 23.428 con, chiếm tỷ lệ 42,5% tổng đàn bò trong tỉnh, tỷ lệ bò lai sind đạt 87%. Qua đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho nông dân và tăng tỷ lệ trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Con bò đã chứng minh tính hiệu quả cao, trong việc phát triển kinh tế nông thôn Vũng Liêm.


Chuồng bò vỗ béo của cơ sở mua bán bò Năm Đực.

Đổi đời từ… con bò

Dù là địa phương không có thế mạnh về vùng nguyên liệu, đất đai hạn hẹp, nhưng Vũng Liêm đã phát triển đàn bò một cách liên tục và mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Có 2 nguyên nhân chủ yếu, trước tiên là do định hướng đúng của lãnh đạo, cũng như ngành nông nghiệp địa phương, đã có nhiều chương trình hỗ trợ người chăn nuôi; đồng thời tận dụng nhiều nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh chăn nuôi trong những hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Bên cạnh đó là sự phát triển tự phát trong người dân, vốn có truyền thống nuôi bò thịt, kinh doanh bò thịt.

Anh Võ Minh Triều- cán bộ nông nghiệp xã Thành Trung- cho biết: “Hiện xã có chương trình Heifer hỗ trợ cho nông dân 2,8 triệu đồng/con giống, đã triển khai được 9 con; chương trình Libre thì hỗ trợ 10 triệu đồng/con, từ 30/4/2014 đến nay đã triển khai được 20 con. Đối với chương trình Libre, khi bò cái đẻ con được 6 tháng, thì giao bò con lại cho hộ khác”.

Thành Trung có tổng đàn bò 1.759 con, đa số là giống bò chất lượng với trên 80% là lai Sind. Xã có 14ha chuyên trồng cỏ, ngoài ra tận dụng nguồn cỏ liếp, cỏ ruộng, cộng với nguồn rơm từ 880ha lúa, đủ đáp ứng thức ăn cho đàn bò hiện tại.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, rất nhiều hộ dân thoát nghèo, nhiều gia đình khá giàu từ vật nuôi đặc thù này. Các hộ khó khăn như: Thạch Ba, Phan Văn Sáu (ấp Trung Thạnh), Võ Thành Trung, Nguyễn Văn Hoàng (ấp Trung Xuân)…

Đặc biệt, ông Nguyễn Tấn Hiệp (ấp Trung Xuân) đã gầy được đàn bò lên đến 12 con. Để phát triển đàn bò, ông đã mua thêm 4 công đất, ngoài 6 công đất nhà để tăng diện tích trồng cỏ. Năm 2013, ông Hiệp vừa xây xong căn nhà trị giá trên 400 triệu đồng.

Anh Hiếu- con ông Lâm Văn Bé- đang chăm sóc bò con vừa được 3 ngày tuổi.

Ông Lâm Văn Bé (ấp Tân Khánh, xã Hiếu Phụng) chứng minh bằng con số cụ thể: Năm 2012, tôi được vay 20 triệu đồng, bù thêm 10 triệu đồng mua con nái; đến nay đã đẻ được 1 con 8 tháng tuổi, tổng trị giá của 2 con bò hiện giờ thấp nhất cũng được trên 60 triệu đồng. Như vậy, tôi dư trả vốn vay 20 triệu đồng, cộng lãi suất 8%/năm (nay đã giảm còn 7%/năm).

Hiệu quả thực tế đã rõ, cộng với vị thế của một huyện có tổng đàn bò chiếm gần nửa số đàn bò của tỉnh, Vũng Liêm đã có những kế hoạch dài hơi, tăng tỷ lệ đàn bò trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.

Thế mạnh đặc thù

Theo quy hoạch phát triển đàn bò giai đoạn 2014- 2016, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm đánh giá: Qua các dự án đã hỗ trợ cho huyện Vũng Liêm như dự án “Xã hội hóa phát triển đàn bò” nhầm nâng cao chất lượng giống bò của huyện giai đoạn 2007- 2010, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hỗ trợ 450 liều tinh bò Pháp chuyên thịt như Charolaise, Red Angus, Brahman nhằm nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn huyện. Do đó, việc phát triển đàn bò về đồng đều số lượng và chất lượng, cũng như không ngừng cải tạo giống.

Trong những năm qua, chương trình Heifer cũng đã đầu tư bò cái giống trên địa bàn các xã Trung Thành Đông, Trung Ngãi, Trung Nghĩa, Trung Thành với 98 bò cái giống và vốn sản xuất phụ 52 triệu đồng. Diện tích trồng cỏ toàn huyện là 556ha chưa kể tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm thức ăn cho bò.

Là người nuôi bò gần 15 năm nay, trong chuồng lúc nào cũng có từ 5 con nái, ông Phạm Văn Hữu- Bí thư Chi bộ ấp Tân Khánh- phân tích: Đối với người nghèo, nếu giao họ một cặp bò giống tốt, thì sau 2- 3 năm có thể họ trả được nợ và còn dư được số vốn khoảng 30- 40 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Hiếu Phụng Nguyễn Văn Phước Thiện cho rằng: Con bò là vật nuôi rất phù hợp với người nghèo, do chỉ tốn công mà không nặng chi phí thức ăn, giá cả ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Nhưng cái khó lớn nhất là đầu tư vốn ban đầu rất cao, khoảng từ 12- 15 triệu đồng; do đó cần có nguồn hỗ trợ.

Hiếu Phụng chỉ có đàn bò chưa đến 1.000 con, nhưng lại có nguồn bò hàng hóa dồi dào. Gần 10 cơ sở mua bán bò ở 2 ấp Hiếu Hiệp và Quang Phú, mỗi ngày tiêu thụ trên 30 con bò thịt và hàng chục con bò giống, đã góp phần thúc đẩy nghề chăn nuôi bò phát triển mạnh trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình bày tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý, sắp tới sẽ giao nguồn hỗ trợ Trung ương về cho địa phương chủ động, và không còn dàn trải nữa mà chỉ tập trung vào 2 chương trình lớn là: xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Việc giao vốn và giao cả cơ chế sẽ giúp cho địa phương chủ động, phát huy nguồn vốn Trung ương một cách phù hợp, hiệu quả.

Do đó, đối với mỗi địa phương, xác định được những mô hình hiệu quả, xác định thế mạnh đặc thù của từng vật nuôi, cây trồng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Đó là nền tảng để nông thôn không chỉ mãi hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mà chúng ta tin tưởng ở mục tiêu xa hơn, quyết liệt hơn là xóa đói “triệt” nghèo.

Mục tiêu chung của Vũng Liêm: Phấn đấu nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đến năm 2016 đạt 25%. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 32 triệu đồng/người/năm. Giải quyết việc làm cho một số lao động nhàn rỗi, tận dụng triệt để những phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm nguồn thức ăn cho bò.


Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh