Nông nghiệp- phát triển ngày càng bền vững

01:06, 17/06/2014

Không có “rừng vàng biển bạc” như nhiều tỉnh, thành khác, Vĩnh Long đã “tự tạo thế mạnh” bằng việc phân vùng phát triển thế mạnh cây ăn trái, xây dựng các mô chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hướng hiện đại.

Không có “rừng vàng biển bạc” như nhiều tỉnh, thành khác, Vĩnh Long đã “tự tạo thế mạnh” bằng việc phân vùng phát triển thế mạnh cây ăn trái, xây dựng các mô chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hướng hiện đại.

Khoai lang được ngành chức năng xúc tiến tìm thị trường tiêu thụ ổn định.

Sau 39 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nông nghiệp Vĩnh Long luôn giữ được tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 5%/năm, tiếp tục là “chỗ dựa” để phát triển kinh tế- xã hội.

Chuyển mình mạnh mẽ

Nhắc chuyện làm ruộng cách đây hơn 30 năm, anh Đinh Ngọc Định (thị trấn Long Hồ) không quên hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Thủy lợi gần như không có gì nên mùa nước nổi, cả vùng ngập chìm trong biển nước, nhiều nơi ngập sâu tới 1- 2m, chỉ còn biết ngồi bó gối nhìn trời. Mỗi công ruộng thu hoạch chừng 6- 7 giạ lúa, xem như “trời cho”.

“Hồi đó, làm vài công cực hơn 30 chục công ruộng tôi làm bây giờ vì chủ yếu làm bằng thủ công, dựa vào kinh nghiệm chứ có kỹ thuật gì đâu!”- anh Định so sánh. Còn bây giờ, làm lúa không cần lội ruộng. Thủy lợi, giống, khoa học kỹ thuật được Nhà nước đầu tư, hướng dẫn. Nhiều doanh nghiệp còn ký kết thu mua ngay tại đồng khi lúa còn trên cây.

Không chỉ có nông dân sản xuất lúa mà những nông dân làm vườn hay chuyên canh màu cũng thấy thuận lợi hơn trước rất nhiều. Điển hình như ở xã Phước Hậu (Long Hồ), hơn 30 năm trước nông dân chủ yếu trồng màu vào mùa nắng, đến mùa mưa, nước nổi đành ngâm đất, nghỉ ngơi.

Ông Trần Văn Hiền- Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hậu cho biết, hồi đó dân cư rất thưa thớt. Trước cảnh đời sống người dân còn nhiều khó khăn, một cuộc “cải cách” ngoạn mục khi tỉnh chủ trương đẩy mạnh khai hoang, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đã được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Nhờ vậy, đời sống người dân ngày một khá giả hơn.

 “Trước đây, đê bao không đảm bảo nên sản xuất năm ăn năm thua lắm. Từ khi Nhà nước đầu tư đê bao khép kín, diện tích trồng rau màu tăng thêm. Cùng với đó là phát triển giao thông nông thôn, thuận lợi cho đi lại, vận chuyển mua bán”- ông Hiền phấn khởi.

Chủ trương chuyển dịch, đưa rau màu trồng trên nền ruộng những năm gần đây đã tạo bước đột phá. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: trồng khoai lang ở huyện Bình Tân và TX Bình Minh, cho thu nhập từ 200- 300 triệu đồng/ha/năm; xà lách xoong ở TX Bình Minh cho thu nhập từ 72- 75 triệu đồng/ha/năm; vùng rau diếp cá thu nhập 170- 180 triệu đồng/ha/năm...

Phát triển thế mạnh riêng

Đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp” của Tỉnh ủy Vĩnh Long vừa ban hành đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững. Đây được xem như bước đi tạo đột phá cho ngành nông nghiệp tăng trưởng theo hướng hiện đại hóa trong tương lai.

Một số hàng nông sản ứng dụng công nghệ cao đang được tập trung quy hoạch là 100ha xà lách xoong ở xã Thuận An và 3.000ha bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, Đông Bình và Thuận An (TX Bình Minh); 5.000ha khoai lang ở xã Thành Đông, Tân Thành, Tân Lược (Bình Tân); 2.000ha cam sành ở xã Tường Lộc, Bình Ninh, Ngãi Tứ (Tam Bình) và vùng sản xuất giống cá tra thương phẩm ở các huyện Mang Thít, Long Hồ khoảng 100ha.

Nói về triển vọng cải xà lách xoong, ông Võ Hoàng Rôn- Chủ nhiệm Hợp tác xã Cải xà lách xoong an toàn Thuận An, nói: “Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên diện tích trồng tăng đáng kể, không chỉ tập trung ở Thuận An mà còn ở Đông Bình”.

Cũng theo ông, những năm gần đây, giá xà lách xoong trung bình bán ra thị trường ổn định từ 30.000- 32.000 đ/kg, trừ chi phí người trồng lời mỗi công từ 20- 25 triệu đồng. Nhãn hiệu tập thể “xà lách xoong Bình Minh” thật sự là niềm tin để cây cải nơi đây mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trà Ôn có tiếng với trái chôm chôm qua các hội thi trái ngon. Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Lập- xã viên Hợp tác xã Chôm chôm Java Tân Khánh (xã Tích Thiện): “Nếu không đầu tư xây dựng thương hiệu, xây dựng hợp tác xã kịp thời e rằng khó lòng mở rộng sản xuất”.

Nói tới Vũng Liêm là phải nói tới cây lác, đã hình thành cả một làng nghề xe lõi với hàng trăm hộ tham gia và một đội ngũ thương lái “chuyên doanh” lác, góp phần tạo công việc cho lao động nông nhàn, thu nhập ổn định. Phát huy thế mạnh của đất phù sa cù lao Thanh Bình, Quới Thiện, huyện còn mạnh về kinh tế vườn.

Các loại cây chủ lực là chôm chôm, xoài, sầu riêng, măng cụt, bòn bon, luôn đạt trên 50 triệu đồng/ha. Vũng Liêm cũng mạnh dạn thí điểm xen canh ca cao trong vườn dừa, đàn bò vừa nhiều vừa tốt, tạo “thương hiệu” cho cả vùng.

Giai đoạn 2011- 2015, Vĩnh Long xác định mục tiêu là tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành nông nghiệp cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể mang tính đồng bộ như, củng cố và quy hoạch thủy lợi, quy hoạch vùng chuyên canh đều phải gắn với nhu cầu của thị trường và gắn với tình hình biến đổi khí hậu; ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học để hạn chế dịch bệnh; chú trọng khuyến khích các mô hình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh, ngành cũng có chính thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chính sách đào tạo nguồn nhân lực.

Sở Nông nghiệp và PTNT đang kết hợp với Sở Công thương hỗ trợ các hợp tác xã quảng bá thương hiệu 4 mặt hàng nông sản thế mạnh gồm: bưởi Năm Roi, chôm chôm, xà lách xoong Bình Minh và khoai lang Bình Tân. Đồng thời xây dựng các dự án khuyến khích thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, kho lạnh bảo quản gắn với vùng nguyên liệu để nâng cao giá trị.


Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh