Kỳ cuối: Cơ hội phát triển mô hình khoai lang khép kín

01:06, 05/06/2014

Nếu lá khoai lang cũng có thể bán được với giá có lợi cho người trồng thì đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp ở nước ta. Đây là lĩnh vực mà chúng ta có thể khai thác để tạo thêm thu nhập cho nông dân trong bối cảnh hàng hóa nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

>> Kỳ 1: Rộ lên những tin đồn!

>> Kỳ 2: Khoai lang- cái lá cũng có giá


Nếu lá khoai lang cũng có thể bán được với giá có lợi cho người trồng thì đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp ở nước ta. Đây là lĩnh vực mà chúng ta có thể khai thác để tạo thêm thu nhập cho nông dân trong bối cảnh hàng hóa nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Vấn đề còn lại là việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ lá khoai lang như thế nào để đảm bảo có hợp đồng tiêu thụ dài hạn, tránh tình trạng tranh mua, giành bán và nhất là việc đề phòng kẻ xấu lợi dụng để phá rối nền kinh tế của Việt Nam ta như đã từng xảy ra trước đây.

Nhân công đang lựa và cho lá khoai vào bao.

Hướng đến nền nông nghiệp xanh

Khoai lang là rau màu dài ngày trồng lấy củ, vốn rất quen thuộc với nông dân. Những năm gần đây, nó đã trở thành cây trồng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng- nhất là ở Bình Tân (Vĩnh Long). Ở miền Bắc, sau khi thu hoạch củ thì lá khoai lang được dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ phân hữu cơ, còn ở miền Nam thì phần lớn lá khoai bị bỏ đi.

Nếu sản phẩm lá khoai lang được thị trường chấp nhận và có đầu ra ổn định thì việc bán được lá khoai lang sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho vùng chuyên canh khoai lang ở huyện Bình Tân.

Theo tính toán thì việc trồng khoai lang lấy lá sẽ đơn giản và chi phí cũng thấp hơn rất nhiều so với việc trồng khoai lấy củ, như nông dân không cần tốn công cuốc vồng; chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sẽ thấp hơn, thời gian thu hoạch lá sẽ kéo dài nếu biết chăm sóc đúng kỹ thuật. Nông dân cũng có thể kết hợp vừa trồng khoai lấy lá và cả củ khi biết cách cắt tuyển lá ở thời điểm
thích hợp.

Việc thu gom lá khoai lang sẽ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, góp phần ổn định kinh tế- xã hội do khi thu gom lá sẽ làm giảm đáng kể (30- 40%) lượng tồn dư thuốc BVTV còn trong đất, hạn chế ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh qua các vụ. Đồng thời cũng nhẹ công cho người thu hoạch, không cần phải dọn quá nhiều phế phẩm của cây khoai trước khi thu hoạch củ.

Nếu tìm được cách để chế biến thân dây khoai lang (có thể làm thức ăn gia súc, hay ủ làm phân bón…) thì mô hình sản xuất khoai lang ở Bình Tân sẽ gần như khép kín, hướng đến nền nông nghiệp xanh trong tương lai.

Góp phần tăng thu nhập cho nông dân

Chúng tôi đã tìm đến chủ ruộng là ông Võ Văn Chiến (xã Tân Hưng). Ông cho biết ruộng khoai của ông sắp đến ngày thu hoạch sẽ phát bỏ dây khoai, lá khoai cũng không dùng để làm gì được nên khi thấy anh Trung muốn xin lá khoai để thu gom xuất bán thử thì ông đồng ý.

Ông Chiến cũng chia sẻ thêm: “Thấy lá khoai đến ngày thu hoạch cũng bỏ nên ông cho anh Trung thu gom, giúp cho bà con ở địa phương có thêm công ăn việc làm để tăng thu nhập”.

Ở gần đó, ông Đoàn Văn Út có ruộng khoai cũng đến ngày thu hoạch. Thấy anh Trung thu gom chưa đủ nên đề nghị cho lá khoai lang. Còn anh Nguyễn Hoàng Anh (nông dân trồng khoai ở xã Tân Thành) cho biết: “Đến ngày thu hoạch thì phát dây và lá bỏ để thu hoạch củ, bán rau còn không ai mua. Giờ có người đi xin thì cho, đỡ tốn công thu gom lá khoai trên ruộng mà còn giúp bà con ở địa phương có công ăn việc làm”.

Các nông dân trồng khoai này cũng cho biết là: Trước giờ chưa từng thấy có người Trung Quốc nào đến hỏi mua đọt lá khoai lang, chỉ nghe tin đồn và các cơ quan báo chí đưa tin như vậy thôi. Chỉ có anh Trung hỏi xin lá khoai lang đến ngày thu hoạch thì họ mới cho chứ nếu hỏi mua lá mà lúc khoai đang nuôi củ thì họ cũng không bán.

Hàng ngày, nhóm nhân công của anh Trung có trung bình khoảng 50- 60 người đi hái lá khoai, có ngày lên đến cả trăm người. Trung bình mỗi ngày nhóm nhân công của anh thu gom được từ 1,2- 2 tấn lá khoai lang tươi.

Anh Mai Văn Đệ (xã Tân Bình)- nhân công thu gom lá khoai cho biết: Anh Trung đi hỏi chủ ruộng để xin lá khoai sau đó thông báo cho nhân công đến thu gom, trung bình mỗi ngày anh thu nhập được khoảng 150.000đ.

Anh Phan Khắc Trung chia sẻ: “Dựa vào mối quan hệ của mình, tôi tìm đến các chủ ruộng khoai đã đến ngày thu hoạch để xin lá khoai lang. Sau đó thuê nhân công đến ruộng khoai đó để hái lá khoai với giá 4.500 đ/kg lá khoai, thu nhập mỗi người không dưới 130.000 đ/ngày, còn nhân công lựa lá vô bao là 150.000 đ/người/ngày. Sau khi sơ chế vô bao, những lá khoai này sẽ được vận chuyển lên một công ty ở TP Hồ Chí Minh để chế biến và đóng gói xuất sang Pháp với đơn hàng 12 tấn”.

Anh Trung cũng cho biết, anh kết hợp với ông Trần Văn Sang- Giám đốc Công ty Rau quả Bình Minh để thu gom lá khoai lang, cung cấp cho một công ty chế biến và xuất khẩu nông sản khác.

Đây là đợt thu gom thứ hai, lần đầu anh Trung tiến hành thu gom vào thời điểm từ 16/2-25/2/2014 (trùng với thời điểm rộ lên tin đồn có thương lái Trung Quốc thu mua đọt và lá khoai lang) với số lượng 15 tấn tại xã Tân An Thạnh và đã xuất hàng đi. Đến tháng 4/2014, công ty chế biến yêu cầu anh thu gom thêm 12 tấn lá khoai để tiếp tục xuất hàng đi và anh đang tiến hành thu gom từ ngày 9/4 tại các xã Tân Thành, Tân Bình và Tân Hưng.

Nỗi lo về dư lượng thuốc BVTV

Chúng ta biết, Châu Âu là thị trường rất khó tính về độ an toàn vệ sinh thực phẩm và nếu như người dân Châu Âu có sử dụng lá khoai lang để làm thức ăn thì việc kiểm tra về dư lượng thuốc BVTV là điều chắc chắn phải được thực hiện. Do đó, cần đảm bảo thời gian cách ly thuốc BVTV để tránh thuốc BVTV lưu tồn trên lá khoai lang.

Hiện tại Bình Tân đã xây dựng được mô hình “Cánh đồng mẫu khoai lang” sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cách sử dụng thuốc BVTV đúng quy định và đảm bảo thời gian cách ly.

Nếu công ty thu gom và chế biến lá khoai lang tham gia thu mua lá khoai ở mô hình này sẽ góp phần hạn chế dư lượng thuốc BVTV trong lá khoai lang so với việc đi thu gom đại trà ở những vùng trồng khoai lang ngoài mô hình này nhằm làm tăng chất lượng và giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc duy trì và nhân rộng mô hình này trong thời gian tới là rất cần thiết nhằm có thể cung cấp được lá khoai lang đảm bảo an toàn cho tiêu chuẩn xuất khẩu.

ThS. NGUYỄN VĂN LIÊM - KS. NGUYỄN CÔNG DANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh