Kể từ năm 2014, mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL đã phát triển và trở thành cánh đồng lớn (CĐL) trên 100.000ha, tăng 34.000ha so năm 2013. Mô hình tăng thu nhập cho nông dân cao hơn từ 2,2- 7,5 triệu đồng/ha so sản xuất ngoài mô hình. Tuy nhiên, vấn đề liên kết “4 nhà”, tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân… tiếp tục là “chướng ngại vật” để nhân rộng mô
Kể từ năm 2014, mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL đã phát triển và trở thành cánh đồng lớn (CĐL) trên 100.000ha, tăng 34.000ha so năm 2013. Mô hình tăng thu nhập cho nông dân cao hơn từ 2,2- 7,5 triệu đồng/ha so sản xuất ngoài mô hình. Tuy nhiên, vấn đề liên kết “4 nhà”, tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân… tiếp tục là “chướng ngại vật” để nhân rộng mô hình thời gian tới.
Sản xuất lúa gạo- “4 nhà” chưa ngồi chung thuyền.
Tại hội thảo CĐL do BCĐ Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn tổ chức vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, ĐBSCL hoàn toàn có thể hạ thấp giá thành sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị lúa gạo trong khi lợi nhuận thu được vẫn đảm bảo.
Phương thức sản xuất theo mô hình CĐL, với sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân là tiền đề để thực hiện mong muốn này.
PGS.TS Phạm Văn Dư- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, các tiêu chí về chất lượng lúa để doanh nghiệp thu mua chưa được công bố, việc sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp chưa phổ biến là những nguyên nhân tạo mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa tốt.
Để xây dựng tốt mối liên kết này, theo PGS.TS Phạm Văn Dư, về phía nông dân cần sản xuất lúa theo đúng quy trình của CĐL, cam kết luôn đảm bảo đủ sản lượng lúa theo đơn đặt hàng. Còn về doanh nghiệp, phải cam kết mua đúng thời điểm, đảm bảo giá cả phù hợp.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ- Phó Trưởng Khoa PTNT (Đại học Cần Thơ): “Liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp phải được thực hiện một cách chặt chẽ và hài hòa giữa “cần” và “lợi” trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau, cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm.
Đây là giải pháp giúp tăng cường trách nhiệm, duy trì mối liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi và cũng là con đường đưa nông dân thoát nghèo, vươn lên cải thiện đời sống”.
Doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong thực hiện mô hình CĐL nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp thu mua, không có các hợp đồng thu mua với giá cao hơn thị trường thì không thể nâng cao tính tự giác của nông dân trong việc thực hiện đúng quy trình canh tác nhằm đảm bảo chất lượng hạt gạo.
Doanh nghiệp cũng cần phải có nguồn nguyên liệu thu mua ổn định về số lượng, chất lượng… Hơn hết, nông dân và doanh nghiệp cần có sự ràng buộc bằng pháp lý. Bởi những vụ “bẻ kèo” trong giao dịch thương mại giữa nông dân và doanh nghiệp thời gian qua giải quyết thường không mang lại kết quả cao.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, doanh nghiệp đầu tư vào CĐL cần sớm có kế hoạch để các hợp tác xã chủ động trong sản xuất và vận động xã viên tham gia, yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết như nhà kho, lò sấy, máy gặt đập liên hợp... để thu mua lúa được nhanh chóng và thuận lợi.
Theo ông Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cả nước hiện có 150 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Do vậy, ông đề xuất Chính phủ cần có chính sách để các doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu riêng.
Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp này vốn đầu tư giống lúa, phân bón và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa cho nông dân. Làm như thế nông dân sản xuất an tâm đầu ra, lúa sản xuất đồng loạt một loại giống, đủ tiêu chuẩn và chất lượng xuất khẩu; doanh nghiệp từng bước xây dựng được thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
Tạo điều kiện nông dân mạnh dạn tham gia, mở rộng CĐL đến 2015 đạt từ 3.500- 4.000ha, năm nay ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đầu tư khoảng 11 tỷ đồng xây dựng hạ tầng đồng ruộng cho CĐL tại 5 xã: Tân An Luông (Vũng Liêm), Mỹ Lộc (Tam Bình), Hòa Phú (Long Hồ), Xuân Hiệp (Trà Ôn) và Đông Thạnh (TX Bình Minh). Các hạng mục được xây dựng gồm kiên cố cống đập, đê bao, thủy lợi nội đồng, trạm bơm,… |
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin