Từ cánh đồng thu lợi 30 tỷ đồng/năm đến nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

01:05, 18/05/2014

Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế.

Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế.

Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng, cũng như tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu…

Đó là những vấn đề đặt ra tại hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao” do Báo Nhân Dân phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ATE) tổ chức tại Hà Nội ngày 15/5.

“Bà đỡ” của nền kinh tế

Gần 3 thập kỉ qua, nông nghiệp Việt Nam thực sự là “bà đỡ” cho nền kinh tế, điều này thể hiện rất rõ trong những giai đoạn khủng hoảng kinh tế và càng minh chứng cho một thực tế đã được tổng kết từ lâu đời “phi nông bất ổn”.

Nếu như trước năm 1988, Việt Nam triền miên đói kém, phải nhập khẩu lương thực thì từ khi “Khoán 10” đi vào cuộc sống, chúng ta không chỉ đủ cơm ăn, mà còn có tích lũy để xuất khẩu.

Chỉ tính trong 20 năm gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 76 triệu tấn gạo, thu về 22 tỉ USD - đây là kết quả sức ấn tượng với một đất nước từng có nhiều năm liên tục phải nhập khẩu lương thực.


Ứng dụng tự động hóa và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Xuân Dương.

Thành tựu là vậy, nhưng tại Hội thảo, nhiều ý kiến đã nêu ra không ít thách thức với nền nông nghiệp Việt Nam sau khi ra nhập WTO và tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực, song phương.

Giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện không cao, khả năng cạnh tranh bị hạn chế và thu nhập của người nông dân còn thấp, trong khi chúng ta có đến 15 triệu hộ nông dân; đời sống của người nông dân, đặc biệt là những hộ trồng lúa còn gặp nhiều khó khăn.

Ngành trồng lúa đã vậy nhưng ngành chăn nuôi và trồng trọt cũng có nhiều vướng mắc. Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, ngành chăn nuôi đã có sự thay đổi khá mạnh từ năm 2000 đến 2005, đạt đến mức 20% trong cơ cấu chung của ngành nông nghiệp, nhưng đến nay lại vẫn quanh quẩn ở mức 19%.
 
Với ngành trồng trọt, nhiều nhóm sản phẩm xuất khẩu đạt kim ngạch lên đến hàng tỉ USD nhưng trớ trêu thay, chúng ta nhập khẩu ngày càng nhiều hơn trái cây, rau quả, ngũ cốc và nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi…
 
Sự quẩn quanh, thậm chí bế tắc trong việc “trồng cây gì, nuôi con gì” khiến người nông dân lao đao. Lúc thì ồ ạt trồng điều, đến khi điều mất giá lại ào ào chặt bỏ; tiếp đó lại đến trồng – phá dừa, trồng – phá mía…

Và mới đây nhất, vì thiếu cách thức xuất khẩu bài bản bền vững và quy hoạch cây trồng mà những đoàn xe chở dưa hấu dài hàng cây số cứ nối đuôi nhau tại những con đường cửa khẩu phía Bắc…
 
Được mùa mất giá, được giá mất mùa là điệp khúc buồn và đầy trăn trở từ nhiều năm qua chưa có giải pháp tổng thể để chấm dứt.

Chuyện hoa Đà Lạt bảo quản được 5 năm và thương hiệu sữa TH – cần những chính sách hữu hiệu để nhân rộng mô hình hiệu quả

Một ví dụ được nêu ra tại Hội thảo đã đặt ra nhiều suy ngẫm về nhu cầu và hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao giá trị và đa dạng sản phẩm ngành hoa Đà Lạt.


Trồng rau sạch tại một nông trại hiện đại. Ảnh: Xuân Dương.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt.

Năm 2006, công ty này cử người sang Nhật Bản học hỏi công nghệ sản xuất, sấy khô để tăng độ bền của hoa. Sau 2 năm nghiên cứu, Công ty đã thành công trong việc sản xuất hoa sấy khô, hay còn gọi là “hoa tươi bảo quản”, với màu sắc không khác hoa thật và độ bền lên tới 3 – 5 năm, giá trị hoa sấy khô cao gấp 5 – 10 lần so với hoa tươi cắt cành.

Hiện nay, ngoài việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước, Công ty còn xuất khẩu các sản phẩm hoa sấy khô sang một số thị trường khó tính nhất thế giới, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan… Nhờ kết quả đó, gần 500 lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, Công ty đã tạo ra bước đột phá về doanh thu 30 tỷ đồng/ha đất nông nghiệp/năm.

Ngoài ví dụ Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã xuất hiện một số mô hình theo hướng sản xuất quy mô lớn, tăng cường tính liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại một số địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Thái Nguyên... và bước đầu đã được thực tế kiểm nghiệm có hiệu quả.

Cũng tại Hội thảo, bà Thái Hương, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, đưa ra một ví dụ khiến nhiều người phải ao ước cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Israel là quốc gia có diện tích chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An của Việt Nam và chỉ có 2,5% dân số làm nông nghiệp, nhưng mỗi năm họ xuất khẩu khoảng 3 tỉ USD nông sản và là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Với những trăn trở đó, bà Thái Hương đã góp phần tạo nên thương hiệu sữa TH được người tiêu dùng tín nhiệm. Bà Thái Hương tâm đắc với phương châm “Trí tuệ Việt + Tài nguyên thiên nhiên Việt + Công nghệ đầu – cuối” của thế giới, đồng hành cùng các doanh nghiệp có đủ TÂM – TRÍ – LỰC, sẽ tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong nông nghiệp, góp phần vào những thành tựu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Dự và chủ trì hội thảo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Thuận Hữu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đều khẳng định yêu cầu, tính cấp thiết trong việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, nhằm tạo ra một “Cuộc cách mạng nông nghiệp mới”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Tái cơ cấu là một cuộc cách mạng, một cuộc đổi mới trong nông nghiệp. Mọi chính sách phải đi vào cuộc sống, thấm sâu vào 15 triệu hộ nông dân. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định vai trò nông nghiệp và yêu cầu đổi mới, tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong tình hình mới.

Theo CAND Online

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh