Năm 2012, UBND tỉnh đồng ý cho Viện Lúa ĐBSCL phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long triển khai thực hiện đề tài “Chọn lọc giống khoai lang mới và xây dựng vùng sản xuất giống tại huyện Bình Tân- Vĩnh Long”.
Vĩnh Long khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến khoai lang.
Năm 2012, UBND tỉnh đồng ý cho Viện Lúa ĐBSCL phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long triển khai thực hiện đề tài “Chọn lọc giống khoai lang mới và xây dựng vùng sản xuất giống tại huyện Bình Tân- Vĩnh Long”.
Tại 2 buổi hội thảo diễn ra gần đây, ngoài báo cáo của đề tài trong việc tìm được một số giống khoai mới triển vọng thì vấn đề thị trường tiêu thụ những giống này cũng đặc biệt được quan tâm.
Tránh phụ thuộc thị trường
Qua điều tra của đề tài, hiện có khoảng 20 điểm thu mua khoai lang dọc Quốc lộ 1 thuộc TX Bình Minh và huyện Bình Tân, nhưng chủ yếu do thương nhân nước ngoài trực tiếp đưa ra quy cách, giá cả để thương lái người Việt thu mua phân loại, rồi xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Theo chị Lê Thị Ngọc Yến- thương lái chuyên thu mua khoai lang xuất khẩu ở Bình Tân, do việc mua bán phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên nông dân thường chịu thiệt. Những lúc thị trường này hút hàng thì giá tăng cao, ngược lại giá cả luôn mức thấp.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu, mới đây chị Yến đã chào hàng sang thị trường Malaysia, mức lời lên đến 40%, tuy nhiên nhu cầu thị trường này chỉ cần khoảng 20 tấn khoai/tuần, nên chị đành quay lại với thị trường Trung Quốc dù mức lời chỉ khoảng 20% nhưng xuất bán 25 tấn/ngày.
Theo ông Trần Văn Sơn- Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long, nói khoai lang không có đầu ra là không đúng vì hiện có rất nhiều thị trường cấp cao như Nhật Bản, Hàn Quốc sẵn sàng mở cửa nhập khoai lang Việt
“Chúng ta cần kế hoạch dài hơi trong việc quy hoạch vùng trồng, chọn những giống chất lượng kết hợp công nghệ chế biến để tiếp cận thị trường mới mong nâng cao giá trị khoai lang.”- ông Trần Văn Sơn đề xuất.
Trong khi đó, qua tìm hiểu, sau khi khoai lang Bình Tân có nhãn hiệu, Hội Nông dân huyện này đã trao quyền cho Công ty CP Khoai lang Nhật Thành (xã Thành Đông) được dán nhãn hiệu vào củ khoai trước khi xuất khẩu.
Theo đó, ngoài thị trường Trung Quốc, tới đây những lô hàng khoai lang đầu tiên kèm theo nhãn hiệu được chào hàng sang thị trường Hàn Quốc, Nhật
Trước đó, theo ông Huỳnh Ngọc Có- Giám đốc Công ty CP Khoai lang Nhật Thành, một công ty ở Hàn Quốc đã đến vùng khoai lang Bình Tân để tìm hiểu tình hình sản xuất và đặt vấn đề hợp đồng thu mua khoai lang.
“Về lâu dài họ đòi hỏi phải qua khâu sơ chế, đóng gói nhưng trước mắt vẫn chấp nhận cho nhập khẩu khoai thô vào thị trường này. Ngoài Hàn Quốc,
Xây dựng mạng lưới giống chất lượng
Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao giá trị, phát triển vùng khoai lang hướng bền vững, ngành nông nghiệp cần làm “từ gốc” bằng việc quy hoạch vùng sản xuất giống chất lượng.
GS. TS. Nguyễn Thị Lang- Viện Lúa ĐBSCL, Chủ nhiệm đề tài “Chọn lọc giống khoai lang mới và xây dựng vùng sản xuất giống tại huyện Bình Tân- Vĩnh Long” cho biết:
Vụ Hè Thu 2012 và vụ Đông Xuân 2012- 2013, Viện Lúa ĐBSCL đã đưa hơn 30 giống khoai lang ở nhiều nơi về sản xuất ở Bình Tân. Đề tài đã tiến hành đánh giá hiện trạng sản xuất khoai lang tại 100 hộ trồng; điều tra đi sâu và tập trung vào vấn đề giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, các loại sâu bệnh hại chính và thị trường tiêu thụ khoai lang…
Qua sản xuất, đề tài đã tạo ra được một số giống khoai có triển vọng như OMKL4, OMKL6, khoai tím Nhật Hưng Lộc. Đặc biệt các giống lai như OMKL13, OMKL18,… ngoài năng suất cao, khoai có màu tím đậm hơn cả khoai lang tím Nhật và đang được chào hàng xuất khẩu.
“Vĩnh Long phải tự lo cho mình. Bởi, biết đâu chừng vài năm tới các địa phương lân cận sẽ quy hoạch, chuyển đổi cây trồng không sản xuất khoai lang giống, lúc đó sẽ có nguồn giống tại chỗ.”- GS. TS. Nguyễn Thị Lang nói về sự cần thiết việc xây dựng vùng sản xuất khoai lang giống.
Ông Nguyễn Trọng Danh- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Trước đây nông dân không “mê” giống tại địa phương bởi các giống chưa đảm bảo chất lượng. Điều này, hoàn toàn có thể khắc phục nếu sau khi triển khai đề tài, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư thực hiện những mô hình trình diễn mẫu, đạt hiệu quả để nhân rộng thu hút nông dân sử dụng”.
Hướng tới xây dựng mạng lưới giống chất lượng tại huyện Bình Tân.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngoài việc phối hợp mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đề xuất, chọn lựa khu vực quy hoạch, đất đai phù hợp sản xuất giống có chất lượng phục vụ không chỉ cho riêng Vĩnh Long mà cả ĐBSCL; tổ chức những chuyến học hỏi kinh nghiệm tại những địa phương có kinh nghiệm sản xuất giống.
“Chúng ta đã xây dựng được cánh đồng lúa xác nhận, góp phần đáng kể gia tăng sản lượng. Trong khi khoai lang những năm qua được xác định là cây xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, hoàn toàn có thể xây dựng cánh đồng khoai lang giống xác nhận, giống khỏe như cây lúa để tăng năng suất, chất lượng và hạn chế sâu bệnh.”- Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm khẳng định.
Sau khi được sự gợi ý của GS. TS. Nguyễn Thị Lang, chị Lê Thị Ngọc Yến cho biết, sắp tới sẽ chào hàng những giống khoai lang mới chọn lọc sang một số thị trường mới. Nếu được ưa chuộng, sẽ tiếp tục ký hợp đồng mua bán lâu dài.
Đề tài hướng tới chọn lọc 1- 2 giống mới, có năng suất, phẩm chất tốt, đồng thời xây dựng mạng lưới giống từ 20- 50ha tại huyện Bình Tân nhằm phục vụ sản xuất tại chỗ. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin