Kỳ cuối: Mô hình kinh tế hợp tác sáng giá đầu tiên!

07:05, 22/05/2014

Chuyện ra đời của Tổ dịch vụ sản xuất lúa trọn gói không phải ngẫu nhiên có, mà là quá trình “thai nghén” ấp ủ qua hàng chục năm- kể từ khi các tập đoàn sản xuất, hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp kiểu cũ đồng loạt bị tan rã hồi đầu những năm 1980. Vậy nên đây là mô hình kinh tế hợp tác sáng giá đầu tiên sau 35 năm.

>> Kỳ 1: Mới, lạ chuyện làm ruộng “trọn gói”

Chuyện ra đời của Tổ dịch vụ sản xuất lúa trọn gói không phải ngẫu nhiên có, mà là quá trình “thai nghén” ấp ủ qua hàng chục năm- kể từ khi các tập đoàn sản xuất, hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp kiểu cũ đồng loạt bị tan rã hồi đầu những năm 1980. Vậy nên đây là mô hình kinh tế hợp tác sáng giá đầu tiên sau 35 năm.


Nhà khoa học, nhà nông dõi theo từng thời gian sinh trưởng của cây lúa.

Biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh của dân- chắc chắn thắng lợi!

“Để có được mô hình hay, hoạt động hiệu quả, điều đầu tiên là phải có nhân vật “đầu tàu”. Tổ sản xuất lúa trọn gói ở Ấp 9 cũng vậy! Thành công và hiệu quả mang lại với công đầu đóng góp lớn thuộc về ông Nguyễn Văn Trọng (Mười Trọng)- Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp”- Đó là lời đánh giá chân tình, thẳng thắn của lãnh đạo Đảng ủy xã Mỹ Lộc (Tam Bình).

Ông Trọng chia sẻ:
 
“Tôi là người học vấn không cao, chỉ có được 15 năm kinh nghiệm hoạt động ở Hội Nông dân cơ sở, rồi thêm chừng ấy thời gian nữa làm cán bộ nông nghiệp của xã.
 
Khi quy hoạch đội ngũ cán bộ cho bộ máy hành chính xã, mình không đạt tiêu chuẩn về học vấn, không còn đủ tuổi đời để bố trí chức danh mới, nên được điều động về làm Bí thư chi bộ ấp và được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng ấp trong suốt 6 năm qua.
 
Từ mô hình sản xuất nông nghiệp tập thể theo kiểu cũ, tôi thấy: dù có cố gắng cỡ nào thì mức độ thành công vẫn là không đáng kể.

Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) Nguyễn Văn Dũng: “Lực lượng trẻ bây giờ đa phần đi tìm việc làm và lao động ở các trung tâm, thành phố lớn, còn lại nông thôn chủ yếu là người lớn tuổi, từ 45- 50 trở lên. Nhiều hộ chỉ còn 2 ông bà già ở lại, nên họ đã chọn phương án chuyển đổi cây lúa để lên liếp trồng dừa, vú sữa, mít Thái hoặc cho mướn ruộng…”
Hơn nữa, bức xúc trước tình hình thực tế thiếu nhân công trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tôi đã rất trăn trở, suy nghĩ và mạnh dạn lập nên Tổ sản xuất lúa trọn gói này trên cơ sở vận động sự tự nguyện của nông dân cùng những người có phương tiện, thiết bị phục vụ sản xuất…
 
Và kinh nghiệm mấy mươi năm tham gia bộ máy chính quyền cấp xã cho thấy: mọi phong trào cách mạng đều phải xuất phát từ ý nguyện của dân, Đảng là người tổ chức tập hợp để tạo nên sức mạnh mới; nếu biết dựa vào dân, phát huy được sức mạnh của dân thì chắc chắn sẽ thắng lợi!”

Là mô hình sáng giá dễ nhân rộng!

Chuyện ra đời của Tổ dịch vụ sản xuất lúa trọn gói không phải ngẫu nhiên có, mà là quá trình “thai nghén” ấp ủ qua hàng chục năm- kể từ khi các tập đoàn sản xuất, HTX sản xuất nông nghiệp kiểu cũ đồng loạt bị tan rã hồi đầu những năm 1980.

Trong khi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải xây dựng một nền kinh tế sản xuất lớn, hiệu quả. Vì vậy gần 35 năm trôi qua, xuyên suốt nghị quyết các nhiệm kỳ của Đảng luôn đề ra nhiệm vụ: đó là phải duy trì, phát triển kinh tế tập thể, bởi đây là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền kinh tế quốc dân.

Đặc biệt, Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa IX đã ra hẳn hoi một Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Sau gần 12 năm triển khai thực hiện, Vĩnh Long đã có 111 HTX, 1 liên hiệp HTX với hơn 7.300 xã viên và 1.883 tổ hợp tác, với gần 66.000 hộ thành viên tham gia.

Trong này có 35 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô của các HTX này đa phần còn quá nhỏ và hiệu quả hoạt động đem lại chưa cao. Đặc biệt, chất lượng của các HTX nông nghiệp chưa đạt được sự kỳ vọng của Đảng cũng như chưa phù hợp với nguyện vọng của người dân.

Ông Nguyễn Thanh Bình- Trưởng Phòng Kinh tế hợp tác và trang trại, Chi cục PTNT Vĩnh Long nhận định:
 
“Đây là mô hình đầu tiên của tỉnh được tổ chức đúng theo sự chỉ đạo của Trung ương.
 
Sau 2 năm hoạt động thực tiễn, đến tháng 8/2013, Tổ sản xuất lúa trọn gói Ấp 9 (xã Mỹ Lộc) đã được tỉnh công nhận là Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp điển hình và được xem là sự khởi nguồn cho hình thức kinh tế hợp tác mới tại địa phương.

Bởi đây là đơn vị hoạt động theo phương thức hạch toán, thu- chi, lời- lỗ rõ ràng, từng bộ phận tuy hạch toán độc lập nhưng vẫn cùng tổng hợp, hưởng chung các quyền lợi như một HTX thu nhỏ.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 2.000 tổ hợp tác, nhưng đa phần còn ở dạng chung chung, mới chỉ dừng lại ở hình thức môi giới là chính chứ chưa đứng ra tổ chức sản xuất như thế này.

Qua khảo sát thực tế, người dân cũng như ngành chức năng chúng tôi đánh giá cao hình thức tổ chức này. Và làm sao để nhân rộng thêm nhiều tổ sản xuất như thế trên địa bàn tỉnh là công việc các ngành, các cấp cần tập trung tính đến!”

Khi nói đến hình thức kinh tế hợp tác, những người am hiểu về lĩnh vực này đều có chung nhận định: Hình thức sản xuất tập đoàn ngày xưa mang nặng tính cào bằng, lực lượng sản xuất thấp kém, việc quản lý điều hành thời điểm ấy còn quá non yếu,… cho nên mô hình sản xuất tập đoàn không hiệu quả và chóng tan rã là điều dễ hiểu.
 
Bây giờ, lực lượng sản xuất đã tiến bộ vượt bậc trên nhiều phương diện, nhu cầu liên kết hợp tác đang là một xu thế tất yếu. Và theo lý luận triết học- “lực lượng sản xuất phát triển đang quyết định quan hệ sản xuất mới, phù hợp hơn”.

Riêng chúng tôi còn nhớ, thuở còn ngồi trên ghế giảng đường, thầy giáo bộ môn Triết học khi giảng dạy học phần này thường kết luận: “Sau này nông dân sẽ tự lái xe bốn bánh để đi làm và thăm ruộng”. Ở thời điểm đó mấy ai tin là sẽ như vậy, nhưng bây giờ nhiều nơi nó cũng đã trở thành hiện thực!


Bảo vệ môi trường trên đồng ruộng ở Mỹ Lộc.

Với sự quan tâm đầu tư phát triển, đến nay hệ thống bờ bao, giao thông, thủy lợi khắp nơi đều được kiên cố hóa. Việc làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, bảo quản lúa… hầu như cũng được cơ giới hóa.

Một bộ phận không nhỏ nông dân ngày nay không còn lạ lẫm chuyện áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống xác nhận, giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, tăng sản lượng, nâng chất lượng nông sản và cuối cùng là mang lại lợi nhuận cao.
 
Thông tin, tuyên truyền phát triển như vũ bão đã tác động rất lớn đến việc thay đổi nhận thức hàng ngày của bà con nông dân.

Ông Dương Văn Thành- một nông dân sản xuất lúa tiêu biểu ở xã Mỹ Lộc chia sẻ:

“Nông dân chúng tôi bây giờ đã biết ứng dụng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Trong đó, mục tiêu là làm sao giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận; sản phẩm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, dễ truy nguyên nguồn gốc khi bán cho doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, lại tăng năng suất và bảo vệ được môi trường”.

Đây là chuỗi liên kết sản xuất có trách nhiệm, áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, chuyển dần lượng lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp, mà Tổ dịch vụ sản xuất lúa trọn gói Ấp 9 cũng như bà con tham gia cánh đồng mẫu lớn ở Mỹ Lộc đang vươn tới.

“Phát triển kinh tế tập thể là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đồng thời cũng là sự nghiệp hết sức khó khăn đòi hỏi phải kiên trì, xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế- xã hội của từng vùng, miền, địa phương, tránh hình thức, gò ép hoặc buông lỏng. Phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật HTX năm 2012 và các luật khác có liên quan, bảo đảm HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, do các thành viên tự nguyện thành lập nhằm tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, trên cơ sở bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi”. (Trích Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị).

Bài, ảnh: TRẦN ÚT- BÍCH VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh