Đa số các ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng, không nên nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.
Đa số các ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng, không nên nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt.
Ngày 14-5, tại Đồng Tháp, Tổng Cục Thuỷ sản tổ chức Hội thảo đánh giá ảnh hưởng của nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt tại các tỉnh Nam bộ.
Tại hội nghị, đa số các ý kiến của các nhà khoa học đều cho rằng, không nên nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Bởi các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng không có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt nên nguồn nước thải đưa trực tiếp ra sông, kênh rạch và mật độ thả nuôi cao và lượng thức ăn sử dụng nhiều sẽ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, gây hại cho sản xuất lúa.
Thống kê mới nhất của Tổng Cục Thuỷ sản cho thấy, đến thời điểm này ở khu vực ĐBSCL, người dân đã tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt và vùng nhiễm mặn ước khoảng 1.200 ha. Trong đó, để nuôi được loại tôm này ở vùng nước ngọt, người dân đã khoan giếng lấy nước ngầm, pha thêm muối ăn và một số khoáng chất vào ao.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Điền – Tổng Cục phó Tổng Cục Thuỷ sản nhấn mạnh: tôm thẻ chân trắng đã mang lại lợi ích kinh tế trước mắt do năng suất cao, giá bán khá hấp dẫn. Tuy nhiên, tác hại lâu dài là rất lớn, đặc biệt là nuôi ở vùng nước ngọt. Dự báo, sản lượng tôm chân trắng ở các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia đang phục hồi, do đó giá tôm trong nước sẽ giảm.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Huy Điền đã yêu cầu Vụ Nuôi trồng Thuỷ sản phải có báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng và đề xuất những vấn đề về quản lý, cấm sử dụng nước ngầm đối với nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước ngọt.
Bên cạnh đó, đề nghị các Chi cục Thuỷ sản và các nhà khoa học cần thông tin rộng rãi những tác hại khi chuyển đổi nuôi sang nuôi tôm thẻ chân trắng ở nước ngọt để người dân nắm được và hạn chế nuôi tự phát như thời gian vừa qua./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin