Trên cái nền tổng thể của thực trạng nền nông nghiệp khu vực ĐBSCL, với những lợi thế, những yếu kém trong quá trình phát triển; chúng tôi xin đưa ra một số nhận định và các vấn đề cần lưu ý, cũng như đề xuất những giải pháp riêng, đối với những đặc thù của huyện Vũng Liêm.
Cây lác là thế mạnh đặc thù của huyện Vũng Liêm. Ảnh: Vinh Hiển
Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trên cái nền tổng thể của thực trạng nền nông nghiệp khu vực ĐBSCL, với những lợi thế, những yếu kém trong quá trình phát triển; chúng tôi xin đưa ra một số nhận định và các vấn đề cần lưu ý, cũng như đề xuất những giải pháp riêng, đối với những đặc thù của huyện Vũng Liêm.
Những gam màu tối trong bức tranh toàn cảnh của nông nghiệp ĐBSCL
Tại hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL, diễn ra vào trung tuần tháng 3/2014 tại Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ:
“Nông nghiệp là nền tảng, là trục phát triển, một trụ đỡ của nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, nông nghiệp liên tục tăng trưởng, đây là thành tựu quan trọng, qua đó góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân”.
Tinh thần chung của Trung ương là phải tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả; nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động sản xuất nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
Rõ ràng nông nghiệp khu vực ĐBSCL, trong suốt mấy chục năm qua đã làm rất tốt việc tăng trưởng về diện tích, năng suất. Nhất là đối với diện tích lúa, điều này đã góp phần tốt cho việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới.
Tuy nhiên, đó là sự tăng trưởng “lệch”, mất cân đối và không bình thường, khi mà sự tăng trưởng về giá trị nông nghiệp, sự tăng trưởng về đời sống nông dân, không tỷ lệ thuận với sự tăng vọt về sản lượng của hạt lúa và các loại vật nuôi, cây trồng chủ đạo của vùng.
Tình trạng được mùa mất giá, không còn đơn giản là một điệp khúc mang tính thời vụ nữa, mà nó đã trở thành căn bệnh mạn tính của nền nông nghiệp phập phù, thiếu tính bền vững.
Và cũng tại hội nghị ở Cần Thơ, con số 8.000 tỷ đồng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cam kết hỗ trợ cho nông nghiệp ĐBSCL, trong đó dành một phần để thu mua lúa tạm trữ cho nông dân để cứu giá lúa đang rớt thảm, càng tô đậm thêm gam màu tối trong bức tranh toàn cảnh của nông nghiệp trong khu vực được cho là chủ lực, mạnh nhất nước.
Đây chỉ là giải pháp bất đắc dĩ trước mắt, nó cho thấy sự mất ổn định, không bền vững của nền nông nghiệp; sản phẩm nông nghiệp chưa bù đắp nổi chi phí sản xuất, thì làm sao có thể bảo đảm lợi nhuận cho người nông dân có thể tái vụ và mục tiêu xa hơn là cạnh tranh trên thị trường thế giới?
Là địa phương mà sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm trên 70% trong tổng cơ cấu kinh tế- xã hội, Vũng Liêm cũng chịu nhiều tác động mạnh từ “căn bệnh” chung của nông nghiệp toàn vùng. Do đó, tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề nhất thiết và vô cùng cấp thiết đối với địa phương.
Xác định lợi thế đặc thù
Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu, trên mỗi vùng miền, mỗi địa phương nông nghiệp có lợi thế, đặc thù khác nhau. Do vậy, cần thiết có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng địa phương cụ thể. Quá trình tái cơ cấu cần định hình rõ cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển các mô hình sản xuất, mà theo TS. Vương Đình Huệ gọi là “tái cơ cấu không gian nông nghiệp”.
Theo khái niệm này, Vũng Liêm xác định thế mạnh đặc thù là “khu vực phát triển ngành hàng nông nghiệp chỉ dẫn địa lý”: Với những địa bàn của huyện mà chất lượng sản phẩm nông sản có tính đặc thù xuất phát từ hệ sinh thái và văn hóa bản địa, có sự khác biệt rõ nét so với sản phẩm cùng loại từ địa phương khác, có thể quy hoạch phát triển vùng sản xuất chỉ dẫn địa lý.
Mô hình này có lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của người sản xuất, doanh nghiệp dựa trên nhân tố đặc thù bản địa của sản phẩm; đồng thời gắn với du lịch sinh thái tạo giá trị tổng hợp cho địa phương.
Cây ca cao phát triển ổn định, cho thu nhập khá. Ảnh: Hoàng Minh
Nói tới Vũng Liêm là phải nói tới cây lác, hiện đang cho thu nhập 110- 150 triệu đồng/ha. Dù có rất nhiều biến động về thị trường, giá cả, nhưng với quyết tâm, Vũng Liêm không chỉ giữ vững được vùng nguyên liệu mà còn mở rộng thêm diện tích, lên 450ha.
Cây lác đã hình thành cả một làng nghề xe lõi với hàng trăm hộ tham gia và một đội ngũ thương lái “chuyên doanh” lác, góp phần tạo công việc cho lao động nông nhàn, thu nhập ổn định.
Kết hợp với những di sản, di tích độc đáo của Vũng Liêm, đây là những ngành hàng nông nghiệp có chỉ dẫn địa lý, tăng trưởng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, thông qua việc phát triển du lịch văn hóa- lịch sử, du lịch sinh thái cộng đồng ở địa phương.
Tuy nhiên, trước mắt cần được hỗ trợ mạnh về mọi nguồn lực để hình thành những hợp tác xã hiện đại, tạo được thương hiệu bền vững trong tương lai.
Một vấn đề cần lưu ý nữa, theo kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã chọn Vũng Liêm làm điểm chỉ đạo về kinh tế vườn và chăn nuôi. Riêng lĩnh vực chăn nuôi những năm qua, chúng ta đã bộc lộ nhiều điểm yếu.
Đó là dịch bệnh hoành hành (dịch heo tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm). Thời tiết, khí hậu bất lợi; giá thức ăn chăn nuôi tăng cao; an toàn vệ sinh thực phẩm khó kiểm soát. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu, đồng thời phải nhập khẩu một lượng lớn thức ăn chăn nuôi.
Do đó, trong quá trình hướng dần đến việc giảm chăn nuôi nhỏ, lẻ, chuyển sang hình thức chăn nuôi tập trung, trang trại lớn; chúng ta cần đầu tư chủ động nguồn giống chất lượng và thức ăn chăn nuôi an toàn.
Tỉnh ủy đã xác định tái cơ cấu nông nghiệp là bài toán khó, phức tạp, cho nên trong quá trình thực hiện phải thận trọng, từng bước. Nhưng trước hết, chúng ta phải nâng cao vai trò người nông dân, làm sao để đặt nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Quá trình tái cơ cấu cần định hình rõ cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển các mô hình sản xuất, mà theo TS. Vương Đình Huệ gọi là “tái cơ cấu không gian nông nghiệp” |
(Còn tiếp)
Kỳ 2: “Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”
BÙI VĂN NGHIÊM
(Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin