Một góc nhìn về tái cơ cấu nông nghiệp

09:04, 15/04/2014

Vĩnh Long có nhiều tiềm năng về sản xuất nông nghiệp nhưng hiện đang đứng trước muôn vàn khó khăn về tiêu thụ nông sản, năng suất và chất lượng nông sản chưa đủ sức cạnh tranh, giá cả không ổn định, ảnh hưởng xấu đến thu nhập của nông dân...

Vĩnh Long có nhiều tiềm năng về sản xuất nông nghiệp nhưng hiện đang đứng trước muôn vàn khó khăn về tiêu thụ nông sản, năng suất và chất lượng nông sản chưa đủ sức cạnh tranh, giá cả không ổn định, ảnh hưởng xấu đến thu nhập của nông dân...

Trong khi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét với tần suất thiên tai ngày càng dày đặc, mức độ nghiêm trọng và quy mô ngày càng lớn, đã tác động mạnh đến sản xuất và đời sống người dân… Vậy, phải làm sao để đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân, tích cực xây dựng nông thôn mới?

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, không thể bỏ qua việc củng cố, phát triển các hợp tác xã. Ảnh: TRẦN NHIÊN

Tỉnh ủy đã xây dựng đề án tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020.

Quá trình TCC có phải đòi hỏi 3 yếu tố quan trọng là kinh phí, thị trường và tư duy? Chẳng hạn, Việt Nam mỗi năm nhập gần 3 tỷ USD thức ăn chăn nuôi, trong khi xuất khẩu lúa gạo mỗi năm cũng chỉ được hơn 3 tỷ USD. Vậy tại sao không chuyển sang sản xuất thức ăn chăn nuôi?

Sao không trồng bắp, đậu nành mà phải nhập khẩu để sản xuất thức ăn gia súc? TCC gắn với đầu tư, vậy kinh phí ở đâu để triển khai TCC? Theo tôi, ở góc nhìn nhỏ hẹp, TCC nông nghiệp là một bài toán khó và cần lưu ý thêm một số vấn đề như sau:

Đề án có tích hợp xây dựng nông thôn mới, biến đổi khí hậu song khi triển khai cần tích hợp thêm Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương- TPP (Trans Pacific Partner), mặc dù hiệp định này đang đàm phán, mục tiêu tiến tới của hiệp định này là loại bỏ từ 90% trở lên các rào cản về thuế quan cho hàng hóa dịch vụ, trong đó có nông sản.

Khi đó, một số ngành hàng của nông nghiệp sẽ bị cạnh tranh quyết liệt hoặc phá sản. Ví dụ gần đây, mặc dù còn chịu thuế, thịt bò Úc vẫn có giá thấp hơn thịt bò trong nước. Giả sử khi đề án triển khai xong, rào cản thuế quan được tháo dỡ, giá thịt bò Úc sẽ giảm nữa thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến ngành chăn nuôi bò thịt.

Như vậy mà chúng ta cứ vận động bà con cặm cụi nuôi bò, sau đó thua lỗ là không nên. Và trong tương lai có còn nhiều ngành hàng nào tương tự như thịt bò không? Vì vậy, khi triển khai thực hiện mà không dự báo một số điều khoản đang đàm phán của TPP vào đề án thì đề án sẽ có khả năng khả thi ở tỷ lệ không cao.

Phải có chính sách đặc thù về thuế, tín dụng, đất đai, xuất khẩu… thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực TCC ngành nông nghiệp vì đầu tư vào lĩnh vực này tiềm ẩn và tiệm cận nhiều rủi ro.

Đề án tập trung nhiều vào năng suất, chất lượng mà chưa tập trung nhiều vào tiêu thụ, xuất khẩu; trong khi đầu vào đầu ra lệ thuộc nhiều vào doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì “về bản chất mà nói, mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp là lợi nhuận”, nên đề án khi triển khai cần làm sao chủ động được đầu vào và đầu ra cho nông sản, phải hỗ trợ từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ thì nông sản mới phát triển được.

Chúng ta đã gặt hái một số kết quả ban đầu về cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trên cây lúa, CĐML trên các loại cây trồng khác nhưng chăn nuôi, thủy sản còn bỏ ngỏ. Triển khai đề án TCC ngành nông nghiệp cần tạo hiệu ứng lan tỏa từ CĐML trên cây lúa sang CĐML trên các loại cây trồng khác, chăn nuôi và thủy sản nhằm phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà một cách toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Nhấn mạnh vai trò của thủy lợi trong phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát khẳng định TCC ngành Nông nghiệp không thể thực hiện nếu không gắn với đầu tư thủy lợi. Vì vậy, sau khi triển khai thực hiện đề án TCC ngành nông nghiệp, cần rà soát để điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng thủy lợi một cách thận trọng.

Về TCC ngành nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng đâu là nút thắt của các “nút thắt”? Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn rằng: “Muốn kinh tế hộ tiến lên sản xuất hàng hóa, sẽ không thể không có hợp tác xã (HTX). Kinh tế càng phát triển, HTX sẽ càng phát triển”. Vậy, gỡ nút thắt của mọi nút thắt ở đây là cần tập trung giúp HTX củng cố và phát triển. Với xuất phát điểm này, sẽ giải quyết được mọi “nút thắt” mà nhiều chuyên gia, nhiều nhà quản lý đã mong muốn và kiến nghị.

Đồng thời các lĩnh vực khác như giao thông, công thương, liên minh HTX… phải vào cuộc để chia sẻ trách nhiệm.

Giao thông cần quan tâm nâng cấp các trục giao thông để lưu thông nông sản, nếu tải trọng cho phép trên các trục giao thông nội đồng thấp thì giá nông sản cũng bị chèn ép giá do quá trình vận chuyển phải trung chuyển nhiều lần…; Công thương cần kiểm tra thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xúc tiến thương mại, lo thị trường đầu ra cho nông sản bằng nhiều cách…, cung cấp điện cho tưới tiêu, sản xuất, chế biến nông sản; Liên minh HTX cần củng cố phát triển HTX, tổ hợp tác làm ăn đúng luật và hiệu quả, kiên quyết xử phạt doanh nghiệp khoác áo HTX để trục lợi, giải thể các HTX hình thức hay “chết lâm sàng”.

Ở một góc nhìn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ, chưa nhìn xa, xin góp thêm một vài gam màu cho bức tranh tươi sáng của ngành nông nghiệp Vĩnh Long.

Tiến sĩ VĂN HỮU HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh