Ma Lâm 202 bén rễ khi nào?

01:04, 22/04/2014

Như báo Vĩnh Long đã thông tin, vụ Hè Thu này, huyện Mang Thít hiện có khoảng 60% diện tích lúa Ma Lâm 202 (ML 202). Để có câu trả lời cho vấn đề “Ma Lâm bén rễ khi nào”, chúng tôi tìm đến xã Long Mỹ- nơi được nhiều người cho là giống lúa ML 202 được gieo lần đầu tiên, khi đó người dân còn gọi là “lúa gà” chứ chưa biết tên giống là gì.

Như báo Vĩnh Long đã thông tin, vụ Hè Thu này, huyện Mang Thít hiện có khoảng 60% diện tích lúa Ma Lâm 202 (ML 202). Để có câu trả lời cho vấn đề “Ma Lâm bén rễ khi nào”, chúng tôi tìm đến xã Long Mỹ- nơi được nhiều người cho là giống lúa ML 202 được gieo lần đầu tiên, khi đó người dân còn gọi là “lúa gà” chứ chưa biết tên giống là gì.

ML 202 đã bén rễ từ lâu

Ông Ngô Viết Sơn- cán bộ nông nghiệp xã Long Mỹ cho biết: Cách đây hơn chục năm, ông Chín Sang (ngụ ở xã Thanh Đức- Long Hồ) có đem về từ Bình Thuận một giống lúa tròn và sạ trên ruộng nhà tại ấp Long Hòa 1 (xã Long Mỹ- Mang Thít).

Lúc đó, bản thân ông Chín Sang cũng chưa biết tên gọi chính xác của giống lúa này, chỉ nghe nói lúa cho năng suất cao nên đem về trồng thử. Nhiều người ở gần thấy vậy nên đổi giống về trồng, từ đó “lúa gà” ngày càng được nhiều người gắn bó cho đến nay.

Năng suất cao, giá bán không thua lúa chất lượng cao nên nhiều nông dân xuống giống lúa Ma Lâm 202. (ảnh minh họa).

Về tên gọi, “lúa gà” có thể dùng để chỉ những loại lúa tròn, chất lượng thấp nhưng theo một số nông dân thì tên gọi này cũng được ghép cho ML 202 vì giống lúa này là món khoái khẩu của… gà!

Theo ông Nguyễn Văn Gõ- Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mang Thít, cách đây khoảng 5 năm, ngành chuyên môn biết đến giống lúa này nhờ khả năng kháng bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, trong khi các giống lúa khác nhiễm bệnh này.

Lão nông Võ Văn Viên (Năm Viên, ở xã Hòa Tịnh) cho biết ông đã từng sản xuất thử giống này cách đây khoảng 4 năm và tên gọi Ma Lâm 202 cũng được ông biết đến trong khoảng thời gian này khi đi tham quan mô hình ở Bình Thuận.

Qua thực tế sản xuất, ông Năm Viên đánh giá khó có giống lúa tròn nào có thể cạnh tranh về năng suất với ML 202. Đặc biệt khi đem giống này lai với một số giống lúa tại địa phương thì kết quả còn khả quan hơn. Tuy nhiên việc nhiều nông dân sử dụng lúa thịt của vụ trước để sản xuất vụ sau đã làm cho giống bị thoái hóa. Hiện nay giống lúa này đã bị lẫn tạp khá nhiều.

Cũng theo ông Năm Viên, qua các chuyến đi tham quan mô hình sản xuất lúa tại nhiều tỉnh đồng bằng, ông chưa thấy nơi nào làm ML 202, có thể nói Vĩnh Long là nơi đầu tiên xuống giống lúa này mà huyện Mang Thít lại là nơi duy nhất trong tỉnh có diện tích khá lớn.

Khó giảm diện tích?

Cái cách mà ML 202 bám rễ ở cũng giống như IR 50404 tràn đồng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Năng suất khá và giá bán không thua các loại giống chất lượng cao là lý do để người nông dân lựa chọn sản xuất giống lúa có chất lượng thấp này. Trong điều kiện canh tác khác nhau, nếu so sánh giữa IR 50404 và ML 202 về năng suất có thể tương đương nhau nhưng khả năng tiêu thụ thì ML 202 đang có những ưu thế hơn hẳn.

Thật vậy, theo ông Năm Viên, ở vụ Đông Xuân rồi, khi lúa vừa khui đồng thì đã có nhiều mối lái trong và ngoài tỉnh cho ghe cập bến chờ lấy hàng. “Lúa gà” chủ yếu được bán tại ruộng, có bao nhiều thương lái thu mua bấy nhiêu. Trong khi những loại lúa hạt dài thương lái có sự chọn lựa, kỳ kèo giá cả khi mua thì lúa tròn như ML 202 lại được thu gom nhanh chóng.

Tại sao ML 202 hút hàng? Ngay cả những nông dân sản xuất ML 202 cũng thắc mắc bởi nhiều người chỉ nghe nói lúa được mua về dùng để ăn, làm bún, nấu rượu hoặc đơn giản chỉ để chăn nuôi chứ ML 202 không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vì phẩm cấp thấp.

Lão nông Võ Văn Viên: “Hiện nay giống lúa Ma Lâm 202 đã bị lẫn tạp khá nhiều”.


Chính vì lúa làm ra bán được mà ML 202 đã chiếm hầu hết diện tích xuống giống tại một số xã của huyện Mang Thít. Ông Nguyễn Văn Thận- cán bộ nông nghiệp xã Hòa Tịnh cho biết: Vụ Hè Thu, toàn xã có kế hoạch xuống giống 447ha, chưa kể vụ Xuân Hè đang thu hoạch khoảng 160ha.

Trong số này “lúa gà” chiếm trên 95% diện tích. Năng suất cao, giá bán ổn định và bán khá nhanh nên ML 202 hầu như chiếm lĩnh diện tích xuống giống tại xã này.

Ông Ngô Viết Sơn cho biết thêm, ML 202 chiếm toàn bộ diện tích xuống giống toàn xã Long Mỹ vụ Hè Thu này với khoảng 300ha. Qua nhiều năm sản xuất, ML 202 chưa lần nào bị dội hàng nên người dân nơi đây chưa nghĩ đến chuyện phải chuyển đổi sang giống lúa khác để canh tác.

Giống lúa ML 202 do Trại Giống lúa Ma Lâm thuộc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Bình Thuận chọn tạo và đưa vào khảo nghiệm. Tác giả chính là kỹ sư Trần Minh Chánh, đồng tác giả gồm các ông Nguyễn Văn Bình và Trần Quang Vinh. Năm 1981, ông là Trưởng Trại Giống lúa Ma Lâm. Trong suốt thời gian công tác của mình, ông đã nghiên cứu, lai tạo cho ra đời trên 35 giống lúa. Trong đó, một số giống được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống quốc gia và ML 202 là một trong số đó.

15/2/2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cấp bằng bảo hộ giống cây trồng cho giống lúa ML 202. Chủ sở hữu là Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận. Thời gian bảo hộ 20 năm tính từ ngày cấp bằng.

Hiện tại chỉ có Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam (tỉnh Ninh Thuận) đơn vị được Trung tâm Giống cây trồng Bình Thuận chuyển nhượng bản quyền sản xuất kinh doanh giống ML 202.


Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh