Việc phòng chống bệnh đạo ôn không khó, nhưng phải thực hiện tốt 2 biện pháp: Bón phân cân đối và thường xuyên thăm đồng phát hiện vết bệnh càng sớm càng tốt.
Việc phòng chống bệnh đạo ôn không khó, nhưng phải thực hiện tốt 2 biện pháp: Bón phân cân đối và thường xuyên thăm đồng phát hiện vết bệnh càng sớm càng tốt.
Đối với bệnh đạo ôn, hầu như không có vụ lúa xuân nào ở Nghệ An không bị bệnh này gây hại. Vụ xuân 2014, theo Chi cục BVTV Nghệ An toàn tỉnh có gần 2.500 ha lúa bị nhiễm đạo ôn ở hầu hết các vùng đồng bằng, trong đó nhiều cánh đồng bị bệnh đạo ôn cháy lụi. Trời càng âm u, ẩm độ không khí cao, thiếu ánh sáng bệnh đạo ôn càng có cơ hội phát triển mạnh, nhất là ở những giống lúa có sức kháng bệnh kém…
Huyện Quỳnh Lưu trước đây được xem là "thủ phủ” bệnh đạo ôn hại lúa. Ông Nguyễn Hoài Ngọc, nguyên Chủ nhiệm HTXNN Quỳnh Hồng chia sẻ: "Vụ xuân là vụ lúa ổn định nhất, ăn chắc nhất. Nhưng không thâm canh cao thì không có năng suất cao và nếu thâm canh cao thì rất dễ bị bệnh đạo ôn phá hoại làm mất ăn. Vì đạo ôn là bệnh khó tiêu diệt được”.
Ở Quỳnh Lưu mỗi một vụ lúa xuân trước dây bình quân không dưới 800 - 1.000 ha lúa bị nhiễm đạo ôn. Trong đó có ít nhất từ 80 - 100 ha gần như không có thu hoạch. Từ chỗ mất và giảm năng suất lúa quá nhiều do bệnh đạo ôn gây ra, UBND huyện Quỳnh Lưu đã giao Phòng NN-PTNT chịu trách nhiệm điều tra, nghiên cứu, tổng kết nguyên nhân gây bệnh và kinh nghiệm phòng chống bệnh có hiệu quả nhất.
Từ kết quả đó huyện sẽ chỉ đạo UBND các xã, HTX thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống đạo ôn. Sau một thời gian điều tra, nghiên cứu và tổng kết thực tế ở hầu hết các cơ sở, Phòng NN-PTNT Quỳnh Lưu đã đi đến 5 kết luận về nguyên nhân gây bệnh và biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn trên địa bàn huyện như sau:
- Không có giống lúa nào hoàn toàn chống chịu được bệnh đạo ôn, chỉ có nhiễm bệnh nặng và nhẹ khác nhau mà thôi.
- Thời tiết là yếu tố liên quan chặt chẽ nhất với việc phát triển bệnh đạo ôn. Vụ xuân nào trời càng âm u, ẩm độ không khí cao, thiếu ánh sáng càng nhiều thì vụ đó mức độ nhiễm bệnh càng nhiều và ngược lại.
- Thâm canh càng cao và nếu bón phân càng mất cân đối, nặng đạm, nhẹ lân, ít kali thì bệnh đạo ôn càng có cơ hội phát triển mạnh.
- Bệnh đạo ôn phát triển trong các vụ lúa xuân là điều không thể tránh khỏi. Nếu phát hiện bệnh không kịp thời, để bệnh lây lan trên diện rộng thì khó có thể cứu vãn được lúa mà chỉ phun thuốc để hạn chế sự lây lan của bệnh ra quy mô lớn hơn.
- Với bệnh đạo ôn chỉ có biện pháp thường xuyên lội ruộng, thăm đồng phát hiện sớm để chủ động phun phòng trừ ngay khi vết bệnh vừa chớm phát sinh.
Theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng NN-PTNT Quỳnh Lưu thì việc phòng chống bệnh đạo ôn không khó. Nhưng muốn làm được việc đó thì phải thực hiện tốt 2 biện pháp quan trọng nhất, đó là: Bón phân cân đối và thường xuyên thăm đồng phát hiện vết bệnh càng sớm càng tốt để chủ động phòng trừ ngay sẽ tiêu diệt triệt để mầm mống của bệnh ngay từ đầu.
Nhằm giúp bà con nông dân làm được việc đó, Phòng NN-PTNT đã phân công mỗi cán bộ kỹ thuật phụ trách một vùng (từ 3 - 4 xã) và cùng cán bộ kỹ thuật các xã tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón, cùng ra đồng lội ruộng kiểm tra, phát hiện sâu bệnh tổ chức chỉ đạo phòng trừ ngay. Nhờ đó, vụ lúa xuân 2012-2013 và 2013-2014 ở Quỳnh Lưu gần như sạch bệnh đạo ôn. Trong khi đó, ở nhiều huyện khác, bệnh đạo ôn đang phát triển mạnh…
HTXNN Quỳnh Lâm là nơi được cán bộ kỹ thuật Phòng NN-PTNT Quỳnh Lưu gắn cho cái mác "ổ đạo ôn”, thế mà bây giờ ông Hồ Xuân Quang, Chủ nhiệm HTXNN Quỳnh Lâm cho biết: "Sợ nhất và lo nhất của bà con nông dân ở đây là thiên tai, bão lụt, hạn hán làm mất mùa. Còn bệnh đạo ôn trước đây sợ nhất, còn bây giờ họ có kinh nghiệm siêng thăm đồng, phát hiện sớm phòng trừ ngay là được".
Từ kinh nghiệm về phòng chống bệnh đạo ôn ở Quỳnh Lưu thật giản đơn, dễ làm, rất có hiệu quả kinh tế, không gây ô nhiễm môi trường. Song vẫn còn nhiều địa phương khác chưa làm được. Trách nhiệm này không riêng gì ở bà con nông dân, mà đó là sự lãnh đạo và chỉ đạo từ trên xuống phải thật sự nghiêm túc và kịp thời.
Theo NNVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin