Hiệu quả từ nuôi cá sặc rằn thương phẩm

09:04, 18/04/2014

Sau 7- 8 tháng thả nuôi, nông dân có thể đạt lợi nhuận từ 40- 60 triệu đồng/1.000m2 ao nuôi. Đó là hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá sặc rằn thương phẩm ở huyện đầu nguồn An Phú.

Sau 7- 8 tháng thả nuôi, nông dân có thể đạt lợi nhuận từ 40- 60 triệu đồng/1.000m2 ao nuôi. Đó là hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá sặc rằn thương phẩm ở huyện đầu nguồn An Phú.

Cá sặc rằn là loài dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những địa phương nổi tiếng với con cá sặc rằn là xã Khánh An (An Phú). Đây còn là nơi nổi tiếng với đặc sản khô, mỗi năm cung ứng thị trường 300- 350 tấn khô các loại, chủ lực là khô sặc rằn. Trước đây, nguồn nguyên liệu làm khô sặc rằn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn cung từ Campuchia và Thái Lan.

Gần đây, nguồn cá nguyên liệu ngày càng giảm thì mô hình nuôi cá sặc rằn thương phẩm tại địa phương là giải pháp cung ứng cho các cơ sở chế biến khô sặc rằn ở An Phú. Đầu năm 2011, Phòng Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện An Phú phối hợp Trung tâm Giống thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn”.

Sau 24 tháng thực hiện, mô hình được Sở Khoa học– Công nghệ nghiệm thu với kết quả cao. Triển khai dự án này, nông dân và kỹ thuật viên được học tập các mô hình nuôi cá sặc rằn hiệu quả và tập huấn ứng dụng thành thạo kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá sặc rằn.

Dự án còn xây dựng thành công 7 mô hình ương giống và xây dựng 9 mô hình nuôi cá sặc rằn thương phẩm. Thành công lớn của dự án là cải tiến được quy trình kỹ thuật trong khâu tuyển chọn con giống và sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm cao (30%), rút ngắn chu kỳ nuôi (từ 3 - 5 tháng so với trước) và tăng vòng vốn sản xuất.

Anh Cường, một trong những người tham gia mô hình nuôi cá sặc rằn đầu tiên ở xã Khánh An, cho biết: “Nhờ theo dõi sát các buổi tập huấn và được kỹ thuật viên thủy sản hướng dẫn tận tình nên tỷ lệ hao hụt rất ít, cá nuôi phát triển tốt”.

Vụ nuôi vừa rồi, anh Cường trúng lớn. Với diện tích 6.000m2, sau 7- 8 tháng nuôi, thu hoạch bình quân 2,2 tấn/1.000m2, trừ chi phí anh Cường còn lãi hơn 300 triệu đồng…

Chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ giúp thương hiệu khô cá sặc rằn Khánh An (An Phú) vươn ra thị trường trong, ngoài nước.

Năm 2013, Sở NN-PTNT An Giang cũng đã triển khai dự án “Chuỗi giá trị sản xuất cá sặc rằn” với mô hình 2 héc-ta và 1 cơ sở chế biến khô công suất 200– 250 tấn thành phẩm/năm. Mục tiêu nhằm xây dựng vùng nuôi cá sặc rằn công nghệ cao và cung ứng nguyên liệu cho cơ sở chế biến khô cá sặc rằn xã Khánh An (An Phú).

Đây còn nhằm tổ chức mô hình chuỗi liên kết sản xuất từ sản xuất con giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm khô cá sặc rằn Khánh An. Đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào cơ sở chế biến khô cá sặc rằn để nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thực hiện công bố hợp quy...

Cá sặc rằn là đối tượng thủy sản dễ nuôi, nhu cầu thị trường lớn và ổn định, người nuôi có thể nuôi quảng canh hoặc thâm canh để tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương, góp phần tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Với hiệu quả cao và đầu ra ổn định, cá sặc rằn sẽ là mô hình có tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Cá sặc rằn (còn gọi là cá rô tía da rắn hay cá rô tía Xiêm) là loài phân bố nhiều ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), như: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau... Đây là loài cá dễ nuôi, khả năng thích nghi rộng, có thể nuôi thâm canh hoặc nuôi quảng canh trong ao hầm, mương vườn, ruộng lúa. Thức ăn chủ yếu của cá sặc rằn là thực vật thủy sinh và mùn bã hữu cơ. Những năm gần đây, nghề nuôi cá sặc rằn được nhiều nông dân quan tâm đầu tư, mang lại hiệu quả cao.

Theo AGO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh