Hiện nay, bưởi da xanh bán tại vườn với giá từ 48.000 đến 50.000 đồng/kg (loại 1,4kg/trái). Mức giá này được các doanh nghiệp thu mua để tiêu thụ nội địa.
Hiện nay, bưởi da xanh bán tại vườn với giá từ 48.000 đến 50.000 đồng/kg (loại 1,4kg/trái). Mức giá này được các doanh nghiệp thu mua để tiêu thụ nội địa.
Theo dự đoán của ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở thu mua bưởi da xanh Hương Miền Tây, giá bưởi sẽ còn tăng cao. Thị trường xuất khẩu đang rộng mở nhưng sản lượng bưởi thu mua tại cơ sở hiện nay đang giảm sút.
|
Nhà vườn luôn quan tâm chăm sóc, nâng cao năng suất bưởi da xanh. Ảnh: H. Vũ |
Theo quy hoạch diện tích bưởi ở Nam Bộ, đến năm 2020, Bến Tre phải đạt 6.500ha. Trong những năm qua, cây bưởi da xanh được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển, nâng cao năng suất và chất lượng. Đặc biệt, với chương trình phát triển 4.000ha bưởi da xanh, đến năm 2010, Bến Tre đạt gần 4.000ha.
Bến Tre cũng đã được xây dựng bản đồ quy hoạch vùng trồng, tuyển chọn dòng bưởi tốt, xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bến Tre”, xây dựng website quảng bá, cấp 1 chứng nhận GlobalGAP bưởi da xanh (Nhơn Thạnh - TP. Bến Tre), 3 chứng nhận VietGAP (xã Quới Sơn - Châu Thành; hợp tác xã Mỹ Thạnh An - TP. Bến Tre và Hòa Nghĩa - Chợ Lách)...
Tốc độ phát triển diện tích bưởi trên địa bàn tỉnh khá nhanh, hiện có hơn 4.700ha, năng suất từ 9-14 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 38.000 đến 40.000 tấn trái, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Thời gian gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch hại trên cây trồng phát triển là nguyên nhân đe dọa năng suất và chất lượng bưởi.
Nếu vào cuối năm 2012, tại Bến Tre chỉ mới xuất hiện sâu đục trái gây hại rải rác, tỷ lệ từ 3-5% thì vào đầu năm 2013, tỷ lệ nhiễm bệnh đã lên đến 30-40%. Đến nay, sâu đục trái vẫn là mối nguy hại lớn đối với cây bưởi, là loại dịch hại mới đang được tiếp tục nghiên cứu.
Trước tình hình đó, Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Hội thảo về “Giải pháp canh tác bền vững bưởi da xanh tỉnh Bến Tre”. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những kỹ thuật canh tác, giải pháp quản lý sâu bệnh quan trọng trên cây bưởi một cách cụ thể và dễ áp dụng.
Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã nghiên cứu việc phòng trừ sâu bệnh trên cây bưởi bằng nhiều cách. Trong đó, việc phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc hóa học không khả thi.
Giải pháp đạt hiệu quả trên 90% là bao trái. Trong đó, loại bao trái bằng vải lưới mùng và vải lưới cước đạt kết quả tốt nhất, có thể sử dụng từ 2 đến 3 vụ và không ảnh hưởng đến tốc độ phát triển, sinh trưởng của trái. Hiện nay, trên thị trường có tiêu thụ loại bao trái bằng vải keo mềm, giá thấp hơn.
Tuy nhiên, hiệu quả phòng sâu hại không cao do bao dễ bị hỏng rách, bị nấm bồ hóng, rệp sáp bám vào. Giải pháp bao trái như nêu trên vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, không gây ô nhiễm môi trường. Kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt lưu ý thêm, khi bao trái phải chú ý không để hở cuống, không bao quá chặt. Trước khi bao phải xịt thuốc, vệ sinh trái, không bao bằng túi nilông, bao bị rách thì nên thay bao khác ngay.
Phân tích về đặc tính hình thành, phát triển và gây hại của loài sâu đục trái trên bưởi nói riêng và cây có múi nói chung, Thạc sĩ Lăng Cảnh Phú - giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: Giải pháp quản lý đối với sâu đục trái là ngăn chặn sự xâm nhiễm, ngăn chặn sự gây hại.
Để tác động ngăn chặn sự xâm nhiễm cần tạo thông thoáng cho vườn, thu gom tiêu hủy trái bị hại, diệt nhộng, xua đuổi và ngăn chặn quá trình trưởng thành đẻ trứng, bao trái. Theo Viện Cây ăn quả Miền Nam, ngăn chặn trưởng thành bằng cách chiếu sáng và kết hợp với tưới nước vào ban đêm.
Thạc sĩ Lăng Cảnh Phú khuyến cáo: Để quản lý hiệu quả đối với đối tượng này, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp tác động một cách đồng bộ và liên tục, cần nghiên cứu các điều kiện để phát huy vai trò của một số loài thiên địch như nấm ký sinh, ong mắt đỏ ký sinh trứng và kiến vàng trong vườn.
Theo Đồng Khởi Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin