Tiết lạnh-coi chừng gặt “non hái”

07:02, 18/02/2014

Vụ lúa Đông Xuân năm nay, nhiều nông dân vui mừng khi lúa đạt năng suất cao và đến nay vẫn giữ được giá. Tuy nhiên, thời tiết lạnh kéo dài khiến thời gian thu hoạch vụ lúa Đông Xuân năm nay trễ hơn mọi năm gần 1 tuần lễ. Một số thương lái cho biết, do “đánh” sai thời điểm lúa chín nên tới hẹn hợp đồng mà lúa vẫn chưa chín “đủ đô”.

Vụ lúa Đông Xuân năm nay, nhiều nông dân vui mừng khi lúa đạt năng suất cao và đến nay vẫn giữ được giá. Tuy nhiên, thời tiết lạnh kéo dài khiến thời gian thu hoạch vụ lúa Đông Xuân năm nay trễ hơn mọi năm gần 1 tuần lễ. Một số thương lái cho biết, do “đánh” sai thời điểm lúa chín nên tới hẹn hợp đồng mà lúa vẫn chưa chín “đủ đô”.

Mất gạo do… ông trời!

Chú Nguyễn Duy Tâm (Út Mập) ở ấp Sa Rày (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) thu mua lúa trong khu vực và các xã lân cận. Ngày 23 tết, chú hợp đồng với nông dân, định ngày gặt vào 2 tháng Giêng, lúc cây lúa IR50404 đã tròn 90 ngày.

Một mùa lúa bội thu, giá ổn định.

Chú Út Mập trầm tư: “Mình xem lúa trước để hợp đồng mua nhưng đánh không trúng thời điểm chín đều đồng, gặp mấy ngày lạnh liên tục, nên đến hẹn mà lúa vẫn chưa đủ độ chín”. Đợt hợp đồng này, chú mua tổng cộng 1.300 tấn. Lấy mỗi đồng từ 200- 300 tấn, giá 4.770 đ/kg (95.400 đ/giạ). Chú Út nhẩm tính: “Coi như mua đợt này mất toi cả trăm triệu đồng vì thời tiết. Thất một lai gạo. Bởi năm nay một giạ gạo (20kg) còn có 13,5kg, mà năm ngoái được 14,5kg”.

Một số nông dân ở các xã Hòa Bình, Nhơn Bình, Xuân Hiệp,... đang vào vụ thu hoạch lúa cũng cho biết, vụ Đông Xuân thường 90 ngày là gặt. Bất ngờ năm nay 92- 94 ngày mà lúa vẫn chưa chín “đủ đô”. Nhưng hầu hết nông dân cho biết, vì thương lái đã hợp đồng trước nên đến hẹn thì gặt.

Hợp đồng bán lúa 10 công, lão nông Lê Văn Long ở ấp Hồi Xuân (xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) tâm sự: “Tui thấy nếu để lúa còn non hái thì nông dân cũng bị nhót như thường. Thường vụ khác như Hè Thu, lấp vụ thì 85 ngày là chín, vụ Đông Xuân này dài hơn, đặc biệt năm nay trời lạnh, lúa chín chậm. Nhưng do sợ giá lúa sụt nên nông dân ít ai chịu kéo dài thêm, nhất là đông ken, máy gặt nào cũng tranh thủ đánh nhanh rút lẹ, mình không tranh thủ, máy bỏ đồng khác là… mệt mỏi”.

Đứng đếm bao khi máy đang gặt, bác nông dân Dương Văn Mây (ấp Ngãi Hòa, xã Hòa Bình- Trà Ôn) cho biết: “Công vừa gặt được 17 bao, chắc khoảng 45 giạ, năm nay, lúa IR50404 hay lúa hạt dài, lúa thơm đều trúng lớn. Lúa IR50404 của tui sạ được 91 ngày nên gặt lúc này theo tôi là vừa chín”.

Theo ghi nhận tại một số đồng đang gặt, thường có 2 giá. Nếu gặt trước, giá thấp hơn 1.000- 2.000 đ/giạ. Nhưng nhiều người vẫn đồng ý bán giá thấp vì cho rằng “để lâu sẽ nhẹ ký”...

Đến một số lò sấy ở Trà Ôn, các chủ lò cho biết, gạo đang được giá, ai cũng muốn nhanh chóng chà bán, nên chuộng sấy thay vì sân phơi.

Ai quyết định chất lượng hạt gạo?

Nói về thời điểm thu hoạch, đảm bảo chất lượng thì theo lão nông Lê Văn Long: “Không thể chờ tất cả các hạt lúa của bông lúa và các bông lúa trong ruộng chín hết một lượt mới gặt. Do bông trổ trước chín trước, bông trổ sau chín sau, các hạt ở đầu bông chín trước, cuối bông chín sau, nhánh gié nhỏ chín sau cùng. Cho nên chín thế nào vừa đủ mới gặt tùy vào mỗi ruộng. Gặt non hái ép thì chất lượng gạo hàng hóa sẽ không đảm bảo là tất nhiên”.

Theo một số nhà máy chà gạo, tuy tỷ lệ hạt xanh nhiều hơn mọi năm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng gạo hàng hóa.


Nhưng theo nhiều nông dân, hiện nông dân chưa hẳn là người quyết định ngày thu hoạch. Ông Dương Văn Mây nói: “Hồi đó, khi máy gặt đập liên hợp chưa có, ai cũng chờ đến ngày chín mới gặt, đâu có tính toán trước. Bây giờ, thương lái đến coi đồng trước hơn chục ngày, thương lượng rồi đặt cọc, đến hẹn là bán lúa tươi tại ruộng”.

Tuy nhiên theo ông Mây: “Nếu những mùa khác ảnh hưởng thời tiết, mưa bão kéo dài hay lũ về thì gặt sớm. Còn thời tiết thuận lợi thì bà con mình cũng không ai chịu gặt lúa quá chín vì sẽ bị rụng, thất thoát khi thu hoạch”. “Thương lái cũng không chịu gặt lúa “non hái” bởi chà ra không đặng gạo”- bà Lê Thị Vân, một thương lái ở thị trấn Tam Bình nói. Bà Vân chia sẻ, lúc trước, một số thương lái kỹ tính thì mua trước ít công, chà gạo trước để biết đặng gạo hay không mới chọn mua nhiều, còn bây giờ làm vậy đâu có được vì ai cũng lấy cọc trước hết rồi.

Ông Trần Thế Minh (ấp Giồng Gòn, xã Thuận Thới- Trà Ôn) nói, một số người mua trước đã đi chà gạo, ai cũng ê chề cho biết lúa năm nay chưa chín lắm, nên chà ra không đặng gạo nhưng không vấn đề gì bởi vẫn được giá.

Ông Phan Tôn Kỳ- chủ nhà máy xay lúa Thành Tiền (ấp Hồi Thạnh, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) cho rằng, năm nay, hạt xanh có tỷ lệ cao hơn mọi năm gấp 3 lần. Vừa rồi có một số lái mua lúa non hái chà ra than mất gạo. Những hạt lúa xanh khi qua máy tách vỏ đã loại ra khỏi gần hết rồi, khi qua máy lau gạo thì gạo đã đảm bảo chất lượng. Theo chủ nhà máy, tỷ lệ hạt xanh như vậy chưa tới mức lo lắng chất lượng nhưng nếu những hạt “nửa nạc nửa mỡ” nhiều quá thì sẽ mua với giá thấp.

Thực tế, thời điểm thu hoạch lúa ảnh hưởng nhiều yếu tố (thương lái, thị trường giá cả, hợp đồng máy gặt,...) nhưng nông dân cần đảm bảo hạt ngọc của mình sao cho vừa đảm bảo chất lượng vừa ít thất thoát nhất. Bởi chính người nông dân sẽ tự hại mình nếu lượng gạo xuất khẩu không đạt chất lượng.

Kỹ sư Trương Thị Thu Hương- cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Giống nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) khuyến cáo, để tính thời điểm thu hoạch ít thất thoát, bà con nên xem độ chín trên bông. Đối với lúa hàng hóa, khi lúa chín từ khoảng 80- 85% là thu hoạch. Riêng đối với lúa để làm giống thì mức cao hơn tức từ 85- 90%. Nếu để sớm hoặc muộn hơn sẽ thất thoát nhiều.

Bài, ảnh: TẤN ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh