“Kiện tướng” trồng nấm

Cập nhật, 10:33, Thứ Hai, 24/02/2014 (GMT+7)

Với tinh thần ham học hỏi, tìm tòi những mô hình canh tác mới, ông Huỳnh Thanh Dân (ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang) “bén duyên” và gắn bó với cây nấm mèo.

Tâm sự với chúng tôi, ông Dân vui vẻ: “Ngày trước, khi cây nấm bào ngư được vài anh em trong xóm mang về trồng thì tôi cũng đến học hỏi và canh tác thử 3.000 chai meo. Dù mang lại hiệu quả kinh tế nhưng cây nấm bào ngư nhọc công chăm sóc và đôi lúc đầu ra cũng khó khăn.

Khi được tiếp xúc với mô hình trồng nấm mèo, nhận thấy đây là mô hình khả quan nên tôi lên mạng internet tìm hiểu, sau đó đi học hỏi kinh nghiệm nên mới có được thành công bước đầu như hôm nay”.

Hiện tại, ông Dân đang trồng 3.000 chai meo giống nấm mèo và đã thu hoạch được lứa đầu tiên với số tiền hơn 12 triệu đồng. Với lần thu hoạch này, ông đã có thể trang trải khoản vốn đầu tư xây dựng trang trại và mua meo giống.

Thông thường, mỗi chai meo sẽ cho thu hoạch 2 đợt nên lần thu hoạch sau là khoản lợi nhuận của ông. Ông cho biết: “Mỗi lần mình dựng trại là có thể sử dụng vài năm và mỗi năm lại có thể trồng 2-3 đợt nấm.

Nhận thấy đây là mô hình kinh tế hiệu quả nên nhiều anh em đến học hỏi kỹ thuật với tôi, đồng thời động viên tôi đứng ra thành lập tổ hợp tác để nhân rộng mô hình sản xuất này”.

Từ những thành công bước đầu, ông Dân đã mạnh dạn đề nghị Hội Nông dân xã và UBND xã cho thành lập Tổ hợp tác sản xuất và bao tiêu nấm Thành Công. Điều này cho thấy sự nghiêm túc, tâm huyết của ông cùng chính quyền địa phương trong việc phát triển mô hình trồng nấm tại Thạnh Mỹ Tây.

Đến nay, số lượng thành viên của Tổ hợp tác đã lên đến 34 người, trong đó có những nông dân ở các xã khác thuộc huyện Châu Phú và cả huyện Phú Tân cũng đến đăng ký tham gia.

“Thành công hôm nay không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của một quá trình tôi đi khắp các tỉnh từ ĐBSCL cho đến miền Đông, Tây Nguyên để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Mỗi nơi hướng dẫn những kinh nghiệm khác nhau, từ đó bản thân mình tổng hợp, đúc kết lại mới có thể “làm quen” với cây nấm mèo” - ông Dân tâm sự.

Ông Dân chăm sóc nấm bào ngư.

Khi đã thu được những thành công bước đầu, ông càng thêm tự tin để mở rộng quy mô canh tác. Hiện tại, ông dựng thêm trại để trồng nấm mèo vì đây là loại nấm có giá trị kinh tế cao hơn nấm bào ngư và cũng nhẹ công chăm sóc hơn.

Dự kiến, sau khi hoàn thành thêm 4 trại nấm, ông Dân sẽ canh tác thêm 40.000 chai meo nấm mèo. Ông nhẩm tính: “Bình quân mỗi chai nấm sẽ cho khoảng 90-100 gram nấm mèo khô, với số lượng chai như trên thì tôi có thể đạt được tổng năng suất hơn 3 tấn nấm/vụ. Giá cơ sở thu mua bao tiêu khoảng 90.000 đồng/kg, như vậy cứ mỗi vụ nấm là tôi có thể kiếm được khoản tiền không nhỏ”.

Ông Dân cũng cho biết thêm, để đạt được kết quả như dự tính là chuyện không hề đơn giản, trong quá trình canh tác đòi hỏi người trồng phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật chính xác vì meo nấm rất nhạy cảm với môi trường, chỉ cần một sai sót nhỏ thì có thể mất trắng cả vụ.

Vì vậy, việc canh tác nấm mèo đúng kỹ thuật là đòi hỏi tất yếu nếu muốn “sống chung” với loại cây có hiệu quả kinh tế này. Đối với nấm bào ngư, dù không canh tác số lượng lớn nhưng ông Dân cũng đã học hỏi kinh nghiệm làm dưa chua từ loại nấm này, nếu thành công thì đây cũng sẽ hứa hẹn hướng đi mới cho cây nấm bào ngư bên cạnh việc nông dân bán nấm tươi cho thị trường.

Theo An Giang Online