Nhiều mặt hàng nông- thủy sản thế mạnh đã “đóng góp hết mình” nhưng thu nhập nông dân vẫn chưa được cải thiện. Riêng năng suất lúa ở ĐBSCL cũng khó có thể tăng thêm khi đã đạt từ 8- 8,5 tấn/ha, được xem là “đụng trần”.
Nhiều mặt hàng nông- thủy sản thế mạnh đã “đóng góp hết mình” nhưng thu nhập nông dân vẫn chưa được cải thiện. Riêng năng suất lúa ở ĐBSCL cũng khó có thể tăng thêm khi đã đạt từ 8- 8,5 tấn/ha, được xem là “đụng trần”.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mới đây, nhiều bất cập được đặt ra. Việc tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết “4 nhà” nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản được các địa phương đặc biệt quan tâm.
Chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa màu cần dựa trên yêu cầu thị trường.
|
Tăng trưởng chững lại, xuất khẩu gạo giảm
Theo báo cáo, năm 2013, mặc dù nông nghiệp vẫn là “bệ đỡ” cho nền kinh tế khi xuất siêu khoảng 9 tỷ USD, nhưng trên tổng thể thì tốc độ phát triển ngành đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, nếu giai đoạn 1995- 2000 mức tăng trưởng toàn ngành là 4% thì giai đoạn 2006- 2010 chỉ là 3,3%.
Riêng năm 2013, mức tăng trưởng này chỉ còn 2,67%, tương đương năm 2012 (2,68%). Sở dĩ tăng trưởng vẫn giữ mức ổn định, theo nhận định do duy trì phát triển theo chiều rộng thông qua tăng vụ, tăng diện tích,…
Còn theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, những khó khăn, bất cập trong sản xuất năm qua chưa được giải quyết dứt điểm đã gây áp lực lớn cho sản xuất nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất; thiên tai và dịch bệnh diễn biến phức tạp...
Lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là cây lúa diện tích gieo sạ đạt khoảng 7,9 triệu tấn, tăng 138,7 ngàn hecta nhưng năng suất chỉ đạt 55,8 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha.
Nuôi trồng thủy sản cũng gặp bất lợi về thời tiết. Nắng nóng đầu vụ cộng với nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường chính là EU và Hoa Kỳ sụt giảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rơi vào cảnh tồn kho lớn, nợ đọng kéo dài nên giảm thu mua cá nguyên liệu. Người nuôi thua lỗ, tình trạng “treo ao” tràn lan. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước hơn 1 triệu hecta, giảm 0,2%.
Chăn nuôi được đánh giá là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất do giá các loại thức ăn biến động mạnh, trong khi giá bán ở mức thấp và sự cạnh tranh của hàng nhập lậu.
Lần đầu tiên chỉ tiêu xuất khẩu gạo không đạt kế hoạch đề ra cả về sản lượng và giá trị. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm qua chỉ xuất được khoảng 6,5 triệu tấn, chưa tới 3 tỷ USD, thấp hơn năm 2012 trên 15% cả về lượng và giá trị.
Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2013 khoảng 27,5 tỷ USD, chỉ tăng 0,7% so với năm 2012, trong khi năm 2012 con số này tăng 9,7%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, năng suất nhiều loại cây trồng tăng đáng kể và gần như đạt ngưỡng nhưng vẫn chưa tác động nhiều đến thu nhập của nông dân, khi giá nông sản thị trường thế giới đều sụt giảm. Rõ nét nhất là mặt hàng lúa, gạo- cây trồng thế mạnh của nước ta.
Tăng trưởng chậm, giá trị thấp nên năm qua ngành nông nghiệp đóng góp chỉ còn khoảng 19% GDP cả nước. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, việc giảm GDP nông nghiệp vào nền kinh tế là xu hướng tích cực nếu muốn công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Nhưng cái đáng lo là 49% lao động nông thôn chỉ tạo ra 19% GDP, so với 51% lao động công nghiệp và dịch vụ làm ra 81% GDP, nên chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị nhiều hơn. Vì vậy, theo Thủ tướng, đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội, đòi hỏi phải giải quyết thời gian tới.
Quyết liệt tái cơ cấu
Năm 2014, ngành nông nghiệp đề ra chỉ tiêu tăng trưởng đạt 2,6- 3%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,1- 3,5% so năm 2013.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, cho biết, sẽ triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực, tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao giá trị gia tăng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát huy lợi thế từng địa phương, sản xuất theo quy hoạch và nhu cầu thị trường.
Liên quan sản xuất lúa, ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, “cánh đồng liên kết” mà địa phương thực hiện bước đầu phát huy hiệu quả, tạo chuỗi sản xuất khép kín từ “đầu vào” đến “đầu ra”. Tuy nhiên, nếu muốn nhân rộng các mô hình này Chính phủ cần ban hành nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp để làm cơ sở điều hành, quản lý, giảm sản xuất phân tán, nhỏ lẻ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, ngành nông nghiệp cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị. Trong đó, đầu tư cho công tác giống, cải tiến quy trình sản xuất, thực hiện cơ giới hóa.
Đặc biệt ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát triển sản xuất bền vững. Các tỉnh, thành tăng cường mối liên kết giữa nông dân- doanh nghiệp thông qua nhân rộng những mô hình liên kết, tổ chức sản xuất có hiệu quả sao cho phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, từng địa phương.
Ngoài ra, từ Trung ương đến địa phương cần đề ra cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp về đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thủ tướng chỉ đạo phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, mà trước hết là công tác xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quản lý ngành với tính chất, trình độ mới, cao hơn.
Ưu tiên tổ chức lại sản xuất vùng ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng
Theo đó, sẽ mở rộng xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết, thực hiện liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa sang trồng bắp, đậu nành sẽ được thực hiện ở những vùng trồng lúa kém hiệu quả.
|
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin