Thời điểm nào về đây thú vị nhất? Chúng tôi chọn mùa nước nổi, bởi điều đơn giản luôn “kéo chân” qua những câu chuyện về khoai lang, chuyện trồng rau màu và cả những cuộc mưu sinh của người dân khi nước lũ tràn đồng.
Thời điểm nào về đây thú vị nhất? Chúng tôi chọn mùa nước nổi, bởi điều đơn giản luôn “kéo chân” qua những câu chuyện về khoai lang, chuyện trồng rau màu và cả những cuộc mưu sinh của người dân khi nước lũ tràn đồng.
Không ngoa nếu gọi là “lá phổi xanh” Bình Tân- cái tên đã dần trở nên quen thuộc. Có dịp “dọc đường” mùa lũ, chúng tôi đã ghi nhận được sự hối hả trên những cánh đồng vươn mình phát triển.
Những cánh đồng rau xanh mướt mắt trên quê hương Bình Tân. |
“Lá phổi xanh” Bình Tân
Rời phố thị ồn ào từ sáng sớm, men theo Đường tỉnh 908 mùa lũ, trông con đường như dải lụa mềm mại vắt qua cánh đồng nước trắng xóa thuộc xã Thành Lợi. Cánh đồng khoai “trăm tỷ” bỗng trở nên lười biếng, trầm mặc trong nước lũ. Nhưng đó đây, cũng dễ dàng bắt gặp những giàn khổ qua, dưa leo xanh miết đang độ ra trái sai oằn.
Trên cánh đồng Tân Hưng, Tân Thành, lợi dụng lúc ruộng đồng đầy nước, nông dân hì hục kéo lục bình thành từng đám to đùng, để khi lũ rút toàn bộ diện tích này sẽ “hô biến” thành những ruộng dưa, ruộng khoai xanh tươi, góp thêm hương sắc cho mùa xuân.
Xa xa, nhịp sống mùa nước nổi như được “bày biện” ngay trước mắt. Người dân nơi đây cũng đang “tiếp đón” lũ khi chài, lưới đã được sắm sửa sẵn sàng… Đôi khi, “trắng đêm chỉ chừng ký lô cá tạp nhưng… cực mà vui!”
Chuẩn bị cho mùa vụ mới. |
“Mùa nước nổi mà không có cá đồng thì mất thú vị”- ai cũng bảo vậy. Qua mấy chợ “trên cánh đồng nước” xã Tân Thành, Thành Trung, cá đồng mùa này “không nhiều như mong muốn” nhưng cũng theo con nước lũ… lên chợ. Chị Hường- một tiểu thương “nghiệp dư” sáng nào cũng chỉ vài con cá, bó rau trong vườn nhà khệ nệ ra họp chợ, đang khư khư bưng thau cá linh do ông xã đặt dớn đêm hôm.
Ăn theo là các loại rau “lũ về mới có” như bông súng ma, điên điển góp phần làm chợ thêm đầy sắc màu. Nhiều anh nông dân mới nhìn là biết “hai lúa” rặt, móng chân phèn cháy bước chân lên khỏi ruộng, trên tay còn cầm giỏ cua, xâu ếch lóng ngóng đón lái bán để “đổi” xà bông, bột ngọt. Mặt trời lên tới đỉnh đầu, “chợ chồm hổm” tan dần, nhiều người lại hú hí ra đồng tiếp tục chăm lo cho ruộng khoai, nương rẫy.
Chuyện rau màu
Bình Tân không hỗ danh là vùng đất rẫy lớn nhất tỉnh. Mặc dù, trước đó hàng chục hecta rau màu buộc phải thu hoạch “non” khi nước lũ tràn qua.
Nhưng bằng tất cả ý chí và nghị lực của người dân nơi đây, không mấy chốc những luống rau cải bạt ngàn, cánh đồng khoai xanh mướt, ấp ủ từng củ khoai no tròn, cánh đồng rau màu nhuộm óng ánh màu nắng vàng… đã nhanh chóng trở lại, tạo nên những đường nét sinh động rất riêng cho vùng đất chuyên màu.
Để minh chứng điều này, vợ chồng chú Hai Ngon (xã Tân Bình) chỉ tay về phía đầu bờ “khoe” cho tôi xem công dưa leo mới trồng lại. Ruộng hành vụ trước cũng được dọn cỏ sẵn sàng cho mùa vụ mới. Chú Hai lúi húi chăm sóc từng dây dưa, còn thím Hai thì tỏ ra thản nhiên, “đê đập mới đắp lại kín như bưng, nước được rút cạn tha hồ mà trồng trọt”.
Đến xã Tân Bình nghe rôm rả về những cánh đồng hành lá cho thu nhập hàng chục triệu mỗi năm và hiện đã trở thành nghề truyền thống ở đây. Về xã Tân An Thạnh và Tân Lược, nghe chuyện chuyển đổi cây mè xuống ruộng luân canh với lúa đạt hiệu quả cao.
Còn mới đây, tại xã Tân Định, nhãn hiệu tập thể dưa cải muối chua cũng được thông qua, 20 hộ với gần 100 lao động tham gia làm nghề thường xuyên. Từ lâu, hàng năm nơi đây luôn có hàng chục hecta dưa cải được xuống giống phục vụ “chế biến” tại chỗ. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương, dưa cải nơi đây dần khẳng định vị trí của mình trên thị trường.
Trong khi đó, tại xã Tân Hưng và Tân Thành, mùa lũ nhưng… vẫn có khoai lang thu hoạch. “Lái đến coi hôm qua, trả 700.000 đ/tạ, tui chưa chịu bán.”- ông Bảy Tiến (xã Tân Thành) nói chắc nịch.
Điểm nhấn của vùng khoai những năm gần đây là nông dân đã chủ động được nguồn giống nên không xảy ra cảnh chạy vạy mỗi khi vào mùa. Ngoài những giống khoai lang truyền thống như: dương ngọc, lang sữa, những năm gần đây khoai tím Nhật đã “lên đời” cho vùng khoai này khi giá cao gấp 2- 3 lần loại khoai khác.
Không chỉ vậy, hiện nông dân ở đây còn biết sản xuất khoai lang theo hướng GlobalGAP để xây dựng thương hiệu tiến tới xuất khẩu lâu dài.
Ông Lê Văn Trung- Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau an toàn Thành Lợi cho biết: Người dân đã biết chủ động, linh hoạt chuyển đổi cây trồng mỗi khi đến mùa mưa lũ. Do có đê bao khép kín nên không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, trong tháng mưa lũ nông dân hạn chế sản xuất các mặt hàng rau dễ hư hại mà chuyển sang trồng hành, trồng khoai nhiều.
Hợp tác xã phát triển nhiều giống rau có chất lượng và năng suất cao. “Đậu bắp xanh là mặt hàng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để đảm bảo an toàn trong sản xuất, chúng tôi luôn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tăng lợi nhuận, thu nhập nông dân”- ông Lê Văn Trung chia sẻ.
Mùa lũ có thể là mùa không mong muốn ở vài địa phương. Nhưng trên “lá phổi xanh”, người dân Bình Tân có thể “kiểm soát” được lũ để biến thành tiền, đón tết sung túc, đầm ấm hơn.
Bài, ảnh: HOÀNG MINH- THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin