Mặt hàng lúa, gạo đang thừa mứa trên thị trường xuất khẩu, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là nhu cầu bức thiết ở ĐBSCL. Tuy nhiên, chuyển đổi thế nào phải được tính trong tổng thể, không nên ào ạt khi chưa có giải pháp đồng bộ, bền vững.
Mặt hàng lúa, gạo đang thừa mứa trên thị trường xuất khẩu, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là nhu cầu bức thiết ở ĐBSCL. Tuy nhiên, chuyển đổi thế nào phải được tính trong tổng thể, không nên ào ạt khi chưa có giải pháp đồng bộ, bền vững.
Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả đang được khuyến khích chuyển trồng hoa màu.
|
Chuyển đổi phù hợp phát huy hiệu quả
Bình Tân (Vĩnh Long) là huyện thuần nông, với hơn 80% dân số thu nhập từ nông nghiệp. Song trước đây do độc canh lúa nên thu nhập nông dân không cao.
Từ thực tế này, những năm gần đây, huyện đã tập trung chuyển dịch cơ cấu, giảm diện tích lúa kém hiệu quả sang màu luân canh và chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng gắn với nhu cầu thị trường.
Toàn huyện có hơn 12.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Đến cuối năm 2012, đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái khoảng 3.000ha, còn lại tùy vào điều kiện thực tế của từng vùng mà cơ cấu sản xuất luân canh lúa, màu hoặc trồng màu chuyên canh.
Nếu năm 2008, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 11 triệu đồng/năm thì đến cuối năm 2012 đã vượt 18 triệu đồng. Chính nhờ chuyển đổi cây trồng nên đời sống nông dân ở đây khá giả hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã gieo sạ trên 20.000ha rau màu các loại. Trong đó, trồng trên đất lúa khoảng 11.000ha.
|
Phong trào chuyển đổi cây trồng ở “huyện màu” này đang lan rộng. Từng vùng hiện cũng tự tạo cho mình tên tuổi riêng. Xã Thành Đông, Thành Trung được nhắc đến là xứ sở khoai lang; Tân Bình, Thành Lợi là vương quốc rau màu; Tân An Thạnh có “thương hiệu” cây mè,…
Trong khi đó, huyện Long Hồ diện tích trồng rau màu mùa khô thay cho lúa Hè Thu trong năm nay cũng đã được nhiều nơi thực hiện, với tổng diện tích khoảng 1.000ha. Riêng xã Tân Hạnh gieo sạ trên 225ha chiếm gần 50% diện tích lúa toàn xã.
Hướng đến đầu ra bền vững
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngành sản xuất lúa gạo của nước ta đang phải cạnh tranh với các nước Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar… Các nước nhập khẩu lúa gạo chính của Việt Nam như Indonesia, Philippines đã bắt đầu tự sản xuất, nên thị trường xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Do vậy, việc chuyển đổi là vấn đề tất yếu, trong đó, cây bắp và đậu nành là cây trồng được lựa chọn.
PGS. TS Phạm Văn Dư- Cục phó Cục Trồng trọt cho biết, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,5- 1,7 triệu tấn bắp hạt, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành, 600.000 tấn hạt đậu nành và một số nguyên liệu khác, tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 3,4 tỷ USD, gần bằng với tổng kim ngạch xuất khẩu lúa gạo.
Theo Cục Trồng trọt, ĐBSCL có khả năng phát triển diện tích trồng bắp lai lên đến 100.000ha, 350.000ha đậu nành trong vụ Xuân Hè và Hè Thu sớm trên các diện tích lúa kém hiệu quả. Mỗi năm cung cấp khoảng 700.000 tấn đậu nành và 550.000 tấn bắp cho nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, theo nhận định của các địa phương, để chuyển đổi mang tính bền vững rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm, giảm bớt rủi ro trước khi khuyến cáo chuyển đổi ồ ạt.
Ở một góc độ khác, ông Đoàn Ngọc Phả- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang cho rằng, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu cần chỉnh sửa cho phù hợp, vì trước đây đồng ruộng chủ yếu thiết kế để sản xuất lúa. Đồng thời, khâu cơ giới hóa (máy đánh rảnh, máy gieo hạt, máy sấy bắp, đậu nành) và gắn kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm vốn yếu kém trước nay cũng cần được tính đến.
Để đạt hiệu quả cao trước khi đưa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào sản xuất, tỉnh Vĩnh Long đang phân vùng tập trung quy hoạch sản xuất ứng dụng công nghệ cao kết hợp luân canh, cơ cấu mùa vụ hướng tới sản xuất bền vững tại nhiều vùng trồng rau màu như xà lách xoong xã Thuận An và khoai lang.
Theo đó, huyện Bình Tân sẽ khảo sát quy hoạch lại các vùng trồng rau màu chuyên canh đến năm 2015. Trong đó, sẽ ổn định diện tích khoai lang đạt 12.000ha. Tại các xã trọng điểm sản xuất khoai lang, sẽ quy hoạch sản xuất 2 vụ khoai xen 1 vụ lúa hoặc 1 vụ khoai xen 1 vụ lúa để hạn chế sâu bệnh.
Theo kế hoạch, ĐBSCL sẽ chuyển đổi 200.000ha đất lúa sang trồng màu với 2 loại cây chủ lực là bắp và đậu tương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu muốn trồng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải thay đổi nguồn giống, áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp.
|
Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin