Ngoài sản phẩm truyền thống của địa phương như mai vàng, hoa cúc, vạn thọ, những năm gần đây cùng với nhu cầu thị trường, Chợ Lách phát triển thêm nghề trồng kiểng lá. Kiểng lá đã giúp cho người trồng, kể cả người mua đi bán lại, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Ngoài sản phẩm truyền thống của địa phương như mai vàng, hoa cúc, vạn thọ, những năm gần đây cùng với nhu cầu thị trường, Chợ Lách phát triển thêm nghề trồng kiểng lá. Kiểng lá đã giúp cho người trồng, kể cả người mua đi bán lại, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Chị Trần Thị Cúc, ấp Tân An, xã Long Thới, vốn thuộc gia đình khó khăn, nhưng nhờ vào nghề đi mua kiểng lá đến nay cuộc sống khá hơn, gia đình chị sắm được xe tải chở hàng, nhà cửa khang trang. Chị Cúc cho biết, chị đến với nghề đi mua kiểng lá đến nay hơn 10 năm.
Trong những ngày đi làm thuê ở TP.HCM, chị gặp người bạn làm nghề cắm hoa giới thiệu về nhu cầu kiểng lá trên thị trường hiện nay. Nhận thấy ở địa phương có nhiều nhà trồng kiểng làm cảnh nên nảy sinh ý định đi mua kiểng lá về bán lại.
Nhiều phụ nữ Chợ Lách có thu nhập khá từ cây kiểng lá.
Ban đầu vốn ít, chị đi mua kiểng lá ở từng nhà, không kể xa gần, nhà nào có chị đến mua và ra công cắt giao lại cho các đại lý. Mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn. Sau nhiều năm dành dụm với nghề đi mua kiểng lá cùng với vốn vay từ Hội phụ nữ hỗ trợ, chị mạnh dạn mở đại lý thu mua và dùng xe tải chở hàng đi giao tại các chợ đầu mối ở TP.HCM, đến nay kinh tế ổn định.
Chị Cúc chia sẻ: “Trước khi đến với nghề thu mua kiểng lá, gia đình làm cây giống nhưng so ra, kiểng lá cho thu nhập ổn hơn. Trước đây có ít đại lý thu mua, mỗi ngày cơ sở mua vài chục ngàn lá, kiếm hơn 500 ngàn đồng. Hiện nay, nguồn thu này ít lại nhưng so với các nghề khác đỡ vất vả hơn.”
Chị Lê Thị Tám, ấp Đông Nam, xã Vĩnh Thành, gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà có hơn 1 công đất vườn, làm mướn đủ nghề nhưng không đủ sống. Từ khi đến với nghề mua kiểng lá, gia đình khá hơn. Với mức thu nhập hơn 100 ngàn đồng/người đã giúp cho gia đình chị thoát được nghèo.
Chị Tám cho biết: “Từ khi đi mua kiểng lá đến nay, gia đình có nguồn thu nhập ổn định, không còn lo ăn hàng ngày hay lo kiếm việc làm như trước đây.”
Long Thới được biết đến với mô hình trồng hoa nở (cúc, vạn thọ), mô hình đan bội kẽm,… Nhưng hơn 10 năm trở lại, chị em phụ nữ ở xã Long Thới còn phát triển nghề thu mua và trồng kiểng lá.
Toàn xã hiện có hơn 10 hộ là đại lý thu mua kiểng lá các loại, với nghề này không chỉ giúp cho nhiều chị em phụ nữ có thêm thu nhập nâng cao đời sống gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ nhàn rỗi ở địa phương, chị Huỳnh Thị Thúy Kiều - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Long Thới cho biết.
Những hộ làm nghề thu mua kiểng lá đa phần hiệu quả kinh tế phát triển, còn những hộ trồng kiểng lá đời sống cũng nâng lên. Bà Lê Thị Bé, ấp Tân An, xã Long Thới, một trong những gia đình đến với mô hình trồng kiểng lá cho biết: “Gia đình có hơn 1 công đất vườn trồng nhãn, mỗi năm cho 1 vụ, có năm trúng cũng có năm thất, cao nhất chỉ thu được hơn 5 triệu đồng/năm. Từ khi địa phương phát triển nghề kiểng lá, gia đình học hỏi làm theo và chọn trồng cây cau vàng để phát triển. Qua thời gian chăm sóc cây cau vàng phát triển tốt, từ khi trồng đến bán lá khoảng 1,5 năm. Hiện tại với giá thu mua 500 đồng/lá, mỗi tháng gia đình bán hơn 2 ngàn lá mang lại nguồn thu nhập hơn 1 triệu đồng. So với cây nhãn trước đây, cây cau vàng cho thu nhập khá hơn gấp nhiều lần”.
Hiện nay, việc sử dụng kiểng lá để trang trí trong nhà, đặc biệt là kết hoa, cắm hoa nghệ thuật đang được rất nhiều người ưa chuộng, nên sức tiêu thụ rất mạnh. Từ đó không chỉ có những hộ nghèo đến với nghề kiểng lá mà những gia đình khá giả cũng làm theo, bởi nguồn thu của nó khá hấp dẫn.
Chị Nguyễn Thị Kim Nga (Bảy Nga), ấp An Thạnh, xã Long Thới, làm nghề thẩm mỹ, thấy bà con ở địa phương phát triển nghề trồng kiểng lá, chị cũng làm thử kiếm thêm thu nhập phụ trang trải chi phí gia đình.
Cây trúc đốm được chị Nga lựa chọn trồng để bán đọt. Ban đầu chị mua hơn 500 bịt trồng thử nghiệm, qua thời gian chăm sóc gần 1 năm cây phát triển tốt và được thương lái đến hỏi mua. Với giá bán 500 đồng/đọt, vụ đầu tiên chị bán hơn 500 ngàn đồng.
Thấy hiệu quả từ cây trúc đốm mang lại, chị bắt đầu nhân giống và đến nay tại khu vườn gần 1 ngàn mét vuông được chị nhân ra với số lượng hơn 7 ngàn bịt lớn nhỏ. Cách 1 tuần lái đến cắt, bình quân 1 tháng cây trúc đốm cho thu nhập từ 3- 4 triệu đồng tiền bán đọt và hơn 1 triệu đồng tiền bán cây giống.
Ước tính 1 năm cây trúc đốm đã giúp cho gia đình chị Nga có thêm thu nhập hơn 40 triệu đồng. Chị Nga cho biết: “Ban đầu tôi cứ tưởng cây trúc đốm là nguồn thu nhập phụ nhưng không ngờ nó là nguồn thu chính của gia đình, làm chơi ăn thiệt.”
Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, không tốn nhiều chi phí và diện tích đất, cùng với thị trường tiêu thụ mạnh, kiểng lá đang được xem là mô hình thoát nghèo của nhiều phụ nữ Chợ Lách.
Theo bentre.gov.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin