Cần định hướng cho một nền nông nghiệp hữu cơ

09:10, 08/10/2013

Các nhà khoa học trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu thực phẩm hữu cơ (organic food) vào thập niên 1940. Hiện thế giới đã có 32,7 triệu hecta đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, còn tại Việt Nam ta có 14 ngàn hecta, chỉ bằng 0,1% diện tích sản xuất nông nghiệp của cả nước. Theo một số đánh giá thì Việt Nam là quốc gia tiềm năng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Các nhà khoa học trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu thực phẩm hữu cơ (organic food) vào thập niên 1940. Hiện thế giới đã có 32,7 triệu hecta đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, còn tại Việt Nam ta có 14 ngàn hecta, chỉ bằng 0,1% diện tích sản xuất nông nghiệp của cả nước. Theo một số đánh giá thì Việt Nam là quốc gia tiềm năng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.


Hình ảnh một vài thực phẩm hữu cơ.


Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn quốc tế IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ), mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn với người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất.

Đó là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại nào, như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hóa chất cũng như các loại phân hóa học, các chất điều tiết sự tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

Sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng.

Nhìn chung, canh tác hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại và có chất lượng cao…

Ngoài ra còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các vụ mùa và các loại vật nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương,…

Những lợi ích của việc sản xuất hữu cơ

Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đúng với tiềm năng có sẵn của Việt Nam thì hơn ai hết người nông dân cần phải hiểu rõ giá trị mà sản phẩm mình sản xuất mang lại cho môi trường, bản thân và người tiêu dùng.

Thứ nhất, có lợi cho sức khỏe. Vì không sử dụng hóa chất trong sản xuất nên người sản xuất không bị tác hại của hóa chất mà lại được tận hưởng một môi trường trong sạch và thiên nhiên rất tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, vùng canh tác hữu cơ được chọn lựa kỹ càng nên sản phẩm tạo ra an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, vì bón phân hữu cơ nên cây sử dụng được tổng cộng 53 nguyên tố cho sự sinh trưởng phát triển (điều này sẽ không có đối với sản xuất không hữu cơ vì phân bón chỉ tổng hợp được 13 nguyên tố cần thiết) tạo cho sản phẩm có hương vị thơm ngon, màu sắc đẹp, lại có nhiều dinh dưỡng cung cấp cho con người.

Thứ hai, tốt cho môi trường. Vì sản xuất mang tính hướng theo thiên nhiên nên đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, các phế phẩm nông nghiệp được ủ để làm phân hữu cơ trả lại vào đất nên sẽ tạo cân bằng cho hệ sinh thái. Ngoài ra, phân hữu cơ góp phần cải tạo đất tăng độ màu mỡ cho đất và tránh các hiện tượng xói mòn.

Thứ ba, theo đúng chuỗi giá trị thì sản phẩm hữu cơ sẽ mang lại cho người sản xuất thu nhập cao. Hiện nay đa số sản phẩm hữu cơ của Việt Nam được xuất khẩu mang lại khoản lợi nhuận lớn cho các công ty. Tuy nhiên, thị trường trong nước chưa sôi động và chỉ có một phần nhỏ khách hàng biết đến và mặn mà với dòng sản phẩm này.

Khó khăn chi phối

Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nước ta phát triển chưa đúng tầm là do bị chi phối bởi nhiều lý do:

Một là, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng chưa biết nhiều đến những lợi ích mà sản phẩm hữu cơ mang lại. Công tác truyền thông, thông tin chưa mạnh mẽ nên nhu cầu trong nước chưa cao.

Cho nên, sản phẩm hữu cơ tuyệt đối an toàn có lúc phải bán bằng với giá thường nên nông dân không mặn mà sản xuất.

Hai là, trình độ sản xuất và khoa học kỹ thuật của nước ta còn thấp so với nhiều nước sản xuất hữu cơ trên thế giới nên còn nhiều hạn chế trong kiểm soát sâu bệnh và chất lượng sản phẩm, năng suất chưa cao.

Ba là, trong nước hiện chưa có cơ quan chứng nhận sản xuất hữu cơ, việc chứng nhận phải thuê những chuyên gia nước ngoài với chi phí chứng nhận cao.

Ngành nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn nhiều thách thức đòi hỏi cần có sự chỉ đạo tổng thể chung của Nhà nước và sự chung sức của các doanh nghiệp, nông dân và người tiêu dùng.

Năm 2006, tôi có dịp sang Nhật dự hội thảo về thị trường ngách do Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) tổ chức, tôi được phía bạn cho tham quan một siêu thị thực phẩm hữu cơ và dùng bữa cơm truyền thống của người Nhật, mỗi người có một hộp gỗ riêng, phần ăn riêng và phải ngồi dưới nền gạch theo kiểu của họ, thức ăn truyền thống là thực phẩm hữu cơ và không thịt, không cá.

Thế giới đã hình thành nền nông nghiệp hữu cơ và dần dần chuyên môn hóa, các tỉnh phía Bắc đã có dự án nghiên cứu do nước ngoài tài trợ.

Qua phân tích những tối ưu và đánh giá hiện thực khó khăn trên, tôi nghĩ Vĩnh Long cần tiên phong định hướng cho một nền nông nghiệp hữu cơ, có thể tìm tài trợ từ nước ngoài, có thể hình thành đề tài nghiên cứu... nhằm đạt được nhiều lợi ích cho cộng đồng như sức khỏe, lợi nhuận, sản xuất bền vững…

Ở Việt Nam, Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ được tài trợ bởi Tổ chức Phát triển nông nghiệp Châu Á, Đan Mạch (ADDA)– Tổ chức phi chính phủ của Đan Mạch, phối hợp thực hiện với Hội Nông dân Việt Nam từ tháng 11/2005- 10/2012 tại các tỉnh phía Bắc bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Tĩnh. Từ tháng 11/2010- 12/2012, dự án lựa chọn các nhóm nông dân tiềm năng, thực sự mong muốn và quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ tại Sóc Sơn (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình) để tiếp tục củng cố và phát triển sản xuất hữu cơ một cách bền vững.


TS. VĂN HỮU HUỆ (TP Vĩnh Long)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh